Những tổ chức bảo vệ sông Mê Kông thúc giục Trung Quốc hãy minh bạch và có thiện ý hợp tác với các nước trong khu vực sau khi xuất hiện báo cáo cho thấy nhiều đập Trung Quốc cố ý giữ nước gây hạn hạ nguồn.
Con trai một nông dân ở Lào đứng trên đồng ruộng nứt nẻ vì mực nước sông Mê Kông vào tháng 4.2019 rút xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm. Ảnh: AFP
Báo cáo, do công ty nghiên cứu và tư vấn Eyes on Earth Inc. (Mỹ), cho biết dựa trên dữ liệu vệ tinh, tổng cộng 11 đập thủy điện của Trung Quốc từ tháng 5-10.2019 đã giữ nước ở mức cao hơn bình thường vào thời điểm mực nước ở hạ nguồn Mê Kông rút xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm.
“Điều này cho thấy các đập của Trung Quốc đã giữ nước làm cho tình trạng hạn hán ở hạ lưu nghiêm trọng hơn. Nếu người Trung Quốc tuyên bố họ không có động thái cố tình gì trong đợt hạn hán thì dữ liệu của chúng tôi chống lại họ”, ông Alan Basist, nhà khí tượng học - Chủ tịch Công ty Eyes on Earth Inc. (Mỹ), nói với Reuters.
Eyes on Earth Inc., công ty nghiên cứu và tư vấn về nước, tiến hành nghiên cứu này với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Mỹ trong khuôn khổ Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông.
Trung Quốc lên tiếng tranh luận về kết quả báo cáo, đồng thời cho hay sẽ tìm mọi cách đảm bảo xả nước ở mức hợp lý cho các nước ở lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Về phần mình, Ủy ban sông Mê Kông (MRC) cho hay sẽ yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin để làm rõ báo cáo trên, và xúc tiến thiết lập cơ chế làm việc chính thức với chính quyền Bắc Kinh về vấn đề Mê Kông, theo Reuters hôm 15.4.
Hiện Trung Quốc chưa tham gia bất kỳ thỏa thuận chính thức nào về điều phối nước ở vùng hạ lưu sông Mê Kông với các nước tại khu vực, và đến nay chỉ chia sẻ rất ít thông tin về hoạt động của đập thủy điện.
Trong khi đó, hashtag #StopMekongDam (ngưng đập trên sông Mê Kông) đang trở thành xu hướng nổi bật trên Twitter ở Thái Lan trong ngày 15.4, sau khi báo cáo được công bố.
Tại Campuchia, ông Hok Menghoin của Diễn đàn NGO Campuchia cho hay ít báo cáo cũng giúp các chính phủ vùng hạ lưu Mê Kông khi đề cập đến vấn đề này với Trung Quốc.
Washington hiện cáo buộc Bắc Kinh đang kiểm soát dòng Mê Kông.
Thụy Miên (Thanh Niên)