Lần nào lên thăm vợ chồng Vy, mẹ cũng không báo trước. Mà không, chính xác là từ buổi chiều trời đổ mưa tầm tã, nước chảy thành dòng trước con hẻm nhà Vy đúng cái giờ ra đón mẹ ở bến xe.
Minh họa: KIM DUẨN |
Khôi, chồng Vy, gọi taxi vì không thể chạy xe máy như mọi lần. Vậy thôi mà mẹ kể mãi, nói hai đứa không biết tiết kiệm là gì, tốn kém, gì mà tiền taxi gấp mấy lần tiền mẹ đi xe đò đoạn đường dài đằng đẵng, để tiền đó cho cháu bà hộp sữa, ký thịt có hơn không. Từ nay mẹ lên không cần đứa nào đưa rước gì hết.
Tưởng giận lên nói vậy thôi, ai ngờ mẹ làm thật. Mỗi lần lên, mẹ tự đón xe ôm về đến nhà, xuống xe, mẹ gọi lớn: "Vy ơi, mở cửa cho mẹ". Những năm tháng xa xứ, Vy không ngờ thanh âm đó thốt ra từ mẹ lại khiến Vy bật khóc ngon lành. Những buổi chiều nhìn ra cửa, Vy lại mong có tiếng mẹ gọi...
Vy năn nỉ mẹ, để cho con ra đón mẹ, con muốn gặp mẹ sớm hơn một chút, nhiều hơn một chút. Mẹ trấn an Vy, rằng mẹ không có giận hờn gì đâu, chỉ là mẹ còn khỏe, đi đến đâu mẹ còn tự đi được, tụi con đứa nào cũng bận rộn chứ có nhàn rỗi gì...
Đến đoạn đó, thể nào mẹ cũng kể hành trình lập nghiệp từ miền Tây lên miền Đông, long đong lận đận của bố với mẹ khi mới cưới nhau. Câu chuyện này Vy nghe đến thuộc lòng, nhưng không thấy chán, mỗi thời điểm nghe, Vy lại ở một độ tuổi khác, cảm nhận mọi thứ khác hơn nên chưa bao giờ thấy câu chuyện của mẹ là cũ.
Lần này mẹ lên thì Vy đã không còn đi làm công sở nữa.
Vy không dám nói với mẹ do tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng doanh số nên muốn tồn tại, công ty phải giảm bớt người, Vy nằm trong số ấy. Ban đầu Vy cũng sốc chứ, vợ chồng đang hai đầu lương giờ giảm hẳn một đầu. Nhưng nghĩ cho lạc quan thì thời buổi bây giờ cũng có nhiều công việc tự do để lựa chọn, chỉ cần mình chịu khó là được.
Lên ở với vợ chồng Vy hai ngày, nắm thông tin Vy dự định thuê thêm mặt bằng để kinh doanh hàng thời trang, mẹ ôm mặt than trời: "Một phòng trọ này đóng tiền nhà, điện nước hằng tháng đã gần chục triệu, còn thuê thêm chỗ khác, làm sao mà có tiền đóng hả con?".
Với mẹ, việc Vy mất việc là kinh khủng lắm, không còn lãnh lương mỗi tháng, tức là "lông bông" rồi, khổ cho cháu ngoại của mẹ rồi.
Suốt những ngày đó, mẹ không vui, cả bữa cơm cũng ngột ngạt với chuyện giá cả đắt rẻ. Vy càng thấy thương mẹ. Cả cuộc đời của mẹ chưa lúc nào sống cho bản thân mình. Con cái mua món gì về cũng phải giảm nửa giá thì mẹ ăn mới thấy vui.
Mà cũng phải nói cho khéo, để lộ ra là mẹ giận. Như cái lần chồng Vy mua bó hoa ly to đùng về thắp hương đầu năm, anh tự giảm giá nhiều quá, không ngờ mẹ thừa biết giá cả hoa ngày tết đắt đỏ ra sao. May lần đó tết nhất nên mẹ cho qua, nhưng kể từ đó, anh mua gì cũng bị mẹ ngờ vực ở khoản giá cả.
