"Vị đắng" ngành mía đường: Gạt nước mắt hòa nhập ATIGA

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại diện các nhà máy đường kiến nghị, ngay lúc này Chính phủ, Bộ Công Thương... cần ưu tiên cho các giải pháp cấp bách bởi thời hạn bỏ hạn ngạch, thuế suất bằng 0% với mặt hàng đường đã cận kề. Các chính sách về ưu đãi lãi suất, đảm bảo giá mía từ 900.000 đồng - 1,1 triệu đồng/tấn là giải pháp cứu nông dân, cứu các vùng trồng mía.
“Đường lậu đã phá nát một nền sản xuất”
Nguyễn Quốc Thế - một nông dân trồng mía từ 1995 ở Khánh Hòa cho biết, ngành mía đường Việt Nam đã đạt trình độ sản xuất của thế giới nhưng đáng tiếc, người nông dân đang bán đất để trả nợ, không tha thiết gì với cây mía. “Đường lậu đã phá nát một nền sản xuất” - ông Thế nói.
 
Đường lậu khiến ngành sản xuất mía đường trong nước lao đao. (Trong ảnh: Lực lượng chức năng An Giang thu giữ đường lậu). Ảnh: T.L
Thiếu sót thông tin đáng tiếc
“Điều vô cùng đáng tiếc là trong một thời gian dài, các thông tin về bản chất biến dạng đến mức gian lận thương mại của thị trường đường thế giới đã không được Hiệp hội Mía đường Việt Nam - với tư cách là một hiệp hội ngành nghề - kịp thời nhận diện và thông tin đến các đơn vị hữu quan và dư luận. Sự thiếu sót thông tin này đã khiến cho toàn bộ xã hội và các đơn vị quản lý Nhà nước có ngộ nhận là năng lực cạnh tranh của ngành đường và nông dân trồng mía Việt Nam quá thấp so với Thái Lan và thế giới, chỉ ỷ lại vào bảo hộ của Nhà nước; từ đó dẫn đến những sai lầm trong việc triển khai các kế hoạch sản xuất tiêu thụ, dẫn đến một số hậu quả bất lợi cho việc phát triển của ngành” - ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng Thư ký VSSA.
17/30 nhà máy đường thua lỗ
Hiện cả nước có 40 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất đường. Vụ sản xuất 2017 - 2018, cả nước có 37 nhà máy đường hoạt động, sản lượng đường 1,47 triệu tấn; trong khi niên vụ 2018 - 2019 các nhà máy đường sản xuất được 1,17 triệu tấn. Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước.

Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư mỗi 1.000m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 - 4 triệu đồng khiến nông dân đổ nợ, đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

