Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 7: Trị 'ma quỷ' trong trường Bình Triệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Đua" lọt chiếc xế điếc ở cửa hàng lương thực, tôi và thằng Hưng "độp" đúp 2 mũi "ken". Ngồi uống cà phê ở vỉa hè chợ Cầu Muối, tụi tôi vừa phê thuốc vừa tâm tư cùng nhau.
Cai được nghiện, ông Xuân trở lại thăm trường lần đầu chữa cắt cơn nghiện - Ảnh: GIA TIẾN
Cai được nghiện, ông Xuân trở lại thăm trường lần đầu chữa cắt cơn nghiện - Ảnh: GIA TIẾN
Lần đầu bị "tó"
Hai thằng đều bất ngờ vậy mà mấy tháng đi bụi đã trôi qua rồi, cuộc đời chẳng biết về đâu? Tôi chửi thề nói với thằng Hưng:
- ĐM, chỉ khi nào no đủ cơm đen đầu óc mới nghĩ suy đến, lúc vã "ken" không hề nhớ tìm lối thoát cho mình.
Nó đáp trả:
- Chỉ thiếu "độp" một cữ thôi đã không chịu nổi. Thôi mày đừng bàn đến ngày mai làm gì cho mất cơn phê.
Bây giờ là đang giữa năm 1977.
Chính quyền từng bước ổn định xã hội. Tệ nạn ma túy là mục tiêu ưu tiên phải xóa bỏ. Các chiến dịch bung ra càn quét động chích, điểm mua bán ma túy và thu gom con nghiện đưa vào quản lý cai nghiện để không còn lang thang chích choác, trộm cắp...
Tảng sáng hôm đó, đường Hàm Nghi còn ít người đi lại và không có gì khác thường. Các con nghiện kéo nhau về lại sau những giờ "đi làm ca đêm" (đi trộm cắp) mà không thấy bóng dáng nào dân phòng, công an. Dân "ken" thoải mái vào các điểm bán, chích choác quen thuộc để "độp" xong rồi ra hè đường ngồi tụ tập thành từng nhóm.
Cảnh tượng như cái chợ chồm hổm, thằng thì chửi thề vì bể mánh không trộm được, đứa thì líu lo cái mồm vì trúng mánh xách của người ta cái giỏ đầy hàng hay trộm cắp được món gì đó đủ tiền cơm trắng cơm đen cho ngày mới. Cả đoạn đường khen khét mùi thuốc phiện, thuốc lá lẫn mùi hôi hám của đám nghiện ngập dơ dáy vì sợ nước...
Bất ngờ tiếng còi tu huýt vang lên, rồi rất nhiều còi thổi theo. Trên những chiếc xe buýt đậu sẵn nãy giờ, nhiều người nhảy xuống tay cầm gậy dân phòng lao vào chỗ tụ tập, chích choác. Dân "ken" hốt hoảng bỏ chạy tán loạn.
Số đông bị bắt tại chỗ đưa lên những chiếc xe buýt, số bỏ chạy ra các ngả đường khác thì bị lực lượng truy quét án ngữ sẵn bắt giữ. Tôi bị "tó" khi đang chạy tháo thân ra bến Bạch Đằng gần đó. Còn thằng Hưng không biết ra sao, may là hai thằng đã "độp" được cữ sáng nên còn chút sức lực.
Ngay sau đó, tôi và đám dân "ken" được đưa vào Trường Phục hồi nhân phẩm Bình Triệu. Khi vào đến đây, tụi tôi mới biết thành phố mở chiến dịch "Tình thương và trách nhiệm" để thu gom người nghiện ở tất cả các quận huyện.
Xuống xe, tụi tôi ngồi vào hàng lối theo chỉ dẫn của cán bộ trường. Đám "ken" ở khu Hàm Nghi là 72 người đủ mọi thành phần mạnh khỏe, bệnh hoạn, cụt tay chân, trẻ, già mang theo mùi hôi do thiếu vệ sinh và tóc tai bù xù, dơ bẩn. Vài kẻ chưa kịp cữ "độp" nước mắt nước mũi lòng ròng, há mồm ngáp dài như tiếng hú. Tôi đảo mắt tìm thằng Hưng nhưng không thấy nó đâu.
Tiếp theo, tụi tôi được bộ phận hồ sơ làm sơ yếu lý lịch tiếp nhận. Ai đã vào trường rồi thì lần này được ghi tăng lên là B2, B3, B4... (B là số lần bị bắt). Tôi mới nhập trường lần đầu nên được ghi là B1 góc trên tờ lý lịch cá nhân.
Những người nghiện ma túy tại Trung tâm Bình Triệu - Ảnh: Tự Trung
Những người nghiện ma túy tại Trung tâm Bình Triệu - Ảnh: Tự Trung
Những "con giòi" trong người
Sau đó, tất cả được đưa lên khu cắt cơn của phòng y tế để bước vào giai đoạn cắt cơn nghiện ma túy. Lúc này, dân "ken" đã ổn định, không còn lo lắng như lúc mới bị bắt. Mọi người lặng lẽ tìm chỗ nằm, ngồi và thay đồng phục cắt cơn để phân biệt với người khác.
Và đến chiều thì tất cả lần lượt đi vào... cơn vã ma túy. Trước đây, trên vùng kinh tế mới, khi hết hàng "độp" tôi vẫn còn chút "tả bô", đầu gòn dính cặn bã thuốc phiện để thầu (ngậm) cầm hơi đủ về đến động chích. Chưa lần nào vã hoàn toàn không có thuốc phiện cả mà tôi đã thấy sợ rồi. Còn bây giờ ở trường cai nghiện, tôi hoàn toàn không có ma túy thì không biết sẽ vật vã đến mức độ nào.
Rồi điều lo sợ của tôi cũng đến. Tôi bắt đầu chảy nước mũi, phải lấy tay quẹt hoài nếu không nó chảy cả vào miệng. Mồm tôi thì ngáp, mới đầu còn cách nhịp, từ từ ngáp kéo dài liên tục tạo ra âm thanh như tiếng hú. Người tôi thì bên trong nóng, bên ngoài chân lông co lại dựng lên như nổi da gà, lạnh hết người, phải ngồi co rút lại để bớt lạnh. Các khớp tay chân đau râm ran, cột sống như sụm xuống.
