(GLO)- “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố” là chủ đề của Tháng Hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai từ ngày 15-4 đến 15-5. Với chủ đề đặt ra, tháng hành động năm nay được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc quản lý và giám sát các nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố.
Tăng cường công tác thanh-kiểm tra đảm bảo ATVSTP. Ảnh: Như Nguyện |
Theo báo cáo của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh không xảy vụ ngộ độc thực phẩm nào. Đây là tín hiệu lạc quan cho công tác đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, đối với những người làm công tác này thì vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo các chỉ tiêu đặt ra, trong đó công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm phải được duy trì thường xuyên nhằm cảnh báo sớm nguy cơ mất ATVSTP cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn.
Trên thực tế, các đợt giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đều phát hiện nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm. Năm 2013, ngành Y tế đã tổ chức giám sát mối nguy ô nhiễm định kỳ 387 mẫu thực phẩm bao gồm: chả thịt heo xay, thịt heo quay, giò nạc, dầu ăn đã qua chế biến, bún ướt, nước uống đóng chai, kem, nước đá dùng liền. Kết quả có 56/149 (37,58%) mẫu dương tính với hàn the; 9/54 (16,67%) dương tính với độ ôi khét; 14/198 (7,07%) mẫu nhiễm E.coli (E.coli có thể gây rà tiêu chảy nặng, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tiết niệu và viêm màng não trẻ sơ sinh) vượt quá giới hạn cho phép…
Nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố. Ảnh: Nguyễn Giác |
Qua giám sát mối nguy 172 mẫu thức ăn đường phố tại 22 tuyến đường trọng điểm trên địa bàn TP. Pleiku cho thấy, 100% mẫu thức ăn đường phố được giám sát không phát hiện foocmol, phẩm màu, độ ôi khét, E.coli, Coliforms và Pseudomonas aeruginosa; 1/6 (16,7%) mẫu nước rửa ly, chén lần cuối phát hiện E.coli vượt quá giới hạn cho phép theo quy định; 8/41 (19,5%) mẫu giò nạc, chả thịt heo xay, chả cá dương tính với hàn the.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT cũng đã tiến hành kiểm tra, giám sát 128 mẫu rau, thịt, giò chả, thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Pleiku, thị xã An Khê, Ayun Pa, huyện Chư Sê, Krông Pa, Chư Prông, Đak Pơ, Kbang. Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy: 72% mẫu thịt heo, 72% mẫu thịt gà nhiễm Coliforms (vi khuẩn gây tiêu chảy) vượt quá giới hạn cho phép; 58% mẫu thịt heo, 66% mẫu thịt gà nhiễm E.coli vượt quá giới hạn cho phép; 39% mẫu thịt heo, 22% mẫu thịt gà nhiễm Salmonella (gây bệnh vi khuẩn Salmonella)…
Các kết quả giám sát cho thấy nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn trong cộng đồng nếu không có sự chủ động trong công tác phòng tránh thì khả năng xảy ra ngộ độc thực phẩm là rất lớn. Tại cuộc họp Đoàn thanh-kiểm tra liên ngành về ATVSTP của tỉnh tổ chức sáng 14-4, nhiều ý kiến đóng góp của các ban ngành liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc giúp cho việc triển khai thanh-kiểm tra trong tháng hành động đạt hiệu quả. Với chủ đề “An toàn thực phẩm thức ăn đường phố”, tháng hành động năm nay sẽ tập trung vào hai hoạt động chính là đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục và hoạt động thanh-kiểm tra.
Ông Trần Quang Khâm-Trưởng đoàn thanh-kiểm tra liên ngành ATVSTP tỉnh cho biết: Trong quá trình thanh-kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức về đảm bảo ATVSTP cho người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Thông qua đợt thanh-kiểm tra, đoàn sẽ kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATVSTP; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về đảm bảo ATVSTP, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATVSTP.
Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm về ATVSTP kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo an toàn, không nhãn mác, không rõ nguồn gốc, hoặc có vi phạm khác lưu thông trên thị trường…
Như Nguyện