Vì sao người trẻ cần khởi nghiệp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho người trẻ, T.Ư Đoàn sẽ tổ chức chương trình trực tuyến “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp” để chia sẻ và cung cấp các kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Các sản phẩm khởi nghiệp của người trẻ luôn có tính sáng tạo ẢNH PHAN HẬU
Các sản phẩm khởi nghiệp của người trẻ luôn có tính sáng tạo ẢNH PHAN HẬU

Ban Bí thư T.Ư Đoàn vừa ban hành Kế hoạch tổ chức chương trình trực tuyến “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp” dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập ở trong và ngoài nước.

Chương trình nhằm phát triển tư duy, thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên; trang bị các kiến thức, kỹ năng, thông tin giúp học sinh, sinh viên hiểu tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Chương trình cũng tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên được giao lưu, chia sẻ với các chuyên gia, người nổi tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp; đồng thời, tiếp cận với các chính sách, kênh thông tin hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Chương trình sẽ bao gồm 6 số (mỗi tháng 1 số; thời lượng mỗi số 90 phút); được livestream trên page Cổng thông tin T.Ư Đoàn, Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam, Báo Thanh Niên.
Chương trình sẽ diễn ra vào các ngày chủ nhật, cụ thể như sau: số 1 ngày 2.8, số 2 ngày 30.8, số 3 ngày 27.9, số 4 ngày 25.10, số 5 ngày 29.11 và số 6 ngày 20.12.
Nhiều nội dung hấp dẫn
Theo kế hoạch, nội dung các số của chương trình rất đa dạng và cung cấp đầy đủ thông tin để học sinh, sinh viên có thể khởi nghiệp.
Số 1 với chủ đề “Khởi nghiệp - Có thật sự cần thiết?”, giúp học sinh, sinh viên hiểu khái niệm, tầm quan trọng của việc khởi nghiệp đối với bản thân, gia đình và xã hội; những khó khăn, thách thức đối với học sinh, sinh viên trong vấn đề khởi nghiệp.
Số 2, 3, 4 và 5 với chủ đề “Khởi nghiệp - Tôi phải làm gì?”, trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để hình thành, phát triển tư duy khởi nghiệp.
Trong đó, số 2 với nội dung “Đánh giá, định hình năng lực kinh doanh tiềm ẩn của bản thân” giúp học sinh đánh giá năng lực, xác định thế mạnh, hạn chế của bản thân trong tư duy kinh doanh, khởi nghiệp và hiểu thêm những phẩm chất, tính cách thói quen của những người thành công trong khởi nghiệp.
Số 3 với nội dung “Các bước để khởi nghiệp” hướng dẫn quy trình, các bước khởi nghiệp tối ưu và phù hợp.
Số 4 với nội dung “Kiến thức, kỹ năng cần thiết khi khởi nghiệp” cung cấp những kiến thức, thông tin cần thiết khi khởi nghiệp; hướng dẫn cách thức xác định những kỹ năng cần thiết để áp dụng thành công kiến thức khởi nghiệp vào thực tiễn.
Số 5 với nội dung “Dám chấp nhận thất bại - đứng lên mạnh mẽ” chia sẻ kinh nghiệm, cách thức để vượt qua thất bại, rủi ro khi khởi nghiệp.
Số 6 với chủ đề “Khởi nghiệp - Ai sẽ đồng hành cùng tôi?”, cung cấp các thông tin, chính sách, các kênh hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Theo kế hoạch, ở mỗi số, sẽ có khách mời là những người nổi tiếng, thành công trong khởi nghiệp. Ban cố vấn và khách mời sẽ thông tin những vấn đề khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên; chia sẻ những câu chuyện khởi nghiệp từ thực tiễn của bản thân nhằm truyền tải, lan tỏa những thông điệp tích cực, thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Chương trình sẽ dành 30 phút cuối để ban cố vấn, khách mời giao lưu trực tuyến với học sinh, sinh viên để trả lời trực tiếp các câu hỏi tại chương trình.
Kết thúc mỗi số, ban cố vấn, khách mời sẽ đặt một câu hỏi thu hoạch dành cho học sinh, sinh viên. Trả lời đúng câu hỏi thu hoạch, học sinh, sinh viên sẽ được nhận giấy chứng nhận, phần quà từ ban tổ chức.
90% học sinh, sinh viên sẽ có kỹ năng khởi nghiệp
Theo ban tổ chức, chương trình nhằm thực hiện mục tiêu: đến năm 2020, có ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp” tại đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời chương trình cũng để thực hiện mục tiêu “Giai đoạn 2019 - 2022, có 5 triệu đoàn viên thanh niên được trang bị kiến thức về khởi nghiệp” tại Đề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 - 2022” của Ban Bí thư T.Ư Đoàn.
Theo Vũ Thơ (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.