(GLO)- Con đường đến bãi chôn lấp rác Cây số 9 tại xã Ia Pal, huyện Chư Sê hiện nay đang bốc mùi hôi thối nồng nặc và bay xa hàng km. Vì rác thải đổ tràn lan, không kịp chôn lấp dẫn đến tình trạng rác gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan khiến người dân bức xúc.
Để góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm này, anh Lê Thiện An (trú quán tại xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đã suy nghĩ việc này rồi đứng ra huy động vốn để đầu tư mở Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Môi trường ViWaSeen Phương Hướng, hoạt động thu gom và xử lý rác thải tại địa phương.
Dây chuyền sản xuất của nhà máy thu gom xử lý rác thải. Ảnh: Ngọc Thu |
Anh Lê Thiện An quê ở Quảng Trị, năm 1986 anh đi bộ đội, đến năm 1990, anh về huyện Chư Sê lập gia đình. Công việc chính của anh lúc bấy giờ là làm rẫy, công nhân cầu đường. Trong quá trình đi làm, anh nhận thấy cuộc sống và sức khỏe của người dân nơi đây chịu nhiều tác hại từ rác thải, từ đó, anh quyết tâm mày mò các phương thức xử lý rác thải.
Để tìm hiểu kỹ hơn, năm 2007, anh An đã tự bỏ chi phí tìm đến hơn 20 nhà máy xử lý rác thải của các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Hà Tĩnh… để học hỏi thêm kinh nghiệm thu gom và xử lý rác thải. Khi đã cập nhật được kiến thức cần thiết, anh bắt tay vào xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác tại huyện Chư Sê.
Năm 2010, anh An đã bán hết nhà, đất rẫy, vay mượn thêm anh em để xây dựng nhà máy xử lý rác thải với tổng số vốn 15,7 tỷ đồng. Sau 5 năm xây dựng, đến nay Nhà máy đã đi vào hoạt động. Anh An cho biết: “Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm các tiêu chuẩn xả thải, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên địa bàn. Công suất xử lý của nhà máy đạt 40-50 tấn rác/ngày, mỗi tháng thu hồi được 20 tấn phân compost, lợi nhuận từ 20% đến 25%. Hiện tại, nhà máy đang sử dụng 9 hầm ủ và hoàn thành lò đốt rác thải và xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn xã Ia Blang và Ia Hlốp”.
Công nhân đang xử lý rác trong nhà máy thu gom xử lý rác thải. Ảnh: Ngọc Thu |
Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Môi trường ViWaSeen Phương Hướng gồm 22 công nhân do anh trực tiếp tuyển. Những công nhân ở đây là người dân tộc thiểu số của địa phương, đời sống nghèo khổ. Khi tuyển nhân công, anh An đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ tiền ăn, trả lương 3,6 triệu đồng/tháng, được đóng BHXH, BHYT. Anh vừa dạy nghề, vừa tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường cho công nhân, để công nhân về tuyên truyền lại cho thôn làng mình.
Anh Rlanh Yên-công nhân Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Môi trường ViWaSeen Phương Hướng chia sẻ: Tôi được vào làm trong Công ty, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nếu không có gạo ăn thì được Công ty hỗ trợ thêm. Con cái được đi học đầy đủ. Bây giờ tôi biết tác hại và cách xử lý các loại rác thải, về nhà, tôi sẽ nói với vợ con và bà con trong làng biết giữ gìn vệ sinh, đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Không chỉ dừng lại ở các xã tại huyện Chư Sê, anh An còn liên hệ với huyện lân cận chưa có nhà máy thu gom xử lý rác thải, như Chư Pưh, Phú Thiện... để mở rộng thêm địa điểm thu gom rác.
Đây là mô hình xã hội hóa, thu hút thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào việc thu gom, xử lý, chế biến rác sinh hoạt đã được thực hiện thành công tại nhiều địa phương trong nước. Dự án nằm trong danh mục các hoạt động bảo vệ môi trường được đặc biệt ưu đãi và hỗ trợ theo Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14-1-2009 của Chính phủ nên được miễn giảm tiền thuê đất, sử dụng đất, được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu theo quy định hiện hành của Nhà nước… Tuy nhiên, với tỉnh ta mô hình này mới bắt đầu được thực hiện nên rất cần sự quan tâm từ các cấp chính quyền, ngành chức năng để mô hình trên sớm thành công theo chủ trương khai thác các nguồn lực trong công tác xử lý rác thải ở nông thôn, sử dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững.
Ngọc Thu