"Trồng người" giữa Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ra Trường Sa những ngày giữa tháng 4 vừa qua, tôi đặc biệt ấn tượng với những người thầy lặng lẽ "trồng người" nơi đảo xa. Dù đang công tác, sinh sống ổn định tại đất liền, họ đã gác lại hạnh phúc riêng tư để ra với Trường Sa vì sự nghiệp chung là ươm mầm tri thức, gieo con chữ cho trẻ em sinh sống trên các điểm đảo...

Một lớp hai trình độ

Khi tàu KN491 thả neo tại đảo Sinh Tồn lúc sáng sớm, những chiếc xuồng máy như con thoi lần lượt đưa các thành viên trong đoàn vào thăm đảo. Đúng như tên gọi, cây cối nơi đây nào bàng vuông, tra, phong ba, hoa giấy... đều vươn lên mạnh mẽ để sinh tồn giữa biển khơi nhiều bão táp, mang lại không gian xanh mướt cho quân và dân trên đảo. Chúng tôi có mặt tại lớp học của thầy Phạm Xuân Diệu khoảng 7h sáng, từ đằng xa đã nghe văng vẳng tiếng học sinh luyện đọc.

Lớp học của thầy giáo Phạm Xuân Diệu ở xã đảo Sinh Tồn.

Lớp học của thầy giáo Phạm Xuân Diệu ở xã đảo Sinh Tồn.

Lớp học khang trang không kém gì trong đất liền, trên bục giảng có chân dung Bác Hồ và 5 lời dạy của Bác, phía dưới là góc học tập (góc Toán, Tiếng Việt, góc Sử - Địa, Hoạt động giáo dục, An toàn giao thông) do thầy và trò nơi đây cùng trưng bày, trang trí bởi những bài viết của các em, hình vẽ trực quan có tính giáo dục cao của thầy, hay những tranh vẽ, bưu thiếp do học sinh làm để minh họa cho từng hoạt động... Phía cửa sổ, ngoài những giò phong lan, chậu cây bon-sai nho nhỏ còn có hoa ốc - cây hoa trang trí xinh xinh đặc trưng của những điểm đảo do người dân nơi đây khéo tay thiết kế mà thành.

Chia bảng thành hai nửa, một bên dạy Toán, một bên luyện đọc, thầy Phạm Xuân Diệu, giáo viên Trường tiểu học xã đảo Sinh Tồn cho biết, lớp có 5 em học sinh nhưng hai trình độ, ba cháu lớp 2 và hai cháu lớp 5. Tuy học ghép như vậy nhưng thầy và trò vẫn duy trì hai buổi học mỗi ngày, với chương trình như trong đất liền. Trong khi thầy Diệu kiểm tra khả năng đọc của các cháu lớp hai bên cánh phải, phía cánh trái lớp, hai nữ sinh lớp 5 cặm cụi giải Toán...

Sinh năm 1993, quê huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, thầy Diệu tình nguyện viết đơn ra Trường Sa từ 5 năm trước. Lúc đó, người yêu anh làm về nha khoa. Dù ban đầu nghe tin xa xôi cách trở cũng có chút ngại ngùng, nhưng sau đó được anh động viên nên chị cũng an tâm. Vượt qua những cơn say sóng nhớ đời, anh đặt chân lên đảo Sinh Tồn, bắt đầu những giờ dạy đầu tiên tại một môi trường hoàn toàn khác. Sau một năm học ở đảo, tranh thủ thời gian nghỉ hè, anh về đất liền cưới vợ và may mắn vợ chồng có luôn bé gái hiện giờ đã 3 tuổi. "Con gái biết nói chuyện bi bô, hát múa nhưng ba chỉ nghe được âm thanh, không nhìn được hình ảnh, cũng nhớ lắm", anh nói.

Về khó khăn ở đảo, thầy giáo Phạm Xuân Diệu cho biết, anh từng công tác ở vùng sâu, vùng xa nên trải qua hết và thấy cũng bình thường vậy. Điều kiện học tập của các cháu ở đây do không có mạng Internet nên việc tham gia các cuộc thi giải toán qua mạng, hay học tiếng Anh qua phần mềm... bị hạn chế. Thêm vào đó, trong đất liền, dù công tác ở đâu cũng có nhà trường, nhiều đồng nghiệp, học sinh đông vui; còn ở đảo chỉ một mình nên lúc đầu anh cảm thấy buồn. Tuy nhiên, hằng ngày tiếp xúc, trò chuyện thân thiết với các em học sinh và phụ huynh nên nỗi buồn dần vơi bớt. Đặc biệt, được sự quan tâm của các cấp chỉ huy, CBCS ở đảo thường xuyên xuống phụ giúp dọn dẹp vệ sinh, trang trí lớp những ngày lễ, ngày khai giảng, tổng kết năm học, quân và dân gắn bó như một gia đình nên niềm vui được nhân lên ngày càng nhiều.

"Kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi là vào dịp 20/11, mặc dù nơi đầu sóng ngọn gió điều kiện thiếu thốn nhưng các em vẫn nhớ ơn thầy, mang những trái khổ qua nhà trồng được, hay vẽ những bức tranh về thầy làm quà tặng. Lớp ít, học sinh ít, nhưng chính vì vậy mà tôi có điều kiện quan tâm, hiểu hơn về từng cháu, các cháu cũng rất tình cảm, chăm ngoan học tập", anh tâm sự. Cháu Võ Đan Như, học sinh lớp 2 xã đảo Sinh Tồn, những lúc đi học cháu cảm thấy vui vẻ vì được gặp thầy và các bạn. "Thầy tận tụy chỉ bảo cho con, rất thương con. Tan học về, con cùng các bạn chơi cầu trượt rất vui", Như háo hức khoe.

