Vào điểm nóng Covid-19 (*): Tình người nơi điều trị F0 nặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Được 3 bác sĩ hướng dẫn và chuẩn bị kỹ càng trang phục phòng hộ cấp 4 dành cho khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, phóng viên Báo bước vào thế giới của các F0
Một thế giới vừa lạ vừa quen hiện ra trước mắt: có những cuộc chiến cam go ở buồng bệnh nặng, cũng có những bệnh nhân đã khỏe khoắn hơn bình thản đi dạo ngoài sân... Điều khác biệt duy nhất ở Bệnh viện (BV) Điều trị Covid-19 Trưng Vương là không còn bóng áo blouse trắng, các bác sĩ (BS), điều dưỡng chỉ có thể nhận ra nhau qua cái tên viết vội sau lưng áo bảo hộ.

Khử khuẩn đồ đạc cho bệnh nhân được xuất viện ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương - Ảnh: Anh Thư
Khử khuẩn đồ đạc cho bệnh nhân được xuất viện ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương - Ảnh: Anh Thư
Không chỉ có máy móc
"Đêm trực đầu tiên trời mưa rất to, trời nóng hầm hập, chẳng mấy chốc mồ hôi ướt đẫm bộ quần áo bên trong áo bảo hộ, mồ hôi chảy trên má, lăn xuống miệng mằn mặn. Cả ê-kíp đi mở từng cánh cửa, từng cái ngách, các vách kính được tháo xuống nên không khí dần thoáng hơn hẳn...". BS Phan Thanh Hằng, Trưởng Khoa Thận - Thận nhân tạo, đã viết trên Facebook của khoa vào ngày tất bật thay đổi cấu trúc khoa để đón bệnh nhân đầu tiên.
Đây chỉ là khởi đầu của chuỗi ngày chiến đấu cam go. Là bệnh viện thuộc "tầng 4" theo mô hình "tháp 5 tầng" của Sở Y tế TP HCM, những ngày qua, BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương đã vận hành hết công suất 800 giường bệnh để tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền, đặc biệt là bệnh nền nặng và nguy kịch.

Điều trị cho bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương (TP HCM) - Ảnh: Anh Thư
Điều trị cho bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương (TP HCM) - Ảnh: Anh Thư
Tại Khoa Cấp cứu, điều dưỡng trưởng Phan Thị Thanh Trúc nhắc đi nhắc lại với bệnh nhân H.: "Chú ơi, nằm nghiêng lại để còn về gặp T. với C.". T. và C. là 2 người con của ông H., hằng ngày vẫn được các điều dưỡng giúp kết nối, nhờ động viên ông. Ông H. vẫn chưa dậy đi lại nổi nhưng việc ông cố gắng nằm nghiêng qua nghiêng lại đã là niềm vui của các BS, điều dưỡng. Bởi chăm sóc bệnh nhân Covid-19 không chỉ cần đến máy móc mà những điều đơn giản nhất như cách nằm, sự chịu khó vận động, ăn uống... cũng góp phần lớn giúp bệnh nhân qua cơn bạo bệnh.
Đây cũng là nơi chăm sóc cho cha con bé "Cherry" - cháu bé 7 tháng tuổi được nữ BS Phạm Thị Thanh Thúy của khoa, nuôi bằng chính dòng sữa của mình. Ngày vào đây, cha cháu bé phải thở ôxy. Hỏi mẹ các cháu đâu, anh cũng không trả lời nổi. Các BS, điều dưỡng đã thay nhau chăm sóc Cherry và anh trai bé, đi tìm thân nhân cho gia đình này qua Facebook. Họ đã gặp may khi tình cờ một đồng nghiệp cũ là họ hàng của người cha. Khi người mẹ đang nằm điều trị Covid-19 nặng trong BV Phạm Ngọc Thạch biết tin chồng con, chị khỏe lại rất nhanh. Vậy là một cuộc đoàn tụ được sắp xếp, đón chị về Trưng Vương.
Ở Khoa D Dã chiến - nơi hầu hết bệnh nhân vẫn tự sinh hoạt được, "cuộc chiến" lại vất vả khi phải vực dậy tinh thần bệnh nhân. "Lo nhất là bệnh nhân bỏ ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi phát cơm, chúng tôi không dám chỉ để trước cửa mà phải gọi; bệnh nhân nằm "phòng bỉm" thì mang đến tận giường. Một giờ sau quay lại, xem người ta ăn chưa" - nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Ngọc kể.
Còn với BS chuyên khoa II Từ Quốc Thanh - Trưởng Khoa Điều trị theo yêu cầu, nay là Trưởng Khoa D Dã chiến - điều quan tâm nhất là không để bệnh nhân chuyển nặng. Trong khoa còn có một phòng cấp cứu và trong một buổi sáng, đã có 3 người nằm: một người đang thở ôxy qua gọng mũi, một người qua mask, một người đang thở ôxy dòng cao (HFNC).
"Nếu chỉ chăm chăm vào Covid-19 mà bỏ quên bệnh nền thì rất nguy hiểm vì nhiều khi bệnh Covid-19 chưa nặng, bệnh nhân đã bị quật ngã bởi bệnh nền. Bệnh nền thường làm cho bệnh Covid-19 nặng thêm và bệnh Covid-19 lại cũng có thể làm bệnh nền trở nên nghiêm trọng nên phải trị cả hai" - BS Từ Quốc Thanh nói.
Đền đáp cho sự cố gắng ấy có lẽ là lời tâm sự của bà T.T - một bệnh nhân đang dần hồi phục: "Cả nhà tôi là F0. Tôi có bệnh nền nên vào đây, mấy người khác vào BV dã chiến, chỉ trừ mẹ thằng nhỏ này không sao. Giờ mấy BS trị cho tôi khỏe rồi, mong thằng nhỏ này cũng khỏe lại cùng lúc để 2 bà cháu cùng về". Vừa nói bà vừa chỉ vào bé H. (4 tuổi) đang giơ tay vẫy chào khi có người đi ngang buồng bệnh. "Bác sĩ ơi, đừng có lo!" - H. nói với theo khi chúng tôi dời gót.
Bác sĩ, điều dưỡng thay cho thân nhân
Bệnh nhân Covid-19 bị cách ly dài ngày, không có người thân chăm sóc. BS, điều dưỡng cũng phải xa nhà rất lâu trong mỗi tua trực: làm 3 tuần, 1 tuần đệm và về nhà nghỉ 1 tuần.