Trong phòng cắt cơn, ban đầu còn lúc lặng lẽ lúc ồn ào do tiếng rên la nho nhỏ. Giờ nhiều đứa kiềm chế không nổi nữa la lớn tạo âm thanh hỗn độn, hoảng loạn. Đứa đứng dựa vào tường, đứa nằm co lại như tôm luộc, đứa chúi đầu chổng mông lên... do tới cữ nghiện mà thiếu ma túy.
Ma túy khi chích vào cơ thể chạy rần rần khắp người, mang cảm xúc đến từng tế bào và tạo ra cảm giác ma quái không diễn tả được. Bây giờ thiếu nó thì trời ơi đau đớn cũng khó tả! Cả cơ thể nghiện ngập đòi ma túy không được đáp ứng khiến toàn thân rã rời, xương cốt như gãy vụn, mủn mục ra. Bên trong cơ thể lại bị cảm giác kinh hoàng như giòi đục, giòi bò lúc nhúc khắp các khớp xương, ống xương...
Cũng như những thằng đang vật vã khác, tôi thức thâu đêm suốt sáng không thể nào ngủ được. Kinh nghiệm chữa vã "ken" của mấy thằng đã cai trước đây chỉ lại là vào nhà tắm giội nước lên người hồi lâu sẽ hết cảm giác giòi đục, hết vã.
Tôi lẩy bẩy vào nhà tắm. Nhưng đứng cạnh hồ đầy nước mà người tôi lạnh run. Tôi cố gắng thọc thử tay vào nước, cơn lạnh càng buốt thêm nên tôi không dám múc nước giội lên người, mà cứ bần thần đứng im.
Cuối cùng, tôi lấy can đảm múc nước tạt vội vào người, rồi giội từ đầu xuống. Nhưng chưa kịp ướt hết người, tôi đã lập cập mặc vội quần áo lại mà ngồi dựa tường, bó gối run lên bần bật. Cái giá đích đáng cho kẻ nghiện ngập ma túy.
Phương pháp cắt cơn, giải độc của phòng y tế điều trị cho người nghiện ma túy như tôi là: tắm thoải mái bất cứ lúc nào cả ngày lẫn đêm, uống thuốc cắt cơn có tên BT (Bình Triệu) do bác sĩ Thuật bào chế ngay tại trường cùng với vài loại thuốc tây khác kết hợp châm cứu, bấm huyệt, xoa tay áp thận, phơi nắng...
Dần dần qua 7 ngày, đám "ken" chúng tôi từ từ bình phục, không còn vật vã nữa và được chuyển qua khu sinh hoạt để tham gia học tập. Một số ít sức khỏe còn kém thì được giữ lại tiếp tục điều trị. Chưa có "ma ken" nào bị tử vong cả.
Ở khu sinh hoạt và học tập, những người được sang trước chúng tôi rất bình thường, khỏe mạnh, đi lại nhanh lẹ. Riêng chúng tôi tuy không còn vã nữa nhưng vẫn còn yếu.
Tôi tìm hiểu những người này đã có quá trình cai nghiện vài tháng rồi, đã "sạch" ma túy trong người nên ăn uống, ngủ nghỉ bình thường. Họ tham gia các việc lao động của trường như vò chất đốt (than đá), nhặt rau, gọt củ, đứng bếp nấu ăn... Số khác thì lau chùi hành lang, phòng ốc. Cứ ai khỏe mạnh đều được làm việc để nâng sức khỏe thêm.
Hơn tháng sau, sức khỏe ổn định, tôi tham gia khâu dệt thảm bằng dây dừa. Chúng tôi được hướng dẫn dùng cọng lạt dừa lấy từ bẹ dừa nước phơi khô, sau đó thắt lại thành sợi dây dài 25 mét gồm dây tròn và dây dẹp. Loại tròn sẽ được quấn nhiều sợi lại với nhau làm dây thừng. Loại dẹp tùy theo mẫu sẽ quấn tròn lại được may dính vào nhau làm tấm thảm lót giậm chân trước cửa ra vào phòng.
Tham gia việc này hơn 3 tháng thì tôi được thông báo có tên đi trường (Nông trại Phú Văn). Lúc này là tháng 12-1977. Buổi sáng lên đường, chúng tôi tập trung ở sân trường nghe đọc tên và lên xe. Chở chúng tôi là loại xe chở hàng hóa Desoto 354. Xe tôi chở 26 người đi sau cùng trong đoàn xe năm chiếc.
Rời Trường Phục hồi nhân phẩm Bình Triệu, tôi đến Nông trại Phú Văn để học tập và lao động mà không ngờ lại xảy ra những bước ngoặt mới với cuộc đời một thằng nghiện.
Nước lạnh - "thần dược" của kẻ nghiện
Thuốc điều trị cắt cơn nghiện được cấp phát cho tôi uống không hiệu quả cấp thời như giội nước lạnh. Bây giờ, tôi mới hiểu ra tại sao trong nhà tắm có cái hồ lớn lúc nào nước cũng đầy. Sau lần đầu giội nước đó, cứ lúc nào bị vã, bị như giòi đục quá, tôi lại cố lết vào nhà tắm giội nước lên người. Những lần về sau, tôi dần bớt sợ nước lạnh và giội lâu hơn.
Nghe lời mấy thằng bạn, tôi nhắm mắt nhảy khỏi chiếc xe đang chạy để bỏ trốn. Tôi đã cai nghiện rồi, tại sao tôi lại điên khùng như vậy?
Kỳ tới: Nhảy xe, bỏ trốn
TRẦN KIM XUÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Vườn cây của gia đình chị Nguyễn Thị Huệ -Công nhân Đội 2, Công ty Cà phê Ia Sao 2 trồng năm 1986 vẫn đạt sản lượng 24 tấn quả tươi/ha. Ảnh: Đinh Yến

