Về làng Đệ nhất danh tửu Bàu Đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một trưa cuối thu, tôi tìm về làng Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định)-nơi có làng nghề nấu rượu Bàu Đá nổi tiếng của đất võ Bình Định.
Nơi đây là một làng quê yên bình với lũy tre, đồng ruộng như bao làng quê khác của xứ Nẫu nằm bên dòng sông Côn hiền hòa. Nếu ai đó đi ngang qua, không nhìn thấy cổng làng ghi dòng chữ “Làng nghề rượu Bàu Đá” và “Cơ sở Tấn Phát-Nhà máy sản xuất rượu Bàu Đá” nằm ngay đầu làng thì khó lòng hình dung đây là xứ sở danh tửu của “đất võ-trời văn”. Tôi không quan tâm lắm đến cơ sở sản xuất rượu Bàu Đá bề thế theo kiểu công nghiệp án ngữ đầu làng Cù Lâm nên tiếp tục đi sâu vào trong xóm với chừng trên 30 nóc nhà. Đây là nơi cư ngụ của những người nông dân chất phác có truyền thống làm nghề nấu rượu Bàu Đá hàng bao thế kỷ nay.
 Cổng vào làng rượu Bàu Đá ở An Nhơn. (Ảnh nguồn internet)
Cổng vào làng rượu Bàu Đá ở An Nhơn. (Ảnh nguồn internet)
Tôi sinh ra trên xứ sở “rượu Hồng Đào”. Nhưng đó cũng chỉ là thứ “tiên tửu” với những chàng lãng tử xứ Quảng hát rong để dọa những bậc đệ tử của Lưu Linh “chưa uống đã say…” cho vui thôi. Tuy tửu lượng cũng tương đối và bao năm “ăn nằm” với rượu cần của đồng bào Tây Nguyên, nhưng khi đụng đến rượu Bàu Đá với bạn bè xứ Nẫu thì dường như trận nào tôi cũng “rớt đài” khi chưa đủ 3 hiệp. Thế mới biết đệ nhất danh tửu này khi uống vô rất êm, vừa nồng cay, ngót ngót nơi cổ họng vừa thơm lừng khi đánh khà một tiếng, nhưng đến lúc ngà ngà mới thấy chất men nồng được cất lên từ mạch nước bên dòng Côn Giang đầy lãng mạn này đánh đổ ta từ lúc nào không biết…
Những người làm nghề nấu rượu Bàu Đá làng Cù Lâm không biết nghề nấu rượu nơi đây có từ khi nào; nhưng đến đời họ, dù giờ đây con đàn cháu đống, thì vẫn theo cái nghề cha ông truyền lại cùng phương pháp chế biến hoàn toàn thủ công với gạo đồng, nước giếng làng và nguồn men tại địa phương. Người ta kể rằng, từ thời Tây Sơn (năm 1776), các xóm làng dọc theo 2 bên bờ sông Côn đều có người chưng cất rượu rất ngon nhờ nguồn nước khe lạch, ao hồ trời ban cho vùng quê này. Khi ấy, có người biết nghề nấu rượu đã về định cư và truyền nghề cho nhiều người trong làng Cù Lâm. Và cứ thế, thế hệ sau nối tiếp các truyền nhân thế hệ trước làm nghề nấu rượu rồi thành làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá như ngày nay. 
Làng Cù Lâm gần kinh thành Quy Nhơn xưa (còn gọi là Thành Hoàng Đế). Thời Tây Sơn, người dân thường dùng danh tửu Bàu Đá dâng lên vua Thái Đức và Hoàng đế Quang Trung nên người đời hay gọi rượu Bàu Đá là “ngự tửu”. Truyền thuyết kể rằng, làng Cù Lâm xưa kia có cái bàu nước với nhiều đá bên dưới nên gọi là Bàu Đá; tên rượu cũng từ đó mà ra. Nhưng cũng có một truyền thuyết khác, đó là ngày ấy có người phụ nữ thường được gọi là bà Đấu về làm dâu làng này và mang theo nghề nấu rượu gia truyền. Từ đây, bà Đấu vừa phát triển nghề nấu rượu vừa truyền lại cho con cháu và bà con làng Cù Lâm. Khi bà mất đi, nhớ ơn người truyền nghề, họ tránh gọi tên tộc của bà mà nói trại đi thành “Bầu Đá” hay “Bàu Đá”. Ngày nay, dân làng Cù Lâm có lập miếu thờ “làng nghề rượu Bàu Đá” và hàng năm có cúng tế vào ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch).
Nhiều năm qua, rượu Bàu Đá đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của xứ Bình Định và cả miền Trung, có thể sánh cùng rượu Làng Vân (tỉnh Bắc Giang)-danh tửu xứ Kinh Bắc, hay rượu Gò Đen (tỉnh Long An)-đệ nhất tửu phương Nam. Nếu có cuộc bỏ phiếu để chọn “quốc tửu” thì 3 loại danh tửu đại diện cho 3 miền này chưa biết ai thắng ai! Theo các bạn văn nghệ xứ Nẫu thì qua nhiều lần “đọ sức”, danh tửu Bàu Đá đang có phần lấn át bởi nồng độ và sự êm ái của rượu sau khi uống, không gây nhức đầu khi lỡ quá chén. Ngày nay, những người trong làng nghề Cù Lâm đã phát triển thêm nhiều loại rượu ngoài rượu chưng cất bằng nguyên liệu gạo, đó là rượu nếp Bàu Đá, rượu đậu xanh Bàu Đá... được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện đang có tình trạng sản xuất rượu tràn lan cũng “xưng danh” Bàu Đá nhưng thực chất không xuất xứ từ làng nghề rượu Cù Lâm, làm cho thương hiệu danh tửu Bàu Đá bị phai nhạt. Theo tìm hiểu, bình quân mỗi ngày một gia đình ở Cù Lâm chỉ sản xuất khoảng 30 lít rượu Bàu Đá các loại. Như vậy, với 32 gia đình “có chứng chỉ hành nghề” hiện tại thì lượng rượu Bàu Đá chính hãng xuất ra thị trường cả nước chỉ dưới 1.000 lít/ngày.
Người Bình Định có truyền thống tiếp đãi khách đến chơi nhà với đôi chung rượu Bàu Đá và gói nem Chợ Huyện, đặc sản quê hương đầy ý vị, đậm đà nghĩa tình. Cách uống rượu của người xứ Nẫu mang dấu ấn tinh thần thượng võ, không ép, ít sa lầy, họ chỉ mượn chất men nồng cay ấy tạo hưng phấn để đàm đạo câu văn, thế võ… cùng bè bạn, người thân. Nhà thơ Yến Lan ở bến Trường Thi-An Nhơn, trong bài “Xuân tảo” đã thể hiện phong thái “tiên tửu” của người Bình Định xưa nay: “Gió đêm chuốt nhọn bút mai đề/Chợt bóng hoa xuân sớm hiện về/Lắc chiếc lọ sành còn rượu nhín/Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly”.
Thanh Tùng

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.