Trả lời phỏng vấn báo Haaretz, chỉ huy các lực lượng mặt trận nội địa Israel, Eyal Eisenberg, cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome khó có thể bảo vệ được dân thường trước các vụ tấn công bằng tên lửa trong trường hợp xảy ra chiến tranh vì hệ thống này được triển khai để bảo vệ các cơ sở quân sự và chiến lược trọng yếu.
![]() |
Người dân Israel hiểu sai về tình hình an ninh sau thành công của hệ thống đánh chặn tên lửa Iron Dome trong cuộc giao tranh hồi tháng 11.2012 |
Theo ông Eisenberg, mặc dù hệ thống Iron Dome đã thành công trong việc đánh chặn tên lửa được bắn đi từ Gaza trong cuộc giao tranh kéo dài 8 ngày hồi tháng 11.2012, nhưng 5 đơn vị tên lửa hiện này không đủ khả năng chống chọi lại sức tấn công từ phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Lebanon. Ông này cho rằng, trong trường hợp đó, hệ thống Iron Dome nên được ưu tiên để bảo vệ các nhà máy điện và căn cứ không quân thay vì các thành phố lớn và Israel cần có nhiều hơn 10 hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy mới có thể bảo vệ được dân thường tại các khu vực bị tấn công. Phải mất ít nhất hai năm nữa Israel mới có thể có được 5 đơn vị Iron Dome khác.
Theo quân đội Israel, khoảng 1.500 tên lửa đã được bắn đi từ Gaza trong thời gian diễn ra Chiến dịch Trụ cột Phòng thủ. Hệ thống Iron Dome đánh chặn được 85% trong số những tên lửa đe dọa mạng sống người dân.
Trong khi đó, Hezbollah có khoảng 5.000 đầu đạn trong kho vũ khí của lực lượng này và trong trường hợp xảy ra giao tranh, khu vực quanh Tel Aviv sẽ phải hứng chịu hàng loạt vụ tấn công bằng tên lửa.
Ông Eisenberg cho rằng, sự thành công của hệ thống Iron Dome trong cuộc giao tranh hồi tháng 11.2012 đã khiến cho người dân Israel hiểu sai về vấn đề an ninh vì họ cho rằng Iron Dome giúp tình hình đối đầu ít ác liệt hơn. Trong các cuộc xung đột trong tương lai, người dân nước này buộc phải làm theo những chỉ dẫn tự vệ “vì không có hệ thống phòng thủ như vậy”.
Liên quan đến Israel, tờ Nước Nga Ngày nay đưa tin, Israel thừa nhận nước này chỉ giao lại 0,7% diện tích đất mà Israel chiếm đóng ở Bờ Tây trong 3 thập kỷ qua cho người Palestine, trong khi đó khoảng 38% diện tích đất lại được dùng để xây dựng các khu định cư bất hợp pháp cho người Israel.
Israel xây dựng hàng ngàn khu nhà định cư tại Bờ Tây và Đông Jerusalem kể từ khi chiếm đóng nơi đây vào năm 1967. Các khu định cư này bị xem là bất hợp pháp nhưng thủ tướng Isreal Benjamin Netanyahu cho rằng việc xây dựng khu định cư là một phần trong chính sách của Tel Aviv và sẽ không dừng lại.
Việc Israel xây khu định cư trên đất chiếm đóng của Palestine là vi phạm hiệp định Geneva, trong đó cấm nước chiếm đóng đưa người dân của nước đó sang vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Hành vi này tương đương với tội ác chiến tranh và thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Lê Quảng (theo Guardian, Press TV)