Trông người, ngẫm ta và hành động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cơn sốt tour diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink tại Việt Nam chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi thị trường mua - bán vé vẫn sôi động. Tại sao? Bởi đó là kết quả của chiến lược phát triển bài bản, tiếp tục chứng minh sức ảnh hưởng của ngành công nghiệp văn hóa xứ Hàn.

Câu chuyện các nghệ sĩ Hàn Quốc đến Việt Nam giao lưu, biểu diễn gây sốt đã xuất hiện từ cách đây vài chục năm. Năm 2006, khi còn ở đỉnh cao phong độ, nghệ sĩ Bi Rain đã đến Việt Nam biểu diễn. Danh sách các nghệ sĩ Hàn từng đến Việt Nam còn có: SNSD, Super Junior, Big Bang, 2NE1, Song Seung Heon, Kim Tae Hee, Yoon Eun Hye, Wonder Girls, T-ara... với hàng dài người hâm mộ chờ đón để được gặp thần tượng.

Sự gia tăng sức ảnh hưởng của văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã biến quốc gia này nổi lên như một hình mẫu thành công về xuất khẩu văn hóa. Chiến lược với sự hỗ trợ của chính phủ cả về chính sách và ngân sách đã phát huy tác dụng, khiến văn hóa Hàn có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Thành công này không chỉ về danh tiếng, mà nó còn mang đến lợi nhuận khổng lồ lên đến hàng tỷ USD, ở nhiều lĩnh vực khác nhau: âm nhạc, phim ảnh, du lịch, thời trang, ẩm thực…

Chỉ tính riêng chuyến lưu diễn thế giới Born Pink World Tour của Blackpink đến nay đã đạt hơn 186 triệu USD với hơn 1 triệu vé bán ra. Con số này giúp họ trở thành nhóm nhạc có doanh thu tour diễn cao nhất lịch sử, vượt qua cả nhóm nhạc Spice Girls. Tour diễn này bắt đầu từ tháng 10-2022 với các điểm dừng chân tại châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương.

Sẽ là quá khập khiễng khi đặt lên bàn cân so sánh ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc. Nhưng rõ ràng, khi nhiều cuộc hội thảo khoa học đều lấy Hàn Quốc là hình mẫu, bài học kinh nghiệm để học hỏi, thiết nghĩ điều này có cơ sở thực tiễn. Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1755/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2020 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tăng lên 7% vào năm 2030. Sau 3 năm triển khai, tính đến năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP (so với 2,68% GDP vào năm 2015).

Tháng 11-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1909/QĐ-TTg “Về việc phê duyệt chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”. Nhiều mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực được đặt ra. Trong đó, đáng chú ý “Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hàng năm”.

Thực tế cho thấy đã có những dấu hiệu tích cực trong sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nhiều bộ phim như: Bố già, Nhà bà Nữ, Lật mặt, Hai Phượng, Gái già lắm chiêu… đã có doanh thu vượt xa nhiều phim bom tấn nước ngoài. Ở lĩnh vực âm nhạc, gần đây nhất ca khúc See tình của Hoàng Thùy Linh gây sốt tại nhiều quốc gia châu Á. Một số nghệ sĩ như: Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Đen Vâu, Sơn Tùng M-TP… tổ chức những đêm nhạc thu hút hàng chục ngàn khán giả… Đó là những điểm sáng đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế chính sách, hành lang pháp lý đã và đang có những thay đổi tích cực để dần bắt kịp xu hướng thị trường và hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa. Cùng với đó, điểm tựa quan trọng khác chính là khán giả bởi nhìn vào thành công của lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh phản ánh rất rõ điều này.

Khi đã có những bài học kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc hay Nhật Bản, Trung Quốc cùng với cơ hội rộng mở, vị thế và tiếng nói Việt Nam ngày càng được khẳng định chính là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến hơn nữa. Ai cũng hiểu phát triển ngành công nghiệp văn hóa không thể chỉ dựa vào một vài cá nhân hay một lĩnh vực riêng lẻ.

Thế nhưng, để tạo thành sức mạnh tổng hợp và có sức ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới quốc gia không có cách nào khác là sự liên kết đồng bộ theo hướng chuyên nghiệp. Bản thân từng lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa cũng không thể đứng độc lập, mà cần biết tranh thủ thế mạnh, tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy nhau cùng phát triển; huy động và tận dụng mọi nguồn lực của xã hội.

Thách thức luôn ở đó và “điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Và sức mạnh đoàn kết vốn đã là truyền thống của Việt Nam, cho nên đến lúc nó cần được phát huy, hiện thực hóa trong từng hành động một cách quyết liệt, để cùng thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa không ngừng phát triển và góp phần quảng bá văn hóa Việt rộng khắp hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.