(GLO)- Du lịch Gia Lai được nhắc đến nhiều hơn sau khi Công ty cổ phần Tập đoàn Bossco đăng ký đầu tư dự án “Tổ hợp du lịch quốc tế núi lửa Chư Đăng Ya-Biển Hồ”-một trong các danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh-với số vốn dự kiến là 5.000 tỷ đồng. Nếu được triển khai, đây là dự án có số vốn lớn nhất từ trước đến nay và mang tầm cỡ quốc gia đầu tiên đầu tư tại tỉnh ta dành cho du lịch.
Theo đánh giá của nhà đầu tư, khu vực miệng núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) kéo dài về phía Nam tới Biển Hồ là địa điểm hội tụ tương đối đầy đủ tài nguyên về cảnh quan thiên nhiên như các dãy núi bao quanh miệng núi lửa, hồ nước ngọt với diện tích mặt nước rộng 220 ha, có Biển Hồ trà rộng mênh mông và hệ thống sông, suối, rừng xung quanh. Địa điểm này cũng rất thuận lợi về giao thông: cách Sân bay Pleiku 5 km, cách trung tâm thành phố chưa đầy 20 km và nằm gần trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây là địa điểm lý tưởng để đầu tư dự án có quy mô quốc gia, tích hợp các sản phẩm du lịch đặc trưng và hiện đại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch.
Tích hợp đa dạng sản phẩm
Núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Doãn Vinh |
Các sản phẩm du lịch tích hợp tại dự án “Tổ hợp du lịch quốc tế núi lửa Chư Đăng Ya-Biển Hồ” được nhà đầu tư đưa ra gồm có: du lịch nghỉ dưỡng-xây dựng tổ hợp khách sạn, resort cao cấp khoảng 1.000 phòng tại khu vực Biển Hồ nước; du lịch sinh thái-gắn với Biển Hồ trà, các trang trại cà phê, hồ tiêu, rừng trồng; du lịch lễ hội-xây dựng không gian đủ lớn để tổ chức Festival Cồng chiêng Tây Nguyên có tầm cỡ quốc tế, xin phép Chính phủ tổ chức định kỳ sự kiện này 2 năm một lần. Bên cạnh đó sẽ tái hiện, tổ chức các lễ hội mừng lúa mới, đâm trâu, bỏ mả… để phục vụ các tour du lịch. Ngoài ra, tổ hợp du lịch này còn có thêm du lịch tâm linh, du lịch vui chơi giải trí-xây dựng trường đua ngựa, đầu tư sân golf 18 lỗ; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE)-xây dựng một trung tâm hội nghị với quy mô đủ lớn để khai thác các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, kết hợp với du lịch.
Các sản phẩm du lịch trên sẽ được tập trung xây dựng có chất lượng cao, quy mô lớn nhằm tăng thời hạn lưu trú và mức chi của du khách. Sản phẩm của dự án tổ hợp du lịch là một chuỗi liên hoàn, gắn kết, bổ sung cho nhau, đủ hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Dự kiến, năm đầu tiên tổ hợp hoàn thành sẽ thu hút ít nhất 600.000 lượt khách (hiện du lịch Gia Lai đón khoảng 200.000 lượt khách trong nước và quốc tế mỗi năm-P.V), các năm tiếp theo tăng trưởng đều 20-30%. Tập đoàn Bossco dự kiến hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án trong thời gian 3 năm (giai đoạn từ nay đến 2020) để đưa vào khai thác kinh doanh đồng bộ.
Tính khả thi của dự án 5.000 tỷ
Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nhận định “Tổ hợp du lịch quốc tế núi lửa Chư Đăng Ya-Biển Hồ” là dự án lớn nhất từ trước tới nay ở tỉnh ta về quy mô, không gian, vốn đầu tư. Nếu được triển khai, dự án trị giá 5.000 tỷ đồng này sẽ làm thay đổi bộ mặt du lịch của tỉnh, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế. “Để dự án có tính khả thi cao, đưa vào khai thác kinh doanh đòi hỏi nhà đầu tư phải có thực lực về vốn, thực tâm thực hiện và có đội ngũ khảo sát, tư vấn, thiết kế giỏi. Còn đối với địa phương, cần được sự ủng hộ của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư nơi dự án triển khai”-ông Vũ nói.
Người đứng đầu ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng, đây là dự án được đầu tư đột phá trên nền tảng tiềm năng sẵn có để phát triển bền vững du lịch Gia Lai. Nếu nhà đầu tư có thực lực và thật sự tâm huyết, việc thực hiện một dự án có quy mô như vậy trong lộ trình 2-3 năm hoàn toàn khả thi. Ông Phan Xuân Vũ lạc quan: “Dự án sẽ tạo ra một khu du lịch đẳng cấp trong khu vực, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Một khi lượng khách du lịch tăng, bản thân mỗi người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp, từ các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, đến bà bán rau, bán phở, người lái taxi…; từ đó tăng thu ngân sách địa phương”.
Gia Lai sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. Đây chính là điểm mạnh để thu hút nhà đầu tư. Dự án trị giá 5.000 tỷ đồng được nhiều người kỳ vọng sẽ làm nên “cú hích” cho ngành công nghiệp không khói, đánh thức tiềm năng to lớn của du lịch Gia Lai.
Hoàng Ngọc