Những công nhân tiêu biểu trong lao động giỏi, sáng tạo

(GLO)- Bằng lòng đam mê, nhiều công nhân tại các công ty cà phê tỉnh Gia Lai đã không ngừng học hỏi và có những sáng kiến mới áp dụng vào sản xuất. Họ không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đơn vị, góp phần tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của giai cấp công nhân.

Nông sản Việt đang ở đâu?

Nông sản Việt đang ở đâu?

Thời điểm hiện tại, Việt Nam đang vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như: vải, nhãn, sầu riêng, thanh long,… Câu hỏi đặt ra giải pháp nào để xúc tiến xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản mùa vụ Việt Nam tránh tình trạng ùn ứ, điệp khúc “được mùa mất giá”.

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Cán bộ Đoàn, ĐVTN cùng lực lượng quân đội đóng góp ngày công để đẩy nhanh tiến độ thi công nhà ở cho người dân. Ảnh: P.L

Xóa nhà tạm-Kiến tạo tương lai - Kỳ 2: Góp gạch hồng dựng xây mái ấm

(GLO)-Phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đang lan tỏa trên địa bàn tỉnh Gia Lai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Mỗi tấm lòng, mỗi hành động đều hiện thực hóa mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trên hành trình góp gạch hồng dựng xây mái ấm, giúp người dân an cư, lạc nghiệp.

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Vào 'lò' gia công mỹ phẩm

Thị trường mỹ phẩm “nóng rực” khi hàng loạt sản phẩm vô chủ vứt bừa bãi, doanh nghiệp ồ ạt xin thu hồi công bố. Phóng viên đã thâm nhập thị trường mỹ phẩm để tận thấy cách thức hô biến đồ rẻ tiền thành cao cấp, chiêu trò của các ông trùm vươn vòi bạch tuộc, bủa vây người người tiêu dùng.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

null