Những mô hình nổi bật
Tại chợ Hoa Lư (TP. Pleiku), quan sát các sạp hàng từ rau quả đến khu thịt cá, thực phẩm khô… đâu đâu cũng đều có bảng mã QR được đặt ngay tại quầy để phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng. Bà Lê Thị Kim Dung cho biết: “Nhiều lúc khách đông, vừa phải giới thiệu các mặt hàng vừa thu tiền, trả lại tiền thừa nên dễ lẫn lộn, mất nhiều thời gian. Có bảng mã QR, khách chuyển khoản, tôi chỉ cần kiểm tra tin nhắn là xong. Hiện nay, khoảng 70% số khách hàng dùng phương thức chuyển khoản. Khi nhập hàng, chúng tôi cũng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt nên rất tiện lợi”.
“Khu chợ thanh toán không dùng tiền mặt” là mô hình do Tỉnh Đoàn cùng BIDV Gia Lai triển khai tại chợ Hoa Lư từ ngày 3-12-2023. Để thực hiện mô hình này, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trực tiếp đến chợ tuyên truyền, hướng dẫn các tiểu thương đăng ký tài khoản ngân hàng để sở hữu mã QR cho tài khoản, cài đặt ứng dụng. Tiếp đó, mã QR được in, dán ngay vị trí bán hàng để người mua dễ dàng thanh toán.
Sau gần 1 tháng triển khai mô hình, khoảng 50 tiểu thương đã mở tài khoản, dán mã QR tại ki ốt. Một số tiểu thương lắp đặt mạng internet để khách hàng thuận lợi khi giao dịch thanh toán điện tử. Bà Nguyễn Ngọc Quyên (tổ 2, phường Hoa Lư) cho hay: “Có mã QR nên việc đi chợ thuận tiện hơn nhiều. Tôi không lo lắng bị mất cắp khi mang theo tiền mặt. Nếu xảy ra nhầm lẫn khi trả tiền thì cũng dễ dàng kiểm tra và xử lý”.
Đoàn viên, thanh niên phường Hoa Lư (TP. Pleiku) hướng dẫn tiểu thương cài đặt mã QR. Ảnh: T.B |
Tương tự, mô hình “Tổ dân phố điện tử” được triển khai tại tổ 5 (phường Yên Đỗ) cũng tạo dấu ấn trong công cuộc chuyển đổi số ở TP. Pleiku. Từ khi thành lập (ngày 13-7-2023) đến nay, ĐVTN đã phối hợp với lực lượng Công an phường tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia chuyển đổi số. Đồng thời, ĐVTN tích cực rà soát, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và phần mềm ứng dụng VNeID của Bộ Công an. Ông Ngô Minh Vinh cho biết: “Tôi lớn tuổi rồi nên khó tiếp cận công nghệ và sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh. Nhờ có các cháu ĐVTN hướng dẫn, tôi đã hoàn thành cài đặt ứng dụng VNeID và cách sử dụng các dịch vụ công trực tuyến”.
Hiện nay, TP. Pleiku đã thành lập 14 tổ dân phố điện tử, 15 khu dân cư điện tử. Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-thông tin: “Qua kiểm tra, đánh giá, mô hình mang lại nhiều tiện ích. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình tại tất cả các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn thành phố. Việc thành lập mô hình “Tổ dân phố điện tử” là một trong những chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2022-2027 của tổ chức Đoàn nhằm chung tay xây dựng thành phố ngày một văn minh, hiện đại”.
Với mục đích giới thiệu địa danh lịch sử, góp phần kích cầu du lịch, tuổi trẻ Đak Pơ đã chung tay thực hiện công trình “Số hóa các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn huyện”. Công trình ra mắt vào ngày 21-4-2023, số hóa 3 di tích: di tích chiến thắng Đak Pơ, di tích Hòn đá ông Nhạc, di tích Bia Chăm Tư Lương. Đây là những địa chỉ thu hút đông đảo ĐVTN và người dân trong tỉnh đến tham quan, tìm hiểu.
Công trình “Số hóa dữ liệu Di tích chiến thắng Đak Pơ” có thông tin về địa chỉ, các hạng mục, thời gian xây dựng, thời gian công nhận di tích, hình ảnh, infographic song ngữ Việt-Anh. Trong quá trình thực hiện công trình, ĐVTN sử dụng tư liệu do Phòng Văn hóa-Thông tin huyện cung cấp nên bảo đảm tính chính xác về thông tin. Sau khi hoàn thành công trình, Huyện Đoàn Đak Pơ phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đặt mã QR tại di tích để thuận tiện cho du khách tra cứu thông tin.
