Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu sửa đổi luật Đất đai đảm bảo đồng bộ giữa việc giao đất, cho thuê đất và giao rừng theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng và giảm thiểu việc lợi dụng để phá rừng.
Đó là thông tin ông Nguyễn Quốc Hiệu, Cục phó Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT), chia sẻ sau loạt bài Vì sao rừng vẫn liên tục bị thảm sát ? trên Báo Thanh Niên, phản ánh về tình trạng phá rừng diễn ra ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên vừa qua.
Ồ ạt dự án xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng
Ông Nguyễn Quốc Hiệu cho rằng, nhìn lại sau 6 năm thực hiện “lệnh” của Thủ tướng Chính phủ về “đóng cửa rừng tự nhiên” có thể khẳng định, các cấp, các ngành T.Ư và địa phương thực hiện nghiêm túc, có kết quả nổi bật. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, không khai thác chính gỗ rừng tự nhiên, kể cả các khu rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế; không khai thác tận dụng, khai thác gỗ gia dụng từ rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, chỉ giải quyết chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, KT-XH cấp thiết.
Đặc biệt, công tác xử lý vi phạm pháp luật liên quan trong lĩnh vực bảo vệ rừng được bổ sung, sửa đổi các quy định đảm bảo răn đe. Cụ thể, xử phạt hành chính lên tới 500 triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả. Còn về xử lý hình sự, đã bổ sung tội hủy hoại rừng có thể bị phạt tù lên tới 15 năm; pháp nhân thương mại phạm tội bị phạt đến 7 tỉ đồng, ngoài ra còn có thể bị cấm kinh doanh, huy động vốn từ 1 - 3 năm.
Theo ông Hiệu, dù số vụ vi phạm pháp luật và thiệt hại về rừng đã giảm nhưng thực tế tình trạng phá rừng, khai thác trái pháp luật còn xảy ra ở miền Trung và Tây nguyên như Báo Thanh Niên phản ánh vừa qua là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Chính phủ đã có lệnh dừng khai thác, đóng cửa rừng tự nhiên, trong khi nhu cầu, thói quen về sử dụng gỗ rừng tự nhiên của một bộ phận dân cư chưa thay đổi và nguồn gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu có xu thế giảm. Theo đó, khai thác gỗ bất hợp pháp trở nên “siêu lợi nhuận”. Thứ hai, sức ép về phát triển KT-XH, đặc biệt là nhu cầu đất trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp… khiến đất rừng có giá trị kinh tế ngày càng cao.
“Ở những nơi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật đều có chung tình trạng chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm; các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở không phát hiện, ngăn chặn kịp thời và việc xử lý người có hành vi vi phạm và người có trách nhiệm quản lý chưa nghiêm dù quy định pháp luật đã có đầy đủ”, ông Hiệu nói.
Đặc biệt, ông Hiệu thông tin, chủ trương chung của Quốc hội, Chính phủ là kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, chỉ ưu tiên dự án phục vụ an ninh quốc phòng, phát triển KT-XH có tính chất cấp thiết. Nhưng thực tế, ở nhiều địa phương vẫn có tình trạng ồ ạt lập dự án trên diện tích đất rừng. Chỉ thống kê riêng ở 16 tỉnh, TP miền Trung, Tây nguyên, trong thời gian vừa qua đã có 46 dự án của các tỉnh đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Nhưng sau khi thẩm định, rà soát, các cơ quan chức năng chỉ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đối với 20 dự án.
Vá lỗ hổng pháp luật, ngăn lạm dụng phá rừng
Cũng theo chia sẻ từ ông Hiệu, thực tế công tác bảo vệ rừng đang gặp khó khăn, thách thức khi giữa quy định của luật Lâm nghiệp 2017 và luật Đất đai 2013 vẫn còn nhiều quy định bất cập, không thống nhất.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 5 điều 137 luật Đất đai, UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái, môi trường dưới tán rừng. Nhưng tại điều 17 luật Lâm nghiệp thì không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế chỉ có thể ký hợp đồng thuê môi trường rừng đặc dụng với Ban Quản lý rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (khoản d điều 75 luật Lâm nghiệp).
