Ung thư gan có lây qua đường ăn uống?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù ung thư gan không lây trực tiếp, nhưng việc ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ lây truyền như vi rút viêm gan B, C và sán lá gan đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư gan.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Thu Sương (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, từ năm 2018, số người mắc ung thư gan cao hơn số người mắc ung thư phổi, trở thành một trong 2 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam (bên cạnh ung thư vú). Tỷ lệ mắc mới ung thư gan là 24.502 ca mỗi năm, chiếm 13,6% tổng số ung thư (theo số liệu từ Globocan Việt Nam 2022). Với mức độ phổ biến của ung thư gan, nhiều người cảm thấy lo ngại và quan tâm đến con đường lây nhiễm cũng như nguyên nhân gây bệnh.

"Ung thư gan cũng tương tự như các loại ung thư khác, không có một cơ chế lây nhiễm cụ thể nào. Bản thân ung thư gan không lây truyền qua các hình thức tiếp xúc thông thường như tiếp xúc da kề da, ho, hắt hơi, hoặc chung đồ dùng cá nhân. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư gan có thể lây", bác sĩ Sương cho hay.

Ký sinh trùng sán lá gan có thể lây truyền qua đường ăn uống gây tổn thương gan và tăng nguy cơ ung thư. MINH HỌA: LÊ CẦM

Ký sinh trùng sán lá gan có thể lây truyền qua đường ăn uống gây tổn thương gan và tăng nguy cơ ung thư. MINH HỌA: LÊ CẦM

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

*Truyền từ mẹ bị ung thư gan sang con (tỷ lệ cực thấp)

* Cấy ghép nội tạng (rất hiếm gặp).

* Kế đến, nhiễm viêm gan B, C là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến xơ gan, là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư gan.

Viêm gan B, C có thể lây nhiễm vi rút sang người lành thông qua 3 đường lây:

Đường máu: Trong quá trình truyền máu, tiêm chích, phẫu thuật hoặc trong quá trình sử dụng chung dụng cụ cá nhân.

Mẹ truyền sang con: Lúc mang thai, lúc chuyển dạ và lúc cho con bú (tỷ lệ rất thấp).

Đường tình dục: Quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm viêm gan B, C.

Ngoài ra, ký sinh trùng sán lá gan có thể lây truyền qua đường ăn uống. Ấu trùng sán ký sinh trong gan có thể gây tổn thương gan và tăng nguy cơ ung thư.

"Vì vậy, mặc dù ung thư gan không lây trực tiếp qua đường ăn uống, nhưng việc ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ lây truyền như vi rút viêm gan B, C và sán lá gan đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư gan", bác sĩ Sương cho hay.

Những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh ung thư gan và cách phòng tránh

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Hữu Hoàng (nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết những người mắc các bệnh về gan mạn tính như: Viêm gan B mạn, viêm gan C mạn và xơ gan thường có nguy cơ cao bị ung thư gan. Theo thống kê, có từ 80-90% người bệnh từng bị xơ gan tại thời điểm chẩn đoán ung thư gan. Ngoài ra, với những người có tiền sử gan nhiễm mỡ, tiểu đường hoặc do các yếu tố khác như di truyền, nghiện rượu, nghiện thuốc lá… cũng thuộc nhóm có nguy cơ bị ung thư gan.

Các triệu chứng ung thư gan cụ thể thường không xuất hiện trong giai đoạn đầu. Để tầm soát ung thư gan, người bệnh sẽ phải thực hiện một số phương pháp như siêu âm chẩn đoán hình ảnh kết hợp xét nghiệm đo nồng độ AFP trong máu, nội soi ổ bụng, làm sinh thiết, chụp X-quang cắt lớp và chụp cộng hưởng từ.

Để phòng tránh ung thư gan, cần tập trung vào các đối tượng nguy cơ nhằm phát hiện sớm và chữa trị bệnh gan kịp thời. Trong số đó, những người mắc bệnh gan mạn tính có nguy cơ cao bị ung thư gan như viêm gan B mạn, viêm gan C mạn, xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào. Ngoài ra, những người bị gan nhiễm mỡ lâu ngày, tiểu đường loại 2, bệnh gan do di truyền, nhiễm độc chất Aflatoxin, Dioxin, hút nhiều thuốc lá,... cũng là đối tượng có nguy cơ bị ung thư gan rất cao.

Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh về gan, giúp người bệnh được chữa trị kịp thời và có thể chữa khỏi triệt để.

Có thể bạn quan tâm