Ông Nguyễn Đăng Thuận - Phó Chủ tịch Hội Người trồng mía tỉnh Tây Ninh cũng không khỏi chua xót khi nói về tình cảnh của người trồng mía. “Nhiều người bán đất vì thua lỗ, hơn lúc nào hết cần minh bạch chữ đường để nông dân còn sống được, giá mía đã thấp, nông dân còn bị trừ tạp chất, hạ thấp chữ đường trong khi Thông tư 29 về tiêu chuẩn mía nguyên liệu cho phép có 3% tạp chất nhưng các nhà máy đường vẫn trừ” - ông Thuận bức xúc.
Theo ông Thuận, những năm trước Tây Ninh được xem là vương quốc mía đường với diện tích trên 40.000ha, nhưng diện tích mía hiện nay chỉ còn khoảng 14.000ha, giá thành sản xuất mía khoảng 800 đồng/kg nhưng nhà máy chỉ mua với giá 700 - 750 đồng/kg.
Giá mía giảm, tiêu thụ khó khăn khiến diện tích mía ở nhiều nơi giảm đáng kể. Ông Cao Anh Đương - quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho rằng, diện tích mía của Việt Nam chưa tới 200.000ha, đó là của niên vụ trước. Còn vụ 2019 - 2020 này diện tích còn xuống nữa, dự kiến chỉ còn hơn 150.000ha, không phải con số 260.000ha như trong các báo cáo.
Trong khi đó, vai trò của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nông dân, doanh nghiệp dường như còn rất mờ nhạt.
Chính vì mờ nhạt nên sự phối hợp của tổ chức này với các thành viên khá lỏng lẻo. Điều này được ông Nguyễn Văn Lộc - quyền Tổng Thư ký VSSA lý giải qua các hoạt động vi phạm của thành viên. Chẳng hạn, ngay từ đầu niên vụ 2018/19, dưới tác động của đường nhập lậu và gian lận thương mại, với lý do chống đường nhập lậu, nhiều thành viên đã thông báo bán phá giá đường.
“Nguồn gốc đường nhập lậu vào Việt Nam là đường phá giá xuất phát từ hành vi gian lận thương mại quốc tế. Rất tiếc là do thiếu thông tin, bản chất gian lận này đã không được Hiệp hội nhận diện chính xác và kịp thời, dẫn đến nhận định rằng trình độ ngành đường Việt Nam sản xuất yếu kém nên giá luôn cao hơn giá thế giới, dẫn đến một số doanh nghiệp của ngành đường Việt Nam đã chọn giải pháp giảm giá đường - giảm giá mía để cạnh tranh” - ông Lộc thừa nhận.
Cần thiết lập mối liên kết
Trong bối cảnh thực hiện cam kết ATIGA từ 1/1/2020, Nhà nước đã yêu cầu phải tăng cường liên kết giữa người trồng mía và các nhà máy chế biến như là điều kiện tiên quyết để Nhà nước tiếp tục hỗ trợ ngành đường.
Vì vậy, VSSA đề xuất việc thiết lập hệ thống chia sẻ giữa nông dân trồng mía và nhà máy để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành mía đường Việt Nam. Tỷ lệ chia sẻ mía/đường nằm trong khoảng 65/35 đến 70/30.
Đồng thời, VSSA cũng đề xuất thành lập hệ thống truy xuất xuất xứ mặt hàng đường. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code hoặc chip nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu.
Về phía các nhà máy, cần bổ sung sản phẩm đường đóng gói bao bì nhỏ (0,5 - 1kg), cùng với hệ thống phân phối nhằm giảm hiện tượng các tiểu thương thực hiện sang chiết đóng gói, là đầu ra cho đường nhập lậu. Tất cả đường tiêu thụ trực tiếp phải là đường có thương hiệu, có thể truy xuất xuất xứ. Đặc biệt, thiết lập hệ thống kiểm soát đường nhập lậu với bộ máy và ngân sách thích đáng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hùng Dương - đại diện một doanh nghiệp thành viên của VSSA, kiến nghị: “Sau khi bỏ hạn ngạch, nếu cho phép nhập đường trắng thì các nhà máy đều chết. Theo tôi, giải pháp trước mắt là áp dụng hạn ngạch nội địa như cách Indonesia và Philippines đã áp dụng thành công để giữ mặt bằng giá mía hợp lý bảo vệ người nông dân”.
Theo ông Phạm Hùng Dương, về lâu dài, cần hỗ trợ cho nông dân 50% lãi suất đối với việc đầu tư cơ giới, đầu tư ruộng mía... nhằm giữ người dân ở lại với cây mía.
Ông Đặng Việt Anh - đại diện Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa cho rằng, vấn đề nguy hiểm nhất hiện nay đó là nhận định, đánh giá về ngành mía đường Việt Nam sai một cách trầm trọng. “Theo tôi, trong lĩnh vực nông nghiệp hiếm có ngành nào có bước phát triển nhanh và mạnh như ngành mía đường trong thời gian qua. Chỉ trong 10 năm từ một ngành sản xuất thủ công là chủ yếu thì hiện nay ngành mía đường Việt Nam đã tiếp cận được với trình độ sản xuất công nghiệp của khu vực và thế giới. Vì vậy, ngành mía đường cần được đánh giá đúng đắn hơn” - ông Anh nói.
An Nhiên (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.