Về Cần Thơ, qua Cái Răng, Đầu Sấu...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyện kể rằng, sau trận chiến ác liệt, từng phần cơ thể con cá sấu trôi đi khắp nơi, phần da dạt vào một chỗ gọi là Cái Da, phần răng trôi qua một nơi gọi là Cái Răng, còn chỗ cái đầu dạt vào thì gọi là Đầu Sấu…
 
Chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ) từ lâu đã trở thành điểm đến nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước.
Chợ nổi nằm trên một nhánh của sông Hậu chảy qua quận Cái Răng. Đến chợ nổi, du khách thường chọn phương tiện ghe, thuyền, để thưởng ngoạn vẻ đẹp của phong cảnh hữu tình sông nước.
Tên gọi “Cái Răng” đã có từ rất lâu đời, cùng với hai địa danh khác ở gần đó, khoác lên mình những câu chuyện, vừa huyền bí, vừa đậm chất sống văn hóa Tây Nam Bộ.
Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở Vàm sông Cần Thơ, nơi giáp giới giữa hai làng Thường Thạnh và Tân An, có một con sấu rất to lớn, và rất mê hát bội. Những lần đình làng tổ chức cúng lễ thượng điền, hạ điền có mời gánh hát bội về diễn, con cá sấu đều trườn lên bãi nằm xem. Do con cá sấu chẳng hại ai, nên người dân dần quen, rồi không còn sợ hãi nữa.

Cầu Cái Răng thời Pháp thuộc. Ảnh: Cần Thơ Xưa và Nay.
Cầu Cái Răng thời Pháp thuộc. Ảnh: Cần Thơ Xưa và Nay
Một dạo, có một chàng trai cưới vợ, rước dâu qua sông thì con cá sấu bất ngờ nổi lên, làm chìm 3,4 chiếc xuồng, ghe. Mọi người cố bơi vào bờ, nhưng cô dâu đã mất tích.
Chú rể đau đớn, thề phải giết được con cá sấu. Anh gom góp hết gia sản đi mời cho bằng được 3 gánh hát bội nổi tiếng dụ cá sấu đến, và vận động trai tráng ở các làng hợp sức.  
Sau đêm diễn, con sấu bơi ra sông cái thì bị chặn lại bằng con đập do mọi người đào trước. Từ trên bờ, con cá sấu bị tấn công tới tấp. Để trả thù, chàng trai mất vợ giành phần phanh da, xẻ thịt con sấu. Rồi từng phần cơ thể con cá sấu trôi đi khắp nơi, chổ cái đầu dạt vào thì gọi là Đầu Sấu, phần da dạt vào thì gọi là Cái Da, phần răng trôi vào thì gọi là Cái Răng…

Chợ nổi Cái Răng ngày nay. Ảnh: TR.L.
Chợ nổi Cái Răng ngày nay. Ảnh: TR.L
Xoay quanh câu chuyện này còn có một số dị bản khác. Nhưng nội dung đều xoay quanh câu chuyện người dân chiến đấu với một con cá sấu to lớn, hung dữ. Xác cá sấu bị phân thành nhiều mảnh, trôi dạt khắp nơi, tạo nên những tên gọi như vừa kể.
Ngày nay, ở ngay chợ nổi Cái Răng là cầu Cái Răng, gần đó là cầu Đầu Sấu (qua rạch Đầu Sấu) và cầu Cái Da (qua rạch Cái Da).
Riêng cầu Cái Răng còn có một giai thoại nổi tiếng về “trận đánh” giữa hai vị công tử giàu nhất miền Tây thời Pháp Thuộc.

Nhà cổ Bình Thủy ở quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Ảnh: P.V.
Nhà cổ Bình Thủy ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Ảnh: P.V
Lúc bấy giờ, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy đã nói danh khắp vùng với tiếng ăn chơi không ai bằng. Ở Cần Thơ có công tử Dương Văn Quảng (Ba Quảng). Hai bên nghe kể về nhau nhưng chưa từng gặp mặt. Một dạo, nghe tin công tử Bạc Liêu đi ô tô lên Cần Thơ, Ba Quảng liền cho xe ra “đón”, rồi giáp mặt nhau trên cầu Cái Răng. Bấy giờ cầu hẹp, chỉ vừa đủ một xe đi qua, nhưng không ai chịu nhường ai. Sau một hồi cãi vả, đôi bên đã chuyển sang “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, và chỉ dừng lại khi cảnh sát có mặt.
Sau đó, hai bên thách đấu chơi bài xem ai nhiều tiền hơn qua. Cuộc giao đấu kéo dài cả ngày mà những bao tải tiền còn chất đống, không đếm xuể. Rồi đôi bên bắt đầu hiểu nhau, bỏ qua hết mọi chuyện kết tình thâm giao.
Ngày nay, ở quận Bình Thủy có ngôi nhà cổ nổi tiếng của giá đình Ba Quảng mà người ta quen gọi là nhà cổ Bình Thủy. Giống như ở Bạc Liêu cũng có nhà công tử Bạc Liêu. Cùng với chợ nổi Cái Răng, hai ngôi nhà là điểm đến nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, thưởng ngoạn.
Theo Trần Lưu-Nguyễn Tri (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.