Trường xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trường xưa gắn liền với những kỷ niệm một thời đẹp nhất của đời người. Với những ai đã đi qua thời học sinh, trường xưa lớp cũ luôn gợi thật nhiều cảm xúc về những tháng năm êm đềm tuổi thơ.

Trường xưa gắn liền với con đường quen thuộc, những bước chân bỡ ngỡ lần đầu đến lớp. Ánh mắt ngơ ngác nhìn quanh, tay bấu chặt vào tay áo mẹ. Mọi cái đều mới mẻ và lạ lẫm. Con đường mẹ vẫn dắt đi chơi mỗi ngày bỗng trở nên như xa hơn, như chứa đựng bao điều bí ẩn bởi vì nó đang đưa những bước chân thơ bé đầu tiên đến một nơi mới lạ có bao nhiêu điều kỳ diệu đang đón chờ. Từng bàn học đến bảng đen đều như đến từ một thế giới khác của tuổi học trò, khác biệt với ngôi nhà nơi chỉ có những người thân. Trong nỗi nhớ ấy, có những sáng mù sương che khuất tầm nhìn, cùng bạn bè vượt dốc đi học, những chiều mùa đông gió thổi rát mặt lại cùng nhau còng lưng đạp xe về nhà. Đường đến trường có lá, có hoa, đi theo bao ước mơ đầu đời tươi đẹp nhưng cũng đầy gian nan với nắng bụi mưa bùn.

 Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc



Trường xưa có thể là ngôi trường mới xây tường vàng ngói đỏ với những cửa kính màu đẹp mắt nơi mình bước vào với bao lạ lẫm, ngơ ngác. Cũng có thể là một mái trường đơn sơ lợp tranh trát đất, nắng phủ bụi mù, ngồi ở lớp này có thể nghe tiếng giảng bài từ lớp khác. Ngôi trường ấy có thể tọa lạc giữa một vườn cây trái ở một vùng quê trù phú nhìn ra cánh đồng lúa mênh mông hay ngôi trường trên đồi cao bốn mùa lộng gió với vườn bạch đàn bao quanh. Những cành phượng đỏ dệt thành tấm thảm giữa không gian xanh cao thoáng đãng, tạo cho ngôi trường sự êm đềm thơ mộng chỉ có riêng ở chốn học đường. Nó cũng có thể là ngôi trường khang trang nằm giữa lòng thành phố với đầy đủ tiện nghi để dạy và học, với những thư viện đầy sách. Mọi thứ đều sạch đẹp tinh tươm đem đến một sự tiện lợi hoàn hảo cho thầy và trò. Dù hình ảnh có khác nhau nhưng những ấm áp yêu thương vốn không nằm ở vẻ bề ngoài.

Tôi nhớ một thời dùng bút lá tre chấm mực, những lọ mực có khi không được nút chặt lại đổ ra, dính vào cặp vở, dính vào đôi tay bé xíu. Những quyển vở lấm lem màu mực ấy, mỗi khi lần giở thường khiến người ta nao nao nhớ về một thời mực tím với biết bao tình thương mến. Ngày nay, bút máy, bút bi, bút kim có đủ, chắc không đứa trẻ nào hình dung ra cha mẹ mình từng có đôi tay như vậy. Bỡ ngỡ gặp nhau, nhanh chóng trở nên thân thiện, để rồi những ngày đến trường không chỉ có sách vở mà còn là những trò vui, những câu chuyện không đầu không cuối với bạn bè. Những trò nghịch ngợm đùa vui tếu táo, những chọc ghẹo ghép đôi và cả những bức thư ai kia len lén bỏ vào cặp sách. Hồn nhiên và đáng yêu biết chừng nào.

Trường xưa là lời giảng của thầy cô những giờ lên lớp. Trong lời giảng ấy, có những trang sử hào hùng của dân tộc bao lần đánh bại giặc ngoại xâm. Có những cảnh đẹp như tranh của đất nước mình từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Có những giờ Vật lý đầy hứng thú với câu chuyện cô giáo kể về những nhà bác học. Lại có những lúc căng cả đầu vì những bài toán khó, hì hục mãi không làm được rồi lại như vỡ ra khi được thầy chỉ dẫn. Những giờ Hóa học dẫu không được thực hành, nhưng cũng có thể hình dung và nhận biết các chất thông qua những phương trình phản ứng. Rồi giờ Văn học say sưa với những áng thơ hay, những câu văn đẹp... Trong trí óc non nớt của đám học trò, những lời giảng của thầy cô đã mở ra một chân trời mới lạ, nuôi dưỡng ước mơ cho ngày khôn lớn.

Trường xưa gắn với bao kỷ niệm những lần lao động, cắm trại với nhiều hoạt động tập thể gắn kết. Vui nhất là những lần lao động tập trung được ở lại để ăn uống vui đùa cùng nhau. Có dịp trở lại, những hàng cây được chúng tôi trồng trong sân trường ngày ấy nay đã thành cổ thụ tỏa bóng khắp sân trường, còn chúng tôi thì cũng đã quá nửa đời người vẫn xao xuyến bao kỷ niệm xưa. Những lần cắm trại với nhiều trò chơi, tinh nghịch, đáng nhớ. Những nồi chè đêm khuya bên bếp lửa mà cả thầy và trò quây quần, vừa ăn vừa trêu chọc nhau để rồi cười vui sung sướng.

Trường xưa giờ vẫn nằm chốn cũ. Những cành phượng già mùa này chỉ còn trái và lá đang vươn những cành cong vào không gian rộng lớn. Thời gian cứ trôi, chợt nhớ đã lâu rồi mình chưa có dịp trở về trường cũ. Nhưng những đôi mắt ngây thơ, những nụ cười hồn nhiên, những dấu chân trên sân trường như vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ.

 

 NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.