'Chúng ta, dù ở cương vị nào cũng có thể làm được cái mà mình muốn, điều có ích. Có thể không phải tất cả những điều mình muốn đều làm được, nhưng với những điều có ích thì luôn luôn có cơ hội để làm'.
Tin một phó chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên là phó chủ tịch tỉnh lứa tuổi 7X một tỉnh phía Bắc, ra làm tư nhân khiến dư luận xôn xao. Nhiều người muốn biết vì sao lại có sự thay đổi “kỳ lạ”, nhiều đồn đoán đặt ra, nhưng căn nguyên chính xác có lẽ vẫn là bí mật riêng.
Vì muốn mở rộng điều kiện phát huy sở trường, vì không còn phù hợp với không gian công lập nên cần đổi thay bứt phá tự do, vì triển vọng cao hơn không có, hay vì bất cứ lý do gì thì quyết định này vẫn luôn không dễ dàng.
Việc chuyển từ công lập sang tư nhân - nhất là khi người "ra đi" đang là lãnh đạo, cán bộ - đến giờ vẫn được xem là chuyện không bình thường ở Việt Nam.
Mấy năm trước, một phó tổng giám đốc đài truyền hình quốc gia gửi đơn đề nghị được thôi chức, ra làm tư nhân đã tốn không ít giấy mực của truyền thông.
Gần hơn, hàng chục nhà khoa học giỏi, trong đó có những người đứng đầu các viện quan trọng, rời Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - trường công lập tên tuổi - ra làm cho một trường đại học tư còn non trẻ đã "gây sốc" trong giới khoa học.
Chưa dừng ở đó, trường tư này đang tiếp tục "hút" một loạt giảng viên giỏi từ nhiều trường công có tiếng về "đầu quân". Chia sẻ về lý do ra đi, một giáo sư trẻ khẳng định tìm đến nơi nhiều thách thức hơn "không phải vì tiền" mà vì muốn có môi trường đại học tự do, chuyên nghiệp, sáng tạo.
Mục tiêu được các nhà khoa học đặt ra khi cùng chung tay là xây dựng một trường đại học đa ngành, xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu. Quyết định rời bỏ nơi cũ dù khó khăn, dù tiếc nuối, nhưng có người gửi gắm từ sự chuyển dịch này những bất cập sẽ được nhìn nhận lại để điều chỉnh.
Lại nhớ, bên lề một cuộc phỏng vấn, vị chủ nhiệm một ủy ban của Quốc hội chia sẻ vừa có 1-2 chuyên viên xin ra ngoài làm và bất ngờ là ông thấy "cần ủng hộ".
"Con tôi cũng không làm nhà nước. Lúc đầu tôi thấy buồn và lo, vì nếu con theo định hướng của mình sẽ rất thuận lợi. Nhưng sau này ngẫm lại mới thấy mình cổ lỗ quá, con mình vui vẻ và trách nhiệm với lựa chọn của chính nó, sống thế mới ý nghĩa".
Bỏ công lập ra tư nhân hay từ bỏ tư nhân để tìm đường vào công lập là lựa chọn của mỗi người. Mọi so sánh hơn - thua giữa công - tư đều khập khiễng.
Từ môi trường công bước ra không gian tư nhân, nhiều người hiểu đơn thuần sẽ tự do hơn, dễ vùng vẫy hơn, nhưng sự thật lại phải đối mặt trực diện hơn với những va đập thị trường, nhiều rủi ro, bấp bênh, kể cả "lời ăn, lỗ chịu".
Còn từ tư nhân bước vào nhà nước, tưởng yên ổn ngay nhưng không ít người lại phải chật vật mới rèn vào nền nếp mới, vượt qua những định kiến khắt khe để khẳng định mình.
"Chúng ta, dù ở cương vị nào cũng có thể làm được cái mà mình muốn, điều có ích. Có thể không phải tất cả những điều mình muốn đều làm được, nhưng với những điều có ích thì luôn luôn có cơ hội để làm. Do đó, không phải băn khoăn ở đâu mới làm được điều này, điều kia..." - vị phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam xin thôi chức ra làm tư nhân mấy năm trước tâm sự trên báo chí khi được hỏi về quyết định của mình.
Nghĩ được như thế sẽ bớt đi những người bám ghế dù đã hết nhiệt huyết và cạn nguồn động lực cống hiến, khiến bộ máy hành chính kém hiệu quả và "mất điểm" trong mắt người dân.
Theo NGỌC HÀ (TTO)