"Từ trong ký ức": Nghĩa tình theo suốt cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cái áo của tôi từ lâu đã không còn nhưng sau 37 năm, anh Bình vẫn giữ cái áo sờn bạc ấy như chứng tích tấm lòng của bố tôi dành cho anh.

Gia đình tôi với anh Nguyễn Văn Bình, một học sinh K8 (biệt danh của chiến dịch sơ tán hơn 30.000 học sinh cấp 1-2 của khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị ra miền Bắc đi học và nhằm tránh những trận bom hủy diệt của Mỹ, được thực hiện vào hai năm 1966, 1967) có rất nhiều ân nghĩa.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Lúc được bố mẹ tôi đón tiếp đưa về nhà nuôi dưỡng, anh mới 12 tuổi. Năm năm sau, khi sang tuổi 17, vừa thi tốt nghiệp cấp 2 xong anh đã xung phong trở về Vĩnh Linh tham gia lao động, chiến đấu bảo vệ quê hương. Thế gian vật đổi sao dời, Bắc Nam cách trở, sau gần 40 năm anh và gia đình tôi mới gặp lại nhau, song anh và mỗi thành viên trong gia đình chúng tôi không lúc nào quên những ngày tháng gian khổ, khó khăn mà luôn đầy tình nghĩa.

Làng tôi đón học sinh K8 vào ngày 15-10-1966. Làng Nội, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam của tôi vốn là vùng bán sơn địa trống trải của tỉnh Hà Nam nên suốt thời kỳ chiến tranh đánh phá ác liệt của Mỹ, làng tôi không phải chịu một trái bom Mỹ nào. Yên ổn, thơ mộng song sống trong những ngày cả nước sục sôi đánh Mỹ nên cả làng đều mong muốn được làm gì đó để chung tay, sẻ chia gian nan với đất nước, nhận nuôi học sinh K8 là trách nhiệm và cũng là tự nguyện của dân làng tôi. Những ngày này chưa biết mặt mũi người được nuôi như thế nào, trai hay gái, khỏe mạnh hay ốm đau song trong làng ai cũng thương những đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới mà đã phải lặn lội sáu bảy trăm cây số ra nương nhờ nơi người lạ, đất lạ.

Ngày làng đón K8, không may em gái tôi bị sưng phổi, bố mẹ tôi phải lên bệnh viện huyện với em, để lại một mình tôi ra sân kho đón người bạn mới. Khi ông phụ trách K8 gọi tên cháu Nguyễn Văn Bình đến làm con ông Đoàn Thanh Dũng thì một thằng bé lớn hơn tôi một chút ngơ ngác bước ra. Tôi cũng bước ra nói lý do bố mẹ đi lên bệnh viện huyện chăm em nên bảo tôi ra đón, ông phụ trách nói thôi thế cũng được.


 

Thương binh Nguyễn Văn Bình cùng vợ trên quê nhà ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh tư liệu gia đình)
Thương binh Nguyễn Văn Bình cùng vợ trên quê nhà ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh tư liệu gia đình)
 Chân dung tân binh Nguyễn Văn Bình ngày đầu trong quân ngũ
Chân dung tân binh Nguyễn Văn Bình ngày đầu trong quân ngũ


Những đứa con của làng tôi

Tôi đưa Bình về nhà. Chiều hôm sau bố mẹ và em tôi ở bệnh viện về, cả nhà mổ gà làm cơm đón người mới, mừng em khỏi bệnh. Mẹ tôi nói Bình hơn tôi một tuổi nên làm anh cả. Tôi chấp nhận bởi ngoài hơn tuổi ra, Bình già dặn hơn tôi nhiều thứ, nhất là khi Bình bảo: "Ba tau bảo ra Bắc nhớ mà chăm chỉ rèn luyện học hành, đừng làm mất mặt người ở lại". Đã nói là làm, những ngày ở với gia đình tôi, anh đã luôn luôn tuân thủ lời ba dặn. Không chỉ có anh mà các anh chị, các bạn đội K8 ở làng tôi đều làm vậy. Hồi ấy mỗi học sinh K8 được nhà nước cấp 13 kg gạo một tháng. Với định lượng hợp tác xã mỗi khẩu một tháng hơn mười kg thóc thì số gạo đóng góp đó cho nhà là khá lớn, vậy mà Bình và các bạn K8 không lười biếng, ỷ thế, họ đã bảo nhau ngoan ngoãn, hòa đồng, thực sự nguyện làm con cái trong nhà. Đặc biệt là họ luôn đoàn kết, gắn bó thành một khối, họ nhắc nhở, uốn nắn, động viên nhau, bảo vệ nhau và làm gương cho bọn trẻ chúng tôi học tập.

