Ứng xử văn hóa trên phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên nhiều đường phố đông đúc ở TP HCM, hình ảnh du khách nước ngoài lo lắng, rụt rè, không biết qua đường như thế nào là cảnh thường gặp.

Một phần vì họ ngán ngại với dòng xe cuồn cuộn trôi đi, phần khác có không ít người Việt chúng ta, dù đèn đỏ đã bật vẫn phóng xe qua, bất chấp luật lệ giao thông nên du khách lo ngại.

Tình hình vi phạm luật khi tham gia giao thông, dù đã nhắc nhở nhiều, xử phạt nhiều, vẫn chưa giảm. Dễ thấy nhất là vào giờ cao điểm, xe chen lấn nhau, chạy sai làn đường, xe máy leo lên cả vỉa hè; dừng chờ đèn đỏ thì lấn vạch, đèn xanh chưa bật đã lao lên khi dòng xe đang lưu thông chiều bên kia vẫn còn... Tình trạng vượt ẩu xảy ra nhiều ở người điều khiển ô tô; nhiều xe buýt lấn làn, ép người đi xe máy vào sát lề, gây ra tai nạn và kẹt xe...

Tình trạng phổ biến nhất là khi xe đông, đường chật sẽ xảy ra chen lấn, giành đường, gây ra ùn tắc. Những lúc như vậy, xe cứu thương sẽ rất chật vật mới có thể thoát ra, đưa người bệnh đi cấp cứu.

Ở những đoạn đường vắng, vào những chiều tối, không ít thanh niên chạy xe đánh võng, kéo ga, nẹt pô ầm ĩ. Trong các khu phố thường gặp người ở trần, quần đùi, không đội mũ bảo hiểm chạy xe với lý do đi có việc gần nhà…

Dù luật đã quy định xử phạt người sử dụng điện thoại di động khi chạy xe nhưng hình ảnh này thường gặp trên đường, hầu như rất ít người bị xử phạt vì hành vi này. Đáng phê phán nhất là những hành vi rất thiếu văn hóa của người tham gia giao thông khi hút thuốc, búng tàn thuốc bay vào mặt người khác và khạc nhổ khi đang chạy xe, bất chấp quanh mình có người đang chạy xe gần sát…

Dĩ nhiên một đô thị văn minh, hiện đại như TP HCM không thể chấp nhận cho tình trạng ngang nhiên vi phạm luật giao thông hay làm ngơ trước những hành vi thiếu văn hóa, ứng xử thiếu văn minh khi tham gia giao thông của một bộ phận cư dân. TP HCM luôn hướng đến xây dựng văn hóa đô thị của một thành phố lớn nhất nước và hiện đại phải đi kèm văn minh, tiến bộ, nghĩa tình, do đó không thể dung dưỡng để các hành vi vi phạm an toàn giao thông, ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông vẫn hằng ngày tiếp diễn, làm xấu đi hình ảnh đẹp của một thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện...

Trên đường phố TP HCM đã có nhiều hình ảnh đẹp về văn hóa giao thông: các dòng xe trật tự, an toàn lưu thông; các giao lộ xe dừng đúng vạch, nhiều người trẻ đưa người già qua đường. Khi nghe tiếng còi xe cứu thương, các phương tiện tự giác chuyển dần sang một phía, nhường đường cho xe cứu thương đi qua… Những ứng xử có văn hóa này giúp tạo ra một môi trường giao thông lành mạnh, giảm tai nạn và ùn tắc.

An toàn giao thông không chỉ mang lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà mà còn góp phần tạo nên một xã hội an toàn. An toàn giao thông không thể thiếu văn hóa của người tham gia giao thông. Văn hóa của người tham gia giao thông cũng là một biểu hiện nhân cách của họ. Qua tham gia giao thông, xử lý các tình huống giao thông đều dễ dàng bộc lộ tính cách và hành xử của con người có văn hóa hay không.

Hãy là người tuân thủ luật, ứng xử có văn hóa để góp phần xây dựng TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.