Hôm 25.3 là Ngày CTXH (Social Work Day), thời điểm thế giới tôn vinh những con người luôn khao khát làm đẹp và đổi thay cuộc sống.
Thuở ban đầu, ngành CTXH ra đời nhằm giải quyết những hậu quả của đô thị hóa, nghèo đói và nhập cư. Jane Addams (1860 - 1935) thường được tôn vinh là người khai sinh ra lĩnh vực này. Bà sáng lập Hull House - một trong những trung tâm xã hội đầu tiên tại Mỹ (năm 1889) và cũng là người phụ nữ Mỹ đầu tiên nhận Nobel Hòa bình vào năm 1931.
Tại VN, nhà xã hội học quá cố Nguyễn Thị Oanh là người khai mở cho ngành học này. Bà tốt nghiệp cử nhân xã hội học ở Mỹ, sau đó học thạc sĩ ngành phát triển cộng đồng ở Philippines, rồi về VN vào thập niên 1960. Sau một thời gian dài hoạt động, giảng dạy không chính quy về CTXH, năm 1992, bà thành lập Khoa Phụ nữ học (tiền thân của Khoa Xã hội học) tại Trường ĐH Mở TP.HCM. Ngày nay, những thế hệ nối tiếp bà không ngừng nỗ lực và hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn, nhân bản hơn.
Tuy vậy, những giá trị của ngành CTXH dường như đang bị thách thức trong xã hội hiện đại. Nhiều người lầm tưởng ngành CTXH là đi làm từ thiện, nhiều phụ huynh thấy ái ngại khi con mình theo đuổi ngành học nhân văn này thay vì những ngành có tiềm năng hái ra tiền…
Nhưng hãy nghĩ đến vì sao ngành CTXH quan trọng và đáng để tự hào? Những bước tiến dài và quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới đều có dấu ấn của những ngành nhân văn, trong đó có CTXH. Một đất nước có ngành CTXH phát triển sẽ có thể nâng đỡ và trao quyền cho những người bị thiệt thòi, yếu thế; thúc đẩy công bằng xã hội; tư vấn, trị liệu và hỗ trợ để giúp mọi người đối phó khó khăn. Và quan trọng hơn, đất nước ấy sẽ có những con người hành xử một cách đồng cảm, nhân ái và tôn trọng phẩm giá của nhau.