Một em bé có mẹ mắc Covid-19 chào đời ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương - Ảnh: Bệnh viện Trưng Vương
Một em bé có mẹ mắc Covid-19 chào đời ở Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương - Ảnh: Bệnh viện Trưng Vương
Theo ThS-BS Phan Thanh Hằng, Trưởng Khoa Thận - Thận nhân tạo, thử thách đầu tiên của họ khi chuyển đổi công năng là khuyên nhủ, liên hệ giúp để khoảng 200 bệnh nhân thường xuyên chạy thận chuyển đến BV khác. Chỉ 3-4 ngày sau khi mở đón bệnh nhân vừa bị Covid-19 vừa bị bệnh thận, các giường của khoa lại được lấp đầy.
"Tôi nhớ nhất là cụ bà 86 tuổi được chuyển đến trong đêm đầu tiên, khi đó rất yếu, không có đồ đạc gì. Các điều dưỡng phải đi tìm đồ ăn khuya cho cụ, rồi tìm các đồ dùng cần thiết... Rất may, sức khỏe cụ ổn định nhanh chóng" - BS Hằng kể.
Khoảng sân của khu điều trị Covid-19 trở nên đông đúc vào mỗi chiều khi nhiều bệnh nhân đi dạo hay tập thể dục. Đó là một khu vực biệt lập với thế giới bên ngoài nên họ có thể thoải mái vận động mà không sợ ảnh hưởng đến ai.
"Bệnh nhân được khuyến khích vận động, tập luyện nhẹ nhàng khi bắt đầu cảm thấy sức khỏe ổn định, cũng là để mau phục hồi, sớm về với gia đình. Hình ảnh những bệnh nhi mỗi chiều chạy ra chơi trong sân là niềm an ủi lớn đối với chúng tôi" - TS-BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương, chia sẻ. 
"Khi nào chiến thắng thì tôi về"
60 BS, điều dưỡng từ Nghệ An đã đến đây tiếp ứng và nhiều người xung phong vào thẳng các khoa nhiều bệnh nhân nặng nhất. Trong ca trực, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Tâm từ BV Đa khoa TP Vinh thường không dám ngồi vì phải theo dõi kỹ chỉ số SPO2 (độ bão hòa ôxy trong máu ngoại vi), xem các monitor để có gì còn can thiệp kịp thời.
Khi được hỏi định ở lại TP HCM bao lâu, BS chuyên khoa I Nguyễn Đình Hiệp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An, trưởng đoàn công tác từ Nghệ An, trả lời: "Khi nào chiến thắng thì tôi về". Chiến thắng ở đây chính là ngày TP HCM đẩy lùi được dịch bệnh, BV Điều trị Covid-19 Trưng Vương mang lại tên cũ "BV Trưng Vương".
Kỳ tới: Những người bọc hậu cuối cùng
Bài và ảnh: ANH THƯ

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).