Một lần Vy nói, tiền bạc chỉ để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của mình thôi, mẹ đừng nghĩ nhiều về nó quá... Dù đã lựa lời nhiều lắm rồi, mẹ vẫn chẳng thấy lọt tai chút nào, trời ơi, có tiền có bạc cho cháu mẹ sau này được học hành tử tế, mới mong có cuộc sống sung túc chứ con.
Cháu mẹ sau này sẽ tự trưởng thành và lo cho đời nó, chẳng lẽ mẹ không tin cháu mẹ rất giỏi sao? - Vy nói vậy, mẹ lại lu loa lên, đấy trứng mà đòi khôn hơn rận, nói gì cũng cãi thôi, con với chả cái...
Cuộc nói chuyện về tiền nong của Vy với mẹ lúc nào cũng kết thúc bằng điệp khúc ấy.
Đêm ấy Vy nói với chồng, hay do mình không đủ tâm lý để nói chuyện với mẹ, chia sẻ với mẹ về những nỗi lo, những suy nghĩ tiêu cực... Khôi chỉ trả lời bằng cái siết tay nhè nhẹ và tiếng thở dài cố đè nén.
Vy nhớ đến hình ảnh ngày mẹ dắt Vy ra chợ huyện, vào quán phở đối diện cổng chợ, mẹ gọi cho Vy tô phở, nói mẹ no rồi nên không ăn. Hôm ấy, đến đò ngang, mẹ chỉ còn vừa đủ những tờ tiền nhàu nhĩ cho hai mẹ con sang đò...
Hình ảnh ấy không thôi đeo bám Vy. Nhưng cho đến bây giờ, Vy vẫn trở thành kẻ lông bông vì thất nghiệp trong mắt mẹ, thử hỏi làm sao mẹ nuốt thức ăn trôi cho được. Vy nằm quay lưng lại với chồng, nước mắt chảy dài.
Hôm sau mẹ về. Mẹ nói không đâu bằng ở nhà, về nhà có hàng xóm láng giềng, câu ra câu vào cũng vui nên hai đứa đừng lo cho mẹ, cứ lo cho cháu ngoại bà thật tốt là được. Vy nói với mẹ sẽ sớm đưa cháu về thăm, nhưng nói vậy thôi chứ Vy thừa hiểu công việc phía trước sẽ khiến đường về quê càng xa xăm vời vợi...
Khôi đưa mẹ ra bến xe về thì trời vừa ửng nắng. Anh đón lấy tách trà gạo lứt của Vy vừa nấu, giọng lạc quan: "Đêm qua anh nghĩ kỹ rồi, vợ chồng mình khoan hãy kinh doanh, gom tiền mua lại căn nhà anh Tín, tuy ở hơi xa trung tâm chút nhưng dù gì có nhà cho yên tâm".
Vy bất ngờ với quyết định của chồng, cô không ngờ anh có hướng xoay chuyển nhanh vậy, chứ lần trước về nhà anh Tín xem nhà, Vy đã ưng lắm mà chồng cứ than xa trung tâm quá.
Khôi nói thêm: "Về đó, em tạm thời đi làm văn phòng trong công ty anh Tín, anh ấy cũng vừa nhắn anh có người nào giới thiệu giúp, chẳng phải em cũng không hợp với công việc tính toán, kinh doanh hay sao?".
Vy rưng rưng vì cảm động bởi sự thấu hiểu của chồng. Ánh mắt của anh còn nói với Vy rằng, mẹ già chẳng sống với mình được bao lâu nữa, mình phải làm cho mẹ yên lòng mới đúng.
Lâu lắm rồi mẹ mới lại gọi cho Khôi ra đón ở bến xe. Cũng phải thôi, vì mẹ đâu biết địa chỉ nhà mới của hai vợ chồng Vy.
Xuống khỏi xe Khôi, mẹ chạm vào cánh cửa trước nhà, khẽ gọi: "Vy ơi!". Vy bật dậy, cô đã chờ thanh âm thân thương này của mẹ biết chừng nào. Thanh âm ấy ngọt ngào hơn bất cứ thứ gì ngọt ngào nhất mà cô có...
Không chỉ mình Vy muốn khóc, cô còn kịp nhìn thấy niềm vui lấp lánh trong ánh mắt ngấn nước của mẹ.
Theo LA THỊ ÁNH HƯỜNG (TTO)