Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trời ngả về chiều. Trong lớp sương mù bảng lảng bay trên đỉnh đồi làng Đăk Chum I (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (46 tuổi) cùng gần chục người khác đang miệt mài chăm sóc vườn dâu tây. Những luống dâu xanh mướt với quả đỏ mọng trải dài trên đỉnh đồi Đăk Chum I là hướng đi mới, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Trời ngừng mưa nhiều ngày, con đường lên làng Đăk Chum I dễ đi hơn trước. Cùng với anh cán bộ địa chính xã, chúng tôi băng qua con đường bê tông phẳng phiu trong làng, rồi ì ạch bò lên con dốc đất thẳng đứng mới đến được vườn dâu tây và cũng là nơi ở của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn.

Nhà của anh Tuấn nằm sát bìa rừng trên đỉnh đồi ở cuối làng Đăk Chum I. Nơi đây, quanh năm sương mù che phủ vào sáng sớm, chiều tà, giúp vợ chồng anh Tuấn từng ngày nuôi giấc mơ làm giàu từ việc trồng dâu tây và một số cây ưa lạnh khác. Trong căn nhà nhỏ thơm nồng hương hoa được trồng dày xung quanh, nhâm nhi ly chè xanh nóng hổi, tôi như lạc vào một thế giới khác, mọi ưu phiền bỗng chốc tan biến. Tôi với anh Tuấn là hai người xa lạ nhưng cởi mở trò truyện như những người thân quen lâu năm.

Anh Tuấn kể, vợ chồng anh rời tỉnh Bình Phước đến Tu Mơ Rông vào năm 2012 với mong muốn làm giàu từ nông nghiệp. Khi mới đến, anh nhận thấy bà con ở đây chủ yếu trồng mì và lúa, đời sống không mấy phát triển. Buổi đầu chưa quen với nơi ở mới, lắm lúc muốn quay về quê sinh sống, nhưng thấy dân làng nơi đây hiền lành, hồn hậu, thiên nhiên còn hoang sơ, tươi đẹp nên vợ chồng anh Tuấn “phải lòng”.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn bên vườn dâu của mình. Ảnh: VT

Anh Nguyễn Thanh Tuấn bên vườn dâu của mình. Ảnh: VT

“Sở dĩ tôi đến xã Tu Mơ Rông vì biết nơi đây có nhiều rừng, đất đồi núi, khí hậu lạnh, thích hợp trồng nhiều loại cây dược liệu, trong đó có sâm dây, sâm Ngọc Linh. Thế nhưng ngày đó, chưa ai trồng, chủ yếu khai thác trong rừng tự nhiên nên vợ chồng quyết định mua đất và trồng sâm dây” – anh Tuấn tâm sự.

Sau nhiều lần khảo sát, tìm nhiều vùng đất trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, cuối cùng vợ chồng anh Tuấn chọn được mảnh đất ưng ý ở làng Đăk Chum I, vừa gần khu dân cư, vừa giáp bìa rừng, quanh năm khí hậu mát lạnh. Thế rồi, một căn nhà nhỏ được dựng lên, làm nơi tránh mưa, che nắng cho gia đình nhỏ.

Những năm đầu mới đến, thấy sâm dây dễ trồng và có giá bán trên thị trường tương đối cao, vợ chồng anh Tuấn thử sức trồng 1ha sâm dây và mang lại hiệu quả. Nhiều bà con trong làng cũng học hỏi trồng theo. Sau một thời gian, sâm dây được người dân khắp nơi trồng khiến giá bán giảm dần, anh Tuấn muốn trồng thêm một loại cây khác mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu nơi đây và đầu ra ổn định. Qua tìm hiểu, vợ chồng anh quyết định chuyển sang trồng sâm Ngọc Linh, mắc ca và thử sức với dâu tây.

“Sâm Ngọc Linh và mắc ca dễ trồng và tôi có thể học hỏi kinh nghiệm từ các vườn các trên địa bàn tỉnh. Còn dâu tây là lần đầu tiên được trồng ở Tu Mơ Rông nên tôi gặp khá nhiều khó khăn” – anh Tuấn tâm sự.

Năm 2020, sau khi tham khảo các vườn dâu tây ở Đà Lạt, anh Tuấn đã mua nhiều loại giống về trồng thử nghiệm. Bởi anh biết, chưa hẳn khí hậu lạnh đã hợp với dâu tây mà còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng, cách chăm sóc của người trồng.

Trồng dâu tây là hướng đi mới và mang lại hiệu quả cao ở Tu Mơ Rông. Ảnh: V.T

Trồng dâu tây là hướng đi mới và mang lại hiệu quả cao ở Tu Mơ Rông. Ảnh: V.T

Đúng như dự đoán, nhiều giống dâu tây từ Đà Lạt đem đến trồng ở xã Tu Mơ Rông gần như chết sạch, chỉ có số ít sống dặt dẹo. Anh Tuấn nghĩ, có cây sống là có hy vọng, có thể chăm sóc để cây dần dần hồi phục và thích nghi, sau đó sẽ nhân giống tại vườn.