Giấu nỗi nhớ vào tim

Tại đảo Trường Sa, thầy giáo Bành Hữu Tình (SN 1983), quê Cam Lâm, Khánh Hoà hiện đang đảm nhiệm 3 nhóm lớp với hai cấp học: mầm non và tiểu học, trong đó cháu nhỏ nhất 3 tuổi, lớn nhất là lớp 5. "Thời gian đầu thầy trò khá vất vả, có em đang tuổi ăn tuổi chơi, nằm luôn ra bàn bảo, "con mệt quá". Rồi có em đang giờ học đòi đi vệ sinh, kêu con đói bụng, con đi uống nước, con muốn ăn bánh... Mặc dù được tập huấn trước rồi nhưng mình không tránh khỏi bỡ ngỡ", anh kể. Do không quen nên những ngày đầu lên lớp ở đảo anh mệt quá, mất nhiều sức do phải vận hành cả khối lớp, tan học về chỉ muốn ngủ luôn, bỏ cả bữa. Tuy nhiên sau 3 tháng mọi thứ dần đi vào khuôn khổ, nề nếp được ổn định hơn.

Những học sinh ở đảo Trường Sa háo hức cùng bố mẹ đón đoàn công tác.

Những học sinh ở đảo Trường Sa háo hức cùng bố mẹ đón đoàn công tác.

Qua tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý từng cháu, những sở thích, thói quen, thầy Tình tìm ra phương pháp dạy học sao cho phù hợp. Chẳng hạn, mẫu giáo, mầm non dạy một chút phải cho nghỉ giải lao, ăn bánh, uống sữa, thiên về vận động, hoạt động chứ không chỉ ngồi theo từng tiết, từng môn như tiểu học. Anh kết hợp cho các cháu tô màu, vẽ tranh, xem truyện tranh, nghĩa là không gò bó, cứng nhắc mà thay đổi các trò chơi, học mà chơi, chơi mà học cho linh hoạt.

"Do dạy cùng lúc, mình không dùng bảng nhiều vì sẽ phân tâm, mà chia thành 3 nhóm kèm lẫn nhau, giảng bài mới theo hình thức làm việc nhóm, khi nào các cháu của nhóm này hiểu bài, làm được bài mới quay qua nhóm khác. Các trò chơi chung giữa ba nhóm có thể là cá ngựa, xếp hình, thi tô màu...", thầy Bành Hữu Tình chia sẻ.

Trước khi ra Trường Sa, anh có 3 năm công tác tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, 10 năm công tác tại huyện đồng bằng Cam Lâm. "So với miền núi, đảo Trường Sa rất đặc biệt vì cách xa, đi lại cũng khác, không phải như ở bờ, muốn về là về, lên tàu, lên xe là về được ngay. Tuy nhiên, vì đã tình nguyện ra đây nên mình đã xác định tư tưởng. Thời gian rảnh nhiều mình hay đọc những câu châm ngôn trong lịch vạn niên, trong đó có một câu mình nhớ mãi: "Lấy nỗi buồn làm niềm vui mỗi ngày để thời gian qua nhanh". Ban đầu mình cũng nhớ nhà lắm, mỗi lần xem tivi thấy cảnh gia đình hạnh phúc, bố con trò chuyện là buồn rười rượi. Sau đó mình không xem nữa, thời gian rảnh làm việc khác, một cách để giấu nỗi nhớ vào tim, cho nỗi nhớ tạm ngủ yên vậy", anh tâm sự.

Vợ cũng là giáo viên dạy cấp hai, con gái nay đã học lớp 8, anh cho biết, 5 năm ở đảo thời gian cũng dài nhưng tình cảm ấm áp vì nhiều đoàn công tác ra thăm, thể hiện sự quan tâm, yêu thương của đất liền dành cho Trường Sa. "Tôi thấy vinh dự khi được làm thầy giáo ở đảo Trường Sa - trái tim của quần đảo Trường Sa - bởi tôi biết nhiều đồng nghiệp của mình trong đất liền luôn ao ước được một lần đến với Trường Sa, mong có cơ hội được sinh sống tại đây. Tôi cũng xác định ngay từ đầu là ra đảo công tác thì trách nhiệm càng cao, nên luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để làm sao truyền tải hết những gì mình có, góp phần bù đắp thiếu thốn cho các em học sinh, để các em khi vào đất liền vẫn theo kịp bè bạn", thầy Tình chia sẻ thêm.

Và, dường như nỗ lực của thầy đã được đền đáp khi năm học trước có 3 em học lớp 5 sau khi vào bờ đều học khá, giỏi, một em được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi, một em vào lớp chọn trường cấp hai thị xã. Đó là câu trả lời thuyết phục nhất về tâm huyết của những "người lái đò" giữa đảo xa.

"Nhớ nhất là lần đầu tiên đón Ngày Nhà giáo Việt Nam tại đảo năm 2018. Buổi lễ rất xúc động, được tổ chức trong không gian phòng học nhỏ, là buổi gặp mặt phụ huynh, có sự tham dự của chỉ huy đảo, chỉ huy một số đơn vị phối thuộc trên đảo. Tôi được nhận một bó hoa chúc mừng rất đặc biệt, được kết từ hoa bàng vuông và các loại hoa có trên đảo, bức ảnh tôi vẫn còn giữ", anh nói.

Có lẽ, nơi đảo xa còn nhiều thiếu thốn nhưng tình cảm luôn đong đầy. Quân và dân thuận hòa, gắn kết đã tiếp thêm niềm vui, động lực cho anh và những đồng nghiệp yên tâm bám đảo, giữ biển, gieo chữ, "trồng người", vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi...

Có thể bạn quan tâm

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.