"Trí thức hóa nông dân" - làm được không ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có lẽ, đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm qua, chúng ta có một vị bộ trưởng Bộ NN&PTNT chính thức bàn công khai một đề tài vừa sâu sắc vừa quá khó so với thực tiễn hiện nay.  Đó là vấn đề làm thế nào để “trí thức hóa nông dân” .

Ngày xưa chúng ta đã có một tầng lớp tinh hoa trong nông nghiệp, những người nông dân tự học, tự suy nghĩ, tự thực hành trong nông nghiệp để trở thành những “lão nông tri điền”. Có thể những kiến thức về nông nghiệp thời xưa còn đơn giản, nhưng hàm lượng kinh nghiệm, hàm lượng thực tế trong những kiến thức tưởng chừng đơn giản ấy lại không hề đơn giản. Nhiều khi, người ta phải tích lũy, suy ngẫm, chắt lọc cả một đời, cả nhiều đời làm ruộng mới có được.

“Trông trời trông đất trông mây/Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm ” - đó là kinh nghiệm, nhưng đó cũng là kiến thức, nhiều khi là kiến thức siêu việt. Như những người đi biển đánh cá thuộc hàng “xịn” biết nhìn vào biển mà đoán luồng cá, biết nhìn sao trời mà tính hướng đi không bao giờ sai lạc. Kiến thức về chân ruộng cũng là kiến thức vô tận, nhiều khi bất ngờ tới mức một nhà nông học phải kinh ngạc.

Nhưng bao nhiêu năm nay, nhất là từ sau năm 1975 tới bây giờ, những “lão nông tri điền” ngày càng thưa vắng trên đồng ruộng, trong ao cá, trong chuồng trại nuôi gia súc, trên các mảnh vườn với đủ loại cây trái… Đó là điều vô cùng đáng tiếc, vì những “lão nông tri điền” ấy phát xuất từ chính ruộng đồng ao chuôm mà ra, chứ không phải từ lý thuyết sách vở.

Bây giờ rất cần những người trẻ có kiến thức về nông nghiệp, nhưng chỉ kiến thức sách vở không thì chưa đủ. Nhiều khi, lại nhớ những ông già nông dân biết yêu thương cây trái, biết gắn bó ruộng đồng, biết tính toán những điều tưởng chừng đơn giản mà vô cùng hữu ích. Những “lão nông tri điền” ngày xưa ấy bây giờ đâu ? Phải nói, họ đã qua đời, và hiện còn lại rất thưa thớt những người như thế.

Dù bây giờ đã có không ít phương tiện công nghệ thay con người “trông trời trông đất” rất chính xác, nhưng với ruộng đồng, với cây lúa thì công nghệ đơn thuần là không đủ, mà vẫn rất cần tình yêu thương, sự thấu cảm với đất đai, với giống má, với thời tiết, cần tâm hồn của người nông dân gắn bó với ruộng đồng.

“Trí thức nông dân” phải bắt đầu từ tình cảm, từ cảm xúc, từ tình yêu với nghề nông, không thể khác. Nhưng bao lâu nay, chúng ta hãy nhìn vào các trường đại học và cao đẳng nông nghiệp mà xem, số thí sinh đăng ký vào thi vào học hàng năm là bao nhiêu ? Nếu nước ta cơ bản là một quốc gia nông nghiệp, thì số lượng những sinh viên, những chuyên viên am hiểu nông nghiệp hàng năm về lại ruộng đồng có ít quá không ? Thậm chí, bây giờ, nhiều nơi nông dân trả ruộng vì canh tác chỉ thua lỗ, nhiều người mỗi khi nhìn vào đất ruộng chỉ thấy hiện lên những “khu dân cư”, những cơ hội để mua bán đất nền, những cách kiếm tiền không thương tiếc trên chính đồng ruộng ông cha mình ngày xưa.

Những suy nghĩ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan là rất sâu sắc, những ý tưởng của ông rất sáng rõ, nhưng làm sao để biến những điều đó thành hiện thực thì có lẽ phải cần một thời gian không hề ngắn.

“Tôi rất ấn tượng với một đúc kết rằng, mọi sự hỗ trợ đều là vô nghĩa nếu người nông dân không thay đổi. Mọi sự hỗ trợ phải bắt đầu từ hỗ trợ, khuyến khích người nông dân thay đổi, trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ tích cực với cuộc sống, cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ.” (Lê Minh Hoan). Đúng là như thế. Nhưng làm sao để có được những điều ấy ?

