Tự vấn mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng nay, bà Bốn gần nhà không đi làm, có lẽ là chủ nhật. Ơ, nhưng bà buôn bán ve chai, làm gì có giờ hành chính, ngày nghỉ? Lân la hỏi thăm, bà Bốn chép miệng: “Không giấu gì chú, tôi quen mấy mối xây dựng, nhà hàng hễ có chai, lon, lọ, dây nhợ gì bỏ đi thì ới mình tiếng để đến thu gom. Tôi không ngại ai dè bỉu, sống được là tốt rồi. Nhưng bây giờ khó thật, bà con nông dân mất mùa mất giá, rồi cấm lạm dụng bia rượu, nay lại thêm dịch bệnh kéo dài. Ế ẩm quá nên hôm nay tôi nghỉ. Tình hình không biết rồi kéo dài đến bao lâu”. 
Nhà bà Bốn có 5 người, ngoài bà còn có 3 con, 1 cháu. Người con cả bệnh lâu năm không làm gì được. Vợ chồng người con trai thứ 2 tuy có việc làm nhưng không ổn định. Bà Bốn xấp xỉ 70 nhưng vẫn phải tảo tần, hôm sớm lo toan. Vậy mà thu nhập cả nhà tùng tiệm lắm mới đủ trang trải cái ăn cái mặc. Láng giềng thân thiết nên tôi không ngại “cặn kẽ” và bà tiết lộ nhà mình đang hạn chế đến mức thấp nhất mua sắm. Mì tôm, cơm nguội bữa sáng; trưa, tối cơm nước có chút canh, rau, thịt hay cá là được rồi. Tối cũng tắt đèn ngủ sớm, để tiết kiệm điện... “Nhà 5 miệng ăn, ít gì chi phí cũng phải 6 triệu đồng/tháng”-bà Bốn tình thật. 
Ngó sang mảnh vườn nhỏ nhà Thắng (đang công tác ở một sở), anh chàng đang ra sức xới đất làm rau. Chừng 7 m2, tưởng đu đủ, thì là, chanh cho chừng ấy diện tích đã đủ thì nay Thắng “bố trí” thêm mấy luống nhỏ trồng rau sát đường đi. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại, Thắng phấn chấn: “Em vừa gieo hạt rau muống, chẳng bao lâu là có ăn. Mình vừa lao động cho khỏe người vừa tiết kiệm chợ búa, lại chủ động thêm nguồn rau xanh, lợi đủ bề”. 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Nhìn tới nhìn lui, thấy mình còn quá nhiều may mắn trong cuộc đời này. Anh em, bạn bè, láng giềng thân quen quanh mình, bao người chưa hết khó khăn vất vả. Không giàu có gì nhưng mình cũng chưa đến nỗi đứt bữa, để phải “lo ăn từng bữa mướt mồ hôi”. Mới cảm nhận đầy đủ hai chữ ổn định của người làm công ăn lương, dẫu chưa khấm khá gì, như lời bà Bốn. Để rồi nhìn lại, cật vấn bản thân đã chuyên tâm, trách nhiệm, hết lòng vì công việc chưa. Để thấy đòi hỏi quá đáng của mình trở nên vô lý và lạc lõng như thế nào trong cuộc đời này. Và hiểu đầy đủ hơn ý nghĩa, giá trị, sự điều chỉnh cần thiết phía sau ly cà phê pha phin buổi sáng của vợ chứ không chỉ là một thức uống quen thuộc. Trong đó có ý thức tiết kiệm (dẫu nhỏ thôi) và nhất là hưởng ứng thực hiện chủ trương không la cà quán xá, tụ tập đông người trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế, đẩy lùi.
3 tháng qua, Covid-19 khiến cả thế giới lao đao, đôn đáo tìm đủ cách dập tắt. Tuy nhiên, tình hình chưa thể nói là khả quan. Dịch bệnh ảnh hưởng đến cả miếng ăn, giấc ngủ con người. “Chống dịch như chống giặc”, an toàn sức khỏe con người lúc này là trên hết-thông điệp đó của Chính phủ thể hiện rõ sự quyết liệt, quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh, hy sinh một phần lợi ích kinh tế vì an toàn, an ninh y tế, dịch tễ quốc gia. Đồng thời kêu gọi mỗi người dân phát huy ý thức, trách nhiệm công dân tham gia phòng-chống dịch. Mọi mặt cuộc sống từ làm lụng, ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, khám-chữa bệnh, giao lưu văn hóa, thưởng thức nghệ thuật... tất cả đều phải đảm bảo an toàn, tránh làm lây lan, bùng phát dịch bệnh. 
Mỗi người, mỗi gia đình bằng việc làm thiết thực, phù hợp, tuân thủ nghiêm quy định, khuyến cáo của ngành Y tế và của cấp thẩm quyền chính là hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước trong việc ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh. Ngược lại, là sự kém cỏi, hèn nhát, là có lỗi trước tiên với chính mình!  
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.