Trong mây Vân Sơn - Kỳ 2: Phục tráng quýt cổ Nam Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người Mường vốn thành thục trong chăn nuôi, trồng trọt lấy đó làm kế sinh nhai bền vững cho mình và con cháu. Những chủ nhân của thung lũng mây Vân Sơn cũng vậy, họ không chỉ sống gần gũi với thiên nhiên, mà còn nắm được những thế mạnh sẵn có, dựa vào thiên nhiên, vận dụng từ đó để làm nông nghiệp.

Ông Lừng thăm vườn quýt.

Ông Lừng thăm vườn quýt.

“Nữ hoàng” quýt cổ

Mùa này, Vân Sơn đang ở giai đoạn thời tiết dễ chịu trong năm. Song vào mùa nồm ẩm đầu năm, đi từ thành phố lên tới trung tâm xã Vân Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) là khắp người đã ướt nhẹp dù trời không mưa, chỉ có sương mù. Độ ẩm không khí trung bình năm là 85%, riêng vào khoảng tháng Giêng, Hai, sương mù dày đặc suốt, lúc nào cũng có thể quá mù ra mưa, quần áo không có lúc nào khô. Nếu như ở những vùng cao khác, người dân địa phương chủ yếu lấy nước sinh hoạt từ suối, từ những khe nước trên núi chảy xuống hoặc nước giếng đào, nguồn nước chủ yếu là “nguồn nước trời” thì cũng vẫn có lúc vào mùa khô thiếu nước. Còn xã Vân Sơn, nước luôn “lơ lửng” ngay trong không khí. Do vậy, không khí ẩm ướt đầu năm ấy lại rất hợp cho cây quýt cổ Nam Sơn sinh trưởng và phát triển.

Trước đây, xã Nam Sơn (cũ) trồng chủ yếu là giống quýt cổ có nguồn gốc từ những năm 50 của thế kỷ trước. Quýt cổ hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên sinh trưởng rất tốt, nhưng số lượng ít, năng suất chưa cao, lại chưa được biết đến rộng rãi. Sau này, từ những gốc quýt giống cổ được chọn lọc, nhân từ cây trội hoặc lai tạo thêm giống mới, vừa cho quả ngọt vừa có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh quýt cổ Nam Sơn xã cũng đưa thêm một số loại cây vào trồng, song quýt Nam Sơn vỏ mỏng, múi dày, vị ngọt thanh mà không gắt, độ đường vừa phải, vẫn là “nữ hoàng quýt” ở đây. Theo ông Hà Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, cây quýt cổ Nam Sơn được xác định là “cây mũi nhọn” phát triển kinh tế trên địa bàn xã. “Trước đây, trồng sắn, ngô, khoai, nay xã quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bỏ trồng những cây không có giá trị kinh tế cao, vận động bà con chuyển sang trồng cây quýt”, ông Hà nói.

Men theo những con dốc ngoằn ngoèo dẫn vào đồi quýt nhà ông Đinh Xuân Lừng, mùa đông nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa phùn u ám, nhưng dọc hai bên đồi là những luống quýt vàng trĩu quả, khiến vùng quê miền núi trông như được thắp những lồng đèn nhỏ sáng bừng. “Cây quýt này lúc đầu mới chỉ trồng ít, sau này thấy có hiệu quả thì ở xã cũng nhờ Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình nghiên cứu, phục tráng và nhân rộng ra. Các kỹ sư của Sở lên để xác định cây đầu dòng, xong rồi ghép ra số lượng nhiều từ tầm năm 1995, 1996. Nhưng phải từ năm 2000 trở đi, khi có đường đi dễ dàng, thì bà con mới dần trồng tăng diện tích lên. Và vào những năm 2015 thì mới trồng nhanh, trồng nhiều và có hiệu quả”, ông Đinh Xuân Lừng là chủ vườn hơn 500 gốc quýt, nhớ lại. “Chất lượng cây quýt Nam Sơn vừa mọng nước, ngọt thanh, được trồng trên núi cao và đặc thù khí hậu có độ ẩm cao, nên không phải tưới nhiều mà vẫn phát triển tốt. Đó là một lợi thế ngay cả khi khí hậu rét mướt, cây vẫn sinh trưởng được”, ông cắt nghĩa.

Người dân xã Nam Sơn (cũ) quyết tâm phục tráng giống quýt cổ.

Người dân xã Nam Sơn (cũ) quyết tâm phục tráng giống quýt cổ.

“Chưa làm giàu được nhưng gạo ăn thoải mái”

“Tôi có khoảng 500, 600 gốc cả cam và quýt. Có những năm cũng được kha khá, nói chung là cũng chưa làm giàu được nhưng gạo ăn thoải mái”, ông Lừng - người nông dân chính hiệu trên đất Mường hào sảng nói với chúng tôi. Quýt Nam Sơn hiện được trồng phổ biến tại 17/17 xóm trên địa bàn xã Vân Sơn. Với hơn 90% người dân sống bằng nghề nông, thời gian qua, nhiều hộ dân đã chuyển dần diện tích đất trồng màu sang trồng quýt. Năm 2015, diện tích trồng cây quýt cổ ở Vân Sơn chủ yếu tập trung tại xã Nam Sơn (cũ) đạt hơn 50 ha, đến nay, tổng diện tích trồng quýt tăng gấp hơn 3 lần, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Từ ngày đường liên xã được làm mới, đổ bê-tông, có đường đi lối lại khiến việc vận chuyển quýt dễ dàng nên có nhiều thương lái tìm đến thu mua. Mặc dù rừng núi thưa thớt, mỗi hộ dân lại sống rải rác trên những sườn đồi, nhưng nhờ giao thông thông suốt, kết nối dễ dàng với các địa phương của tỉnh Thanh Hóa và quốc lộ 6 - một chiều đi Tây Bắc, một chiều đi thủ đô - giúp cho cây tăng năng suất vẫn được bảo đảm có nơi tiêu thụ.