Khi những thế hệ các “lão nông tri điền” cùng những kinh nghiệm “chân ruộng” đã ra đi, thì bây giờ, nếu muốn “trí thức hóa nông dân” thì không thể làm đồng loạt ngay được, mà rất cần có những “nhà nông học của làng”. Trong thời đại 4.0 này, thì thành phần “nông học” ấy hầu hết là những người còn trẻ, những “thanh nông tri điền”. Bởi, những người trẻ có học, có chí lập nghiệp với nông thôn và nông nghiệp, thì hầu hết là những người muốn đưa kỹ thuật nông nghiệp mới, công nghệ nông nghiệp phù hợp về với làng quê, với bà con nông dân mình. Tự họ làm trước, khi thành công, họ sẽ là những người dẫn dắt bà con nông dân làng quê mình làm theo. Với nông dân, bây giờ cũng vậy thôi, thì “trăm nghe không bằng một thấy”, họ phải thấy có người làm “nông nghiệp mới”, là “nông nghiệp Xanh Sạch” mà thành công, mà có sản phẩm đạt chất lượng không chỉ vào được các siêu thị trong nước, mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là xuất khẩu tới những thị trường khó tính trên thế giới, thì mỗi lời nói, mỗi sự dẫn dắt, mỗi “kinh nghiệp làm ruộng” của những “thanh nông tri điền” ấy có sức thu hút và thuyết phục rất lớn với nông dân trong làng xã, trong bà con dòng họ mình.

Ngày còn làm bí thư tỉnh uỷ Đồng Tháp, chính ông Lê Minh Hoan đã chủ trương thành lập một tổ chức giản dị gọi là “Hội quán” để bà con nông dân trao đổi kinh nghiệp làm nông, giúp nhau làm nông đạt hiệu quả cao. Những người đứng đầu những “Hội quán” ấy, hầu hết đều là những nông dân đã thành công khi trồng lúa, trồng cây ăn quả hay trồng hoa kiểng, nuôi hải sản hay gia súc trong làng, trong đó nổi lên những người trẻ có học, có chí làm giàu từ nông nghiệp, và có khả năng tiếp thu và đưa công nghệ nông nghiệp mới về làng xã mình.

Những “Hội quán” bây giờ có khác với những “Tổ vần công” ngày trước ở miền Nam, nhưng lại giống nhau đều là những tập hợp nông dân giúp nhau làm ăn. Hồi trước là vần công, đổi công, bây giờ là trao đổi kinh nghiệm, phổ biến những “bí quyết” làm nông nghiệp, nó nghiêng hẳn về phía “trí thức”, phía đầu óc, phía kỹ năng kỹ thuật. Đó là một bước phát triển mới, vẫn là giúp nhau làm nông nghiệp, nhưng cách thế giúp nhau đã “tân tiến” hơn, phù hợp hơn với thời đại nông nghiệp công nghệ cao.

Khi nào chúng ta có được những “hạt nhân trí tuệ nông nghiệp” như thế ở mỗi làng xã, chúng ta sẽ tạo được thu hút bà con nông dân ở những nơi đó, và ước mơ “trí thức hóa nông dân” sẽ có cơ hội thành hiện thực. Việc này chỉ có “nông dân công nghệ cao” truyền đạt tri thức kỹ năng cho “nông dân truyền thống” để thành phần đông đảo này tham gia làm nông nghiệp theo kiểu mới, dù là làm chủ trên ruộng mình hay ruộng cùng nhau góp lại, dù là làm thuê cho các “thanh nông tri điền” để thu nhận tri thức “làm ruộng công nghệ” hay khi đã “đủ lông đủ cánh” thì tự mình làm chủ, tất cả đều là tự nguyện, không có bất cứ hình thức ép buộc nào.

Phải có những “nhà nông học của làng” như thế để làm những điểm sáng thu hút làm nông nghiệp thành công, nông nghiệp Xanh Sạch, nông nghiệp chất lượng cao. Tri thức luôn được lan tỏa một cách hợp lý, tự nguyện như thế, thấy người làm được mình làm theo, rồi mình thủ đắc được “tri thức nông nghiệp”.

Bây giờ còn có internet, có google để tìm hiểu mọi kiến thức về nông học, cứ lên mạng là có thầy chỉ dạy rồi. Từ đó trở thành “trí thức nông dân” chứ đâu! Khi nông dân mình “cái gì chưa biết thì tra gúc gồ”, là đã bắt đầu tiếp thu tri thức thời công nghệ mới rồi đấy!

Theo THANH THẢO (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Thời điểm cuối năm, ô nhiễm bụi đang ở mức cao, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (IQAir) ở mức kém, xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cần chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao

(GLO)- Theo chương trình, tuần này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Bên cạnh nguồn vốn, công việc cần được tiến hành song song là chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành công trình với số lượng dự kiến có thể hơn 14 ngàn người.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Cơ hội tinh giản thủ tục đầu tư

Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ GTVT đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (ĐSTĐC) với đề xuất “19 chính sách đặc thù, đặc biệt và giải pháp áp dụng cho dự án”.

Tinh gọn bộ máy

Tinh gọn bộ máy

Lý do chia tách địa giới hành chính trước đây thường xuất phát từ yêu cầu quản lý và phục vụ hành chính, chủ yếu vì diện tích rộng, khoảng cách từ nhà dân đến nơi cung cấp dịch vụ công như công sở, bệnh viện, trường học quá xa.