Đối với rừng phòng hộ, khoản 4 điều 136 luật Đất đai quy định, UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái, môi trường dưới tán rừng. Trong khi đó, tại điều 17 luật Lâm nghiệp không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế chỉ có thể ký hợp đồng thuê môi trường rừng phòng hộ với Ban Quản lý rừng phòng hộ để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (khoản b điều 76 luật Lâm nghiệp).
Ông Hiệu cho biết, để khắc phục bất cập trong quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Bộ TN-MT tham mưu sửa đổi luật Đất đai theo hướng thống nhất, đồng bộ trong quy định về giao đất, cho thuê đất của luật Đất đai với các quy định theo điều 16, 17 của luật Lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, giảm thiểu việc lợi dụng các dự án phát triển KT-XH để hợp thức việc phá rừng.
Trao đổi với Thanh Niên, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp (Bộ NN-PTTN) - một trong số những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp, trực tiếp tham gia xây dựng luật Lâm nghiệp, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến rừng vẫn bị chặt phá, triệt hạ dù Chính phủ đã có quyết định đóng cửa rừng tự nhiên là do vẫn còn tồn tại 2 quan điểm khác nhau.
Luồng ý kiến thứ nhất, khi tham gia đóng góp ý kiến xây dựng luật Lâm nghiệp, nhiều nhà khoa học đã đề xuất quy định vĩnh viễn đóng cửa rừng tự nhiên, không cho khai thác nữa và chỉ để rừng trồng để lấy gỗ và khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ cung cấp cho thị trường. Còn luồng ý kiến thứ hai (sau này đã thành quy định của Chính phủ) là chỉ quy định đóng cửa rừng, không cho khai thác gỗ nghĩa là không phải đóng cửa rừng một cách vĩnh viễn mà đóng tạm thời.
Luật Lâm nghiệp ban hành 2017 dù có quy định đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng lại vẫn có những trường hợp được đụng đến rừng tự nhiên, cụ thể là cho phép chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên do Quốc hội, Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh, TP quyết định phục vụ cho dự án an ninh quốc phòng, phát triển KT-XH bức thiết. Theo như cơ chế này, nếu một đơn vị hoặc dự án được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang các mục đích khác thì việc mất rừng là điều khó tránh khỏi, có chăng ở đây là giới hạn về số lượng, địa điểm cụ thể.
“Để đảm bảo phát triển bền vững thì ngành lâm nghiệp và TN-MT trường phải xác định chia rừng làm hai khối. Một khối là rừng vĩnh viễn không bao giờ được phép đụng đến, làm nhiệm vụ điều hòa môi trường, không để xảy ra lũ lụt, hạn hán… Khối còn lại là loại rừng dự trữ trong ngắn hạn và dài hạn, nghĩa là vẫn cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng rừng này phải được quản lý chặt chẽ bởi Quốc hội, Chính phủ, HĐND các tỉnh, TP. Trong trường hợp cho phép chuyển đổi thì phải tính đến nhu cầu sử dụng đất dài hạn, kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt, chặt chẽ. Đặc biệt, đối với rừng tự nhiên, nên áp dụng theo kinh nghiệm của nhiều nước nước trên thế giới là ban hành quyết định đóng cửa rừng vĩnh viễn, không cho phép bất cứ ai được đụng đến loại rừng này”, ông Lung nói. GS Lung lưu ý, để giữ được rừng thì vấn đề quan trọng nữa là xã hội hóa sở hữu rừng và đất. Cụ thể, trong 4,4 triệu ha rừng trồng hiện nay, đa số thuộc sở hữu tư nhân. Vì vậy, công tác bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm chỉ quan tâm đến rừng công hữu. Nếu tăng cường sở hữu rừng và đất cho dân như ruộng lúa thì kiểm lâm không cần lo dày hay mỏng nữa mà chủ rừng tự lo bảo vệ một cách hiệu quả như ruộng lúa hoặc ao cá ngày nay.
Theo Phan Hậu -Lê Quân (TNO)