Anh Trần Vi Tình-Bí thư Huyện Đoàn-chia sẻ: Chỉ cần có mã QR, du khách có thể tìm hiểu các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch mọi lúc, mọi nơi. Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các thông tin trong mã QR sinh động, đẹp mắt hơn để phục vụ nhu cầu tìm hiểu các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch của huyện, góp phần kích cầu du lịch, tuyên truyền truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Tận dụng ưu thế của công nghệ
Nhằm giúp thanh niên xây dựng thương hiệu, tận dụng ưu thế của nền tảng số trong sản xuất kinh doanh, cuối tháng 10-2023, Tỉnh Đoàn phối hợp các đơn vị tổ chức chương trình quảng bá kết nối tiêu thụ nông sản OCOP của thanh niên. Dưới sự hỗ trợ của streamer nổi tiếng Thảo Mola-chủ kênh TikTok “Món lạ vườn nhà”, các sản phẩm đạt OCOP của thanh niên đã được giới thiệu trên nền tảng mạng xã hội như: yến thô Minh Ánh; chuối sấy dẻo Trà Nhung; phấn hoa, mật ong SUN BEE; ngũ cốc Hạnh Chipi; mật ong đông trùng hạ thảo, ngũ cốc Phước Hỷ. Chương trình được phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok thu hút 180.000 lượt theo dõi và 1,5 triệu lượt thích. Nhiều sản phẩm đã được khách hàng đặt ngay trong quá trình livestream.
Đoàn viên, thanh niên tham gia chương trình được tập huấn kỹ năng sáng tạo nội dung video, xây dựng và phát triển kênh, cách truyền đạt thông tin về sản phẩm, cách bán hàng trên nền tảng số như kênh TikTok, Facebook, YouTube. Chị Đỗ Thị Phượng-Chủ thương hiệu Yến thô Minh Ánh (thôn Đại Nam 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) bày tỏ: “Lâu nay, tôi thường đăng bán sản phẩm trên mạng xã hội Facebook. Qua buổi livestream kết hợp tập huấn này, tôi học được cách giới thiệu sản phẩm, chốt đơn trên các nền tảng số khác rất hữu ích”.
Trong quá trình hoạt động, các tổ chức cơ sở Đoàn đã áp dụng chuyển đổi số trong triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành từ tỉnh đến 220 đoàn xã, phường, thị trấn; số hóa dữ liệu tổ chức Đoàn và đoàn viên trên phần mềm quản lý đoàn viên, app Thanh niên Việt Nam. Qua đó, giúp các cấp bộ Đoàn thực hiện đầy đủ, đúng quy trình các nghiệp vụ trong công tác đoàn viên, nâng cao hiệu quả công tác quản lý của tổ chức Đoàn.
Cùng với đó, các tổ chức Đoàn còn thực hiện hiệu quả các hội nghị, giao ban bằng hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom, Zalo chat… Tích cực kết nối, tương tác với ĐVTN thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Nhờ sự tương tác này, việc chia sẻ, trao đổi công việc nhanh chóng, kịp thời nắm bắt thông tin ở cơ sở. Hiện nay, tất cả các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh đều lập Fanpage đăng tải thông tin về các phong trào, hoạt động Đoàn; thông tin thời sự trong nước và địa phương; những mô hình hay, gương người tốt-việc tốt tiêu biểu… giúp ĐVTN tiếp cận thông tin một cách mới mẻ, nhanh chóng.
Thành Đoàn Pleiku triển khai việc số hóa dữ liệu các di tích lịch sử-văn hóa. Ảnh: T.B |
Nâng cao “năng lực số”
“Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn” là chủ đề của chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023. Các tổ chức Đoàn đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hội thi nhằm thúc đẩy phong trào học tập, làm chủ công nghệ thông tin cho cán bộ, ĐVTN.
Bằng sự linh hoạt, sáng tạo của tuổi trẻ, các tổ chức Đoàn nhanh chóng đổi mới nội dung và phương thức triển khai các mặt công tác để phù hợp với thời đại công nghệ số, góp phần đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 1.233 tổ chuyển đổi số cộng đồng do cán bộ Đoàn làm nòng cốt. Ngoài ra, nhiều mô hình chuyển đổi số khác được hình thành thông qua sự sáng tạo của ĐVTN như: thư viện số; ứng dụng chuyển đổi số trong chương trình “Tư vấn-tiếp sức mùa thi”; các cuộc thi trực tuyến trên mạng xã hội; hướng dẫn cài đặt ứng dụng tìm kiếm việc làm i-HR; ứng dụng Zalo OA Thanh niên huyện Chư Pưh; số hóa dữ liệu về di tích lịch sử, văn hóa tại các huyện: Phú Thiện, Chư Păh, Đak Pơ và TP. Pleiku…
Trao đổi với P.V, chị Hà Thị Giang Thảo-Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: “Năm 2023, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động chuyển đổi số mới mẻ, sáng tạo với nhiều công trình, phần việc hiệu quả, tạo dấu ấn trong cộng đồng. Việc tiên phong trong chuyển đổi số đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn-Hội trong thời đại mới”.