Dù vậy, người trồng quýt vẫn còn một số băn khoăn, khi đầu ra của trái cây này chưa thật ổn định. Theo chị Đinh Thị Quyết, hộ trồng quýt ở xóm Xôm, xã Vân Sơn, cũng như một số người dân trong xóm đã chú ý cải tạo những mảnh vườn nhỏ sang trồng quýt, cam, bưởi nhưng vườn nhà chị nằm trên các triền đồi nên khó chăm sóc lẫn khó thu hoạch. “Vườn nhà tôi trước là vườn tạp, ít có giá trị kinh tế. Giờ bỏ vốn đầu tư trồng cây cũng lo, lo từ lúc chăm đến lúc thu hoạch phải chờ vào thương lái tới trả giá chứ chưa biết nhiều cách bán hàng”, chị Quyết tâm sự. Trong vùng không có nhà máy, khu chế xuất hay khu công nghiệp có thể tiêu thụ số lượng lớn. Hiện nay, mỗi hộ trồng quýt đều xen kẽ nhiều loại, nhiều giống quýt khác nhau, trong đó phần lớn loại quýt độ ngọt vừa phải bà con vẫn phải tự mang đi bán nhỏ lẻ ở các chợ dân sinh ở Thanh Hóa. Quýt chua hay ít ngọt rất khó hoặc không tiêu thụ được ở những chợ đầu mối của Hòa Bình, Hà Nội. “Thế còn cái tiêu thụ lớn thì chưa có, dù các thương lái vẫn đến thu mua. Nếu mà cứ đà này thì là tương đối ổn định”, ông Lừng cho biết.

Sau thời gian dài loay hoay với bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Vân Sơn đã tìm thấy hướng phát triển kinh tế cho mình, biến những bất lợi về điều kiện tự nhiên trở thành lợi thế để xây dựng và mở rộng vùng trồng quýt ngọt và quýt bản địa như hiện nay. Cùng với bưởi đỏ Tân Lạc, quýt Nam Sơn đã được công nhận OCOP 3 sao (Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Hòa Bình. “Nhờ có một số nội dung Nhà nước hỗ trợ bà con một phần, còn lại là bà con cũng tự lực phần lớn, nay quýt Nam Sơn đã có thương hiệu OCOP 3 sao. Một số hộ đã cải tạo, xóa bỏ diện tích vườn tạp để trồng quýt cổ. Đời sống của bà con được nâng lên so với trước rất nhiều, kể cả cơ sở vật chất, nhà ở của nhân dân. Nếu nhìn vào thời tiết, khí hậu, đất đai ở đây rất khắc nghiệt, nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền cùng với nỗ lực của nhân dân đã thay đổi một trời một vực”, ông Lừng một lần nữa nhấn mạnh với chúng tôi về việc thế mạnh của xã vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp, bà con làm giàu, đi lên từ nông nghiệp. Dù vậy, rút kinh nghiệm từ bài học ở Cao Phong, quýt Vân Sơn đang cố gắng tìm cho mình một lối đi bền vững, tránh vì việc canh tác, khai thác đất quá mức, sử dụng phân hóa học làm đất bạc màu, suy giảm chất lượng hoa trái; cùng với đó cũng chờ vào những định hướng, chính sách để có đầu ra rộng mở cho nông sản của mình.

Quýt Nam Sơn, bưởi đỏ Tân Lạc, những cái tên đã dần có được chỉ dẫn địa lý quan trọng, khiến người ta nhớ đến sản phẩm khi đi tới một vùng đất. Trong vòng 10-20 năm qua, xứ Mường Hòa Bình cũng đã thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây, đường liên thôn, liên xã chỉ toàn là đường đất, chưa có trường cấp hai, trẻ em đi học phải sang xã khác cách đó hơn 10 km, trường tiểu học cũng xuống cấp, xã không có gì nổi bật. Thì nay, trường Tiểu học-THCS Lũng Vân cơ sở mới được ưu ái xây ở bãi đất bằng phẳng nằm ngay trung tâm xã; “điện, đường, trường, trạm” đã dần thành hình, khang trang, thông suốt. Tân Lạc nay chỉ cách trung tâm Hà Nội có vài giờ lái xe, thậm chí có thể đi được bằng nhiều cung đường khác nhau, liên huyện, liên tỉnh đều dễ dàng hơn trước. Vùng đất ấy đang chờ tiếp tục phát triển hết tiềm năng, chờ mở ra vô vàn những câu chuyện, cả mới cả cũ, kể mãi không thôi.

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.