Đến đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, mới thấy “mục tiêu kép” là một thách thức ghê gớm. Dịch càng kéo dài, phức tạp thì việc dập dịch càng khó khăn và đương nhiên phát triển kinh tế lại càng thêm tốn kém sức lực.
Nhà báo Lê Thanh Phong chia sẻ về chủ đề “Thảm họa rác nhựa và hành động của chúng ta” với sinh viên Đại học Phú Xuân. Ảnh: PX |
Chúng ta có một niềm tin chắc chắn, đó là Việt Nam sẽ vượt qua đợt bùng dịch lần này, tiếp tục kiểm soát và đẩy lùi đại dịch. Niềm tin đó rất có cơ sở, bởi vì đã được chứng minh một cách thuyết phục qua ba lần bùng dịch trước. Thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 của Việt Nam được thế giới ghi nhận, ca ngợi, không phải chúng ta tự nói về mình.
Kiểm soát dịch thành công là công lao của nhiều lực lượng, trong đó báo chí đóng vai trò quan trọng. Báo chí vào cuộc nhiệt tình và trách nhiệm, đưa tin kịp thời, chính xác, trung thực, tuyên truyền các quy định của Chính phủ, ngành Y tế và các cấp chính quyền về phòng chống dịch đến người dân. Sự tích cực của báo chí đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của người dân trong phòng dịch, thực hiện nghiêm túc quy định của các cơ quan quản lý về phòng chống dịch COVID-19, đó là việc hết sức căn bản.
Báo chí tham gia vận động để góp thêm nguồn lực cho đất nước chống lại đại dịch, như chương trình “Vaccine cho công nhân”, “Vì những chiến binh áo trắng” của Báo Lao Động. Mỗi cơ quan báo chí mỗi việc, mỗi nhà báo một tay, tạo thêm nguồn sức mạnh, nguồn năng lượng cho cộng đồng.
Nhưng đó chỉ là mới hoàn thành một nửa nhiệm vụ, báo chí còn có thêm một nhiệm vụ quan trọng, đó là đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp để cùng với Chính phủ hoàn thành mục tiêu thứ hai, tăng trưởng kinh tế.
Tưởng cũng không cần phải nhắc lại những con số về kinh tế mà Việt Nam đã đạt được năm 2020, bây giờ là lúc hướng về phía trước, đặt ra nhiệm vụ vượt qua những thách thức để về đích ngoạn mục trong năm 2021, tạo tiền đề cho những năm kế tiếp.
Vậy thì báo chí sẽ làm gì trong hành trình chung này?
Trước hết, báo chí phải làm tốt công việc của mình, đó là phản biện chính sách, phản biện xã hội. Những chính sách và quy định pháp luật nào chưa phù hợp, báo chí góp ý để hoàn thiện, thực sự có hiệu quả khi đi vào đời sống. Sản phẩm chính sách phải có chất lượng để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, làm nền tảng cho kinh tế phát triển.
Báo chí phải làm tốt công việc của mình, đó là đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Kinh tế không thể phát triển được khi tài sản quốc gia bị các nhóm lợi ích thâu tóm, chia chác. Cho nên, đấu tranh để loại bỏ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chính là dành dụm nguồn lực để đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế và thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội.
Báo chí phải làm tốt công việc của mình, đó là đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo vệ lẽ phải. Nơi đâu làm khó doanh nghiệp, hành hạ nhũng nhiễu doanh nghiệp, nơi đó cần có tiếng nói lên án của báo chí. Nơi đâu tháo gỡ cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh và chất lượng, nơi đó có tiếng nói ủng hộ của báo chí. Tiếng nói của báo chí phải công tâm, tôn trọng lẽ công bằng và vì lợi ích chung.
Báo chí đồng hành với hành trình đi tới của đất nước không gì khác hơn là nói lên được nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp một cách trung thực. Khi tiếng nói của người dân được lắng nghe và tôn trọng, chính quyền huy động được sức dân, thì chắc chắn không có mục tiêu nào là không đạt được.
Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)