Một nhà vườn ươm giống 2.000 m2 được dựng lên. Những cây dâu tây dặt dẹo được vợ chồng anh Tuấn chăm sóc với “chế độ” đặc biệt. Chẳng bao lâu, những cây dâu tây “mẹ” đã thích nghi với khí hậu, bén rễ, vươn mầm nơi vùng đất lạ.

Sau 2 năm ròng rã, dưới đôi tay cần mẫn, khéo léo và kinh nghiệm của người đàn ông từng tốt nghiệp cao đẳng ngành nông nghiệp, những cây dâu “mẹ” dặt dẹo ngày nào đã cho ra hàng nghìn cây dâu “con”, từng bước vươn mình trên đồi Đăk Chum 1, “gieo” thêm một hy vọng làm giàu mới.

5.000 m2 đất trồng dâu tây ban đầu không đáp ứng được nguyện vọng của vợ chồng anh Tuấn. Chính vì vậy, anh mong muốn cùng người dân ở đây mở rộng thêm diện tích canh tác, tạo thêm việc làm để góp phần giúp bà con Xơ Đăng có thêm thu nhập và biết được cách trồng dâu công nghệ cao, cho ra những quả dâu đỏ mọng.

Nói là làm. Chính vì vậy, đầu năm 2022, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vợ chồng anh Tuấn thành lập Hợp tác xã dược liệu du lịch Forest Stay với các thành viên tham gia là những người Xơ Đăng trong làng với mục đích chính là trồng và chăm sóc dâu tây, cùng một số loại cây khác như sâm Ngọc Linh, mắc ca, cà phê xứ lạnh. Họ liên kết với vợ chồng anh Tuấn, đóng góp công sức và tích luỹ tiền từ ngày công lao động để tăng thêm thu nhập.

Để chứng thực, tôi đến chỗ ông A Brap (53 tuổi) để tìm hiểu. Ông đang cùng vợ con quây quần bên đống lửa, ngồi chẻ từng cọc tre để cố định luống bạt. Ông A Brap cho biết: Tôi là một thành viên trong Hợp tác xã dược liệu du lịch Forest Stay. Chúng tôi tham gia Hợp tác xã bằng việc đóng góp ngày công. Ai đóng góp công càng nhiều thì sẽ được hưởng nhiều. Trong tháng nếu cần tiền, tôi sẽ ứng một phần tiền công, phần tiền công còn lại gửi lại Hợp tác xã để hưởng tiền lãi. Làm ở đây mỗi ngày được 140 nghìn đồng, được nuôi ăn buổi trưa, trung bình một tháng gia đình tôi kiếm thêm được hơn 10 triệu đồng từ công lao động và 2,7 triệu đồng từ việc chia lợi nhuận của Hợp tác xã.

Hợp tác xã đã tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân ở làng Đăk Chum I. Ảnh: V.T

Hợp tác xã đã tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân ở làng Đăk Chum I. Ảnh: V.T

Ông A Brap là 1 trong 40 người ở làng Đăk Chum I có thêm thu nhập nhờ tham gia, làm việc cho hợp tác xã. Anh Tuấn cho biết, trung bình một ngày có khoảng 7 – 15 người đến làm việc, họ tự sắp xếp việc chăm sóc rẫy vườn, chia nhau đến làm. Hiện tại, hợp tác xã đã phát triển được 3ha trồng dâu tây, trung bình mỗi tháng thu về hơn 90 triệu đồng.

“Bà con tham gia hợp tác xã và đóng góp ngày công tự nguyện. Số ngày công bà con đóng góp sẽ được kế toán ghi chép lại. Khi nào bà con cần tiền, có thể ứng trước một phần tiền công để trang trải cuộc sống, phần tiền công còn lại như tiền gửi tiết kiệm để hưởng lợi từ hợp tác xã. Trong thời gian tới, cây mắc ca, sâm Ngọc Linh sẽ cho thu hoạch, bà con tiếp tục được hưởng lợi thêm từ tiền công đóng góp chăm sóc trong thời gian qua. Đồng thời, hợp tác xã sẽ phát triển thêm 3ha dâu tây nữa, liên kết đất của bà con để trồng 10ha cà phê xứ lạnh. Gia đình tôi đã ươm xong giống cà phê, sẵn sàng để bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững” – anh Tuấn cho biết thêm.

Ông Lương Dương Thanh – Bí thư Đảng ủy xã Tu Mơ Rông cho biết: Việc Hợp tác xã dược liệu du lịch Forest Stay trồng dâu tây, sâm Ngọc Linh và mắc ca đã tạo thêm được việc làm và thu nhập cho người dân làng Đăk Chum I. Hiện tại, xã đang triển khai làm đường dẫn đến khu sản xuất của hợp tác xã để bà con thuận tiện đi lại. Trong năm nay, xã sẽ hướng dẫn vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để xây dựng thương hiệu dâu tây đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh, đồng thời quảng bá sản phẩm để tạo đầu ra ổn định trên thị trường.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.