Với anh Bình, chúng tôi ngày ngày tắm chung ao, ngủ chung giường, học chung trường, ra đồng, lên núi cùng nhau, hiểu tính nhau, chia nhau từ củ khoai củ sắn, lớn lên bên nhau. Qua anh Bình, qua bạn bè K8, chúng tôi dần biết đất và người Vĩnh Linh là thế nào. Chiến tranh làm cho con người gian khổ, chết chóc ra sao. Trong những chiều chăn trâu, thả diều hay những đêm ngắm trăng sao, anh kể cho tôi nghe chuyện nhà, chuyện người. Đó là chuyện bố mẹ, các chú các bác Bình trực chiến, bắn máy bay Mỹ. Chuyện những lần làng bị bom Mỹ khiến người mất, người bị thương. Chuyện cả làng phải dỡ nhà làm hầm. Nhất là chuyện cả làng đào địa đạo ly kỳ như chuyện cổ tích…

Chiếc áo bố tôi tặng con nuôi

Hè năm 1971, anh Bình được cấp trên chấp thuận vào đội thanh niên trở về Vĩnh Linh lao động và chiến đấu. Khi chia tay anh, cả nhà tôi bâng khuâng hẫng hụt như tiễn người ruột thịt một đi không trở lại. Mấy tháng sau, qua lá thư nhòe ướt, anh thông báo đã về đến Vĩnh Linh, từ đó cả nhà bặt tin anh.

Giữa năm 1975, tôi đi làm công nhân, sau đó đưa gia đình lên Lào Cai sinh sống. Đường sá xa xôi, không bắt được liên lạc với nhau nên anh và gia đình tôi càng không biết được tin tức về nhau.

Hè năm 2007, tôi được vào Cửa Tùng - Vĩnh Linh dự trại sáng tác văn học do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức, tôi mang theo khát vọng cháy bỏng của cả nhà là tìm được anh Bình. Tôi tâm sự với nhiều người, ai cũng sẵn sàng giúp đỡ tôi. Với sự đồng hành giúp sức của anh Nguyễn Ngọc Chiến, một nhà văn đất Quảng Trị, đồng thời là một học sinh K8 năm xưa (song không sơ tán về huyện tôi), hai người lên một chiếc xe máy dọc ngang khắp đất Vĩnh Linh.

Vĩnh Linh có đến ngót 20 xã, xã nào ngày ấy cũng có học sinh đi K8 nhưng hỏi nhiều mà ai cũng nói không biết. May lúc ấy tôi sực nhớ ra có lần Bình nói nhà ở gần sông Bến Hải, đứng ở bên này bờ Bắc có thể nhìn thấy lính tráng, xe cộ của địch đi lại bên phía bờ Nam. Tôi nói với anh Chiến, anh khẳng định ngay đó là xã Vĩnh Sơn. Chúng tôi về Vĩnh Sơn và tìm được làng của Bình song mừng hụt vì gia đình anh đã chuyển lên ở Dục Đức, một làng khai hoang của xã.

Chiếc xe máy cà tàng tiếp tục chở chúng tôi đi Dục Đức. Gặp được Bình, nghe anh Chiến nói đây là Nam, ngoài Hà Nam vào, anh Bình ôm lấy tôi khóc nức lên. Tôi, anh Chiến và vợ con anh Bình cũng không cầm được nước mắt. Lúc sau anh bỏ tôi ra, chạy vào trong buồng lấy ra một chiếc áo bộ đội cũ. Tôi giật mình, kỷ niệm ùa về.

Mùa hè năm 1970, bố tôi được gọi đi dân công quốc phòng trên huyện đội Thanh Liêm và được giao công việc lau súng. Giẻ lau súng các ông được giao là những bộ quân phục cũ của những anh bộ đội tân binh sau kỳ huấn luyện trả lại trước khi nhận quân phục mới để hành quân vào Nam chiến đấu. Có lẽ thương tình bố tôi gầy gò ốm yếu, một cán bộ đã cho ông hai cái áo sơ mi thải loại, ông mang về tặng cho chúng tôi mỗi đứa một cái. Cái áo của tôi từ lâu đã không còn nhưng anh Bình vẫn giữ được cái áo sờn bạc ấy như một chứng tích tấm lòng của bố tôi dành cho anh.

Tôi đã dành nhiều tâm huyết, thời gian để phần nào khắc họa tính cách khẳng khái, đoàn kết, tự trọng, tình cảm của những người K8 để viết nên cuốn tiểu thuyết "Còn da lông mọc" - NXB Quân đội Nhân dân. Bài viết này như sự tiếp nối những trang viết về những người con sinh ra trên vùng đất lửa Vĩnh Linh ra Bắc học hành rồi trở về chiến đấu, xây dựng quê hương.

 


Bình bồi hồi kể lại chuyện anh về Vĩnh Linh được hai năm thì nhập ngũ, bị thương nặng trên chiến trường Campuchia, người vợ của anh chính là người chăm sóc anh ở trại thương binh nặng. Sau đó anh chị đã xin xuất ngũ về quê dưỡng thương. Dẫu kinh tế khó khăn, sức khỏe yếu song anh vẫn tình nguyện đưa vợ con đi xây dựng vùng kinh tế mới, lấy Dục Đức làm quê hương thứ hai.

Sau chuyến hội ngộ ấy, vợ chồng Bình đã bán một con trâu để lấy tiền tàu xe ra Lào Cai thăm bố mẹ tôi. Sự kết nối đã khiến gia đình tôi và gia đình anh lại bền chặt như mấy chục năm trước chúng tôi từng buồn vui, sướng khổ bên nhau.



ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

 
 

Theo ĐOÀN HỮU NAM (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.