Ứng phó với già hóa dân số - Tìm chính sách thích ứng tầm quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số. 

Dự kiến đến năm 2049, Việt Nam trở thành xã hội siêu già, với tỷ lệ người từ 60+ trở lên chiếm 25%. Thách thức đối với chúng ta là chỉ có khoảng 20 năm để chuyển từ xã hội “già hóa dân số” sang xã hội “dân số già”, trong khi Pháp là 115 năm, Thụy Điển 89 năm, Mỹ 69 năm...

Như vậy, trong khi các nước có hàng trăm năm hoặc hơn nửa thế kỷ để từng bước thay đổi chính sách, ứng phó với sự già hóa dần dần, thì Việt Nam chỉ có khoảng 1/4 thế kỷ, do đó yêu cầu đặt ra là phải có các chính sách thích ứng tức thời, vừa trực diện vào ngay những tác động của già hóa dân số vừa mang tính dài hơi.

Già hóa dân số nhanh tạo ra những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn; tạo ra các tác động đa chiều, đến nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an sinh, xã hội và văn hóa; ảnh hưởng đến cơ cấu xã hội, cơ cấu kinh tế, trong đó trước mắt là cơ cấu lao động và tăng trưởng kinh tế. Để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, chúng ta rất cần những chính sách thích ứng tầm quốc gia.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và ban hành chính sách nên chú ý đến một số vấn đề. Trong đó, vấn đề hàng đầu là người cao tuổi (NCT) Việt Nam vốn có truyền thống “tuổi cao chí càng cao”, được Đảng ta xác định là nguồn lực quan trọng, quý báu, là nhân lõi cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chỗ dựa tinh thần cho đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, góp phần hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường. Được hun đúc từ trong lịch sử, hào khí “Diên Hồng” đã trở thành truyền thống bất diệt, thể hiện chí khí xả thân vì nước của các vị phụ lão nước ta, trở thành vốn quý, là biểu tượng của ý chí tự chủ, tự lực, tự cường.

Trong bối cảnh hiện nay, NCT vẫn luôn tỏ rõ chí khí, sẵn sàng tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân. Để thực sự đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng tiếp tục cống hiến của một bộ phận NCT, nhất là phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao là NCT vào công cuộc phát triển đất nước, bên cạnh tư duy coi NCT là hồng phúc của dân tộc, là “tài sản”, là “nguồn tài nguyên” quý giá của đất nước, thì Đảng, Nhà nước nên xem xét có những hành động cụ thể. Đó là ban hành các chính sách thích hợp, bảo đảm chăm sóc sức khỏe thể chất, đáp ứng nhu cầu tinh thần, nhu cầu tài chính của NCT; có nghĩa là các chính sách về y tế, về bảo hiểm, về giáo dục nghề nghiệp, về ưu đãi tài chính, thuế… phải hết sức chú trọng và bảo đảm tính phù hợp với NCT mới có thể thích ứng với thời kỳ già hóa dân số nhanh ở nước ta.

Hơn nữa, việc xây dựng và ban hành chính sách phải tính đến các yếu tố đặc thù riêng của quá trình già hóa dân số nhanh ở Việt Nam hiện nay, như: Việt Nam có tốc độ già hóa nhanh và trong bối cảnh đất nước chưa giàu, ý thức chuẩn bị cho cuộc sống tuổi già ở cả người trẻ tuổi và người già chưa cao, sức khỏe của đa số NCT chưa được cải thiện; già hóa dân số diễn ra không đồng đều giữa các vùng miền; hệ thống chính sách chưa thực sự theo kịp tình hình thực tế, hạ tầng kết cấu xã hội chưa thực sự đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng trong chăm sóc NCT.

Theo số liệu của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB-XH, hiện mới có khoảng 39% NCT được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào thu nhập không cao và không thường xuyên, chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và phụ thuộc vào con cháu… Đây là một số đặc điểm cơ bản, quan trọng nên được xem xét khi xây dựng các chính sách và chương trình ứng phó với quá trình già hóa dân số nhanh ở Việt Nam để bảo đảm công bằng cho tất cả các nhóm tuổi, hướng đến phát triển bền vững.

Đồng thời, việc xây dựng và ban hành chính sách thích ứng bối cảnh già hóa dân số nhanh ở Việt Nam nên chăng bám sát các thách thức đang đặt ra trong thực tiễn hiện nay, có tầm nhìn xa để nắm bắt các cơ hội, giải quyết các vấn đề trong dài hạn; bảo đảm tính đến năng lực của các cơ quan trong hệ thống công, phát huy được các nguồn lực từ cộng đồng, gia đình.

Già hóa dân số không đơn thuần là vấn đề của NCT, là chăm lo cho sức khỏe thể chất cho NCT, mà nhìn sâu hơn, nhất là khi Việt Nam đã tiệm cận giai đoạn dân số già, đó là vấn đề của quốc gia, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đất nước. NCT là thành viên trong mỗi gia đình, có liên kết, ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, có vai trò quan trọng trong xã hội. Mỗi sự thay đổi chính sách để triển khai thành công trong thực tế đều đòi hỏi sự yêu thương, trân trọng từ trong từng gia đình đối với NCT, sự tham gia tích cực từ cộng đồng, các doanh nghiệp, cùng sự dẫn hướng, sự đầu tư của Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.