Trị tận gốc căn bệnh sợ trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ. Muốn cho Đảng được vững bền, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đến thắng lợi phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, diệt trừ tận gốc căn bệnh cá nhân chủ nghĩa là vấn đề không đơn giản bởi lẽ căn bệnh này rất dễ nhiễm, dễ lây lan và khó chữa trị, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Do đó cần quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi cá nhân trong xã hội.

Bệnh sợ trách nhiệm là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, có nguồn gốc từ chính chủ nghĩa cá nhân. Thực chất của căn bệnh này chính là sợ bị liên lụy, sợ bị quy trách nhiệm, sợ bị ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân. Những người mắc căn bệnh này đã “để chủ nghĩa cá nhân chớm nở”, “họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng”(1).

Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, làm việc cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn; rụt rè, do dự khi giải quyết công việc, không quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình.

Vì sợ bị liên lụy, sợ bị gánh trách nhiệm, sợ bị ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân nên những cán bộ mắc căn bệnh này sẽ tìm đủ mọi cách, viện đủ mọi lý do hợp lý nhất để né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác trách nhiệm cho người khác. Cũng vì sợ trách nhiệm nên thậm chí nhiều cán bộ còn có suy nghĩ làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm không sai; hoặc, thà không làm và bị phê bình do không nhiệt tình, không có trách nhiệm với công việc còn hơn làm rồi bị gánh trách nhiệm, bị kỷ luật, xét xử, mất cả địa vị và lợi ích, cho nên chọn giải pháp an toàn là không làm, không đề xuất, không quyết, hoặc “đá bóng”, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, bộ phận khác, cơ quan khác,...

Công nhân thi công trên công trường. Ảnh: Thành Đạt

Công nhân thi công trên công trường. Ảnh: Thành Đạt

Điều đáng lo ngại là căn bệnh sợ trách nhiệm đang có chiều hướng diễn ra khá phổ biến và ngày càng gia tăng trong đội ngũ cán bộ, lan rộng ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trên phạm vi cả nước, khiến nhiều công việc bị trì trệ, ách tắc, nhiều nguồn lực của đất nước không được phát huy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, kìm hãm tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Ở nhiều nơi, tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết, đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các bộ phận khiến nhiều công việc bị đình trệ, người dân và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hàng loạt các dự án, công trình đầu tư bị kéo dài tiến độ hoặc bị ngưng trệ chỉ vì chậm được duyệt, cấp phép. Trong lĩnh vực đầu tư công, nhiều công trình trọng điểm bị chậm tiến độ, tốc độ giải ngân tại một số địa phương, bộ, ngành rất thấp...

Cũng do cán bộ sợ trách nhiệm, chần chừ, né tránh, không quyết, không làm nên dẫn tới tình trạng tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương, ngành, lĩnh vực, kể cả những nơi được đánh giá là có thế mạnh, mũi nhọn kinh tế gần như đứng im, thậm chí âm trong quý I/2023 trong khi các nguồn lực, tiềm lực phát triển kinh tế của đất nước hiện còn rất lớn.

Đơn cử như trong lĩnh vực y tế, do sợ trách nhiệm, sợ làm sai, sợ bị kỷ luật nên nhiều tỉnh, thành phố, địa phương, cơ sở y tế đã không dám đấu thầu, đấu giá mua sắm thiết bị máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc, dẫn đến tình trạng rất nhiều cơ sở y tế, bệnh viện, kể cả ở những bệnh viện lớn tuyến đầu bị thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị khám chữa bệnh, nhiều bệnh nhân nặng phải chờ chực dài ngày để được phẫu thuật, chữa bệnh.

Có thể thấy căn bệnh sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ hiện nay đã ở mức đáng báo động, nguy cơ gây nên những hệ lụy rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, kìm hãm tiến trình phát triển đất nước mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, tâm tư, tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Nhận thấy được tính chất nghiêm trọng và mức độ nguy hại của sự gia tăng căn bệnh sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định nhằm chỉ đạo xử lý mạnh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, nhanh chóng đẩy lùi, khắc phục căn bệnh sợ trách nhiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của công cuộc phát triển đất nước.

Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó yêu cầu rõ, phải kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong xử lý công việc, không dám làm, không dám tham mưu, đề xuất, không dám chịu trách nhiệm ở các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, đồng thời tăng cường khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, chủ động sáng tạo vì lợi ích chung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhằm đẩy lùi căn bệnh sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý, giải quyết công việc.

Ngày 10/5/2023, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải tập trung rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Nhờ những chỉ đạo tích cực, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đến nay hầu khắp các tỉnh, thành phố, địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trong cả nước đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi giải quyết công việc, bước đầu đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, đặc biệt là đã có những kết quả mới trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, trong đó có những lãnh đạo cấp cao đã xin từ chức và được Đảng xem xét cho từ chức vì lý do trách nhiệm, nhiều cán bộ đã dần thoát khỏi tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm,... khi thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp” gây nhiều hệ lụy xấu. Do đó vẫn cần thiết phải tiếp tục tăng cường tập trung chấn chỉnh, khắc phục nhanh tình trạng này, cho dù để làm được điều đó không phải là việc dễ dàng, đòi hỏi không chỉ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước mà cả sự đồng lòng, quyết tâm hợp sức của cả hệ thống chính trị, của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và nhân dân.

Để chữa trị tận gốc căn bệnh sợ trách nhiệm nhất thiết phải hướng vào căn nguyên, nguồn gốc của chính nó là chủ nghĩa cá nhân, tăng cường phê phán, đấu tranh, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, tiêu diệt triệt để tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, phụ trách những lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều cám dỗ vật chất,…

Muốn vậy, ngoài việc phải đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, nhân cách, đạo đức cách mạng liêm chính, chí công vô tư,… của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; đổi mới chế độ chính sách lương thưởng, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức để họ không cần, không muốn phải tham ô, tham nhũng, trục lợi, tư lợi;... thì rất cần thiết phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định rõ chức trách, nhiệm vụ, yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ, công chức tùy theo vị trí công tác và chức vụ đảm nhiệm, đồng thời có chế tài cụ thể, rõ hơn để xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ có những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, luôn đặt lợi ích của bản thân lên trên, lên trước lợi ích của tập thể, cộng đồng, quốc gia; vì lợi riêng mà né tránh trách nhiệm, không tích cực thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, bê trễ công việc, đùn đẩy trách nhiệm,...

Phải quán triệt tinh thần cán bộ càng nắm giữ chức vụ cao càng phải nghiêm khắc, càng đòi hỏi trách nhiệm cao, càng phải nêu gương về sự chủ động tích cực gánh vác trách nhiệm, dám nghĩ dám làm, phát huy cao nhất năng lực, tính sáng tạo, nhiệt huyết vì công việc chung, vì lợi ích và mục tiêu chung của dân tộc...

Tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý mạnh tay hơn, thậm chí cho thôi chức vụ, điều chuyển, thay thế đối với những trường hợp cán bộ cố tình né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, không hoàn thành trách nhiệm được giao theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư: Ai không làm được, không dám làm thì đứng sang một bên để người khác làm. Bên cạnh đó, cũng cần tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật... để triển khai một cách hiệu quả chủ trương bảo vệ cán bộ năng động, chủ động, tích cực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm... nhằm loại bỏ triệt để tâm lý e ngại, sợ sai, sợ vi phạm quy định, sợ bị kỷ luật mà không dám làm, không dám quyết trong đội ngũ cán bộ. Có như vậy mới góp phần tích cực khai thông được các điểm nghẽn, ách tắc, trì trệ trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hiện nay ở nước ta, tăng cường niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp, tạo thêm nhiều điểm sáng mới trong tiến trình phát triển đất nước theo những mục tiêu tốt đẹp mà chúng ta đã đặt ra.

Tiến sĩ HOÀNG THỊ KIM OANH

________________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H,2011, tập 11, tr.605.

Có thể bạn quan tâm

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

'Cách mạng số' từ dân, vì dân

Từ một thôn nghèo, người dân Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (H.Đồng Văn, Hà Giang) đã biết áp dụng mô hình kinh doanh homestay và đặc biệt là sử dụng các nền tảng số như Agoda, Booking và Facebook để quảng bá, thu hút hàng chục nghìn du khách trong nước và quốc tế.

Tính mạng con người là trên hết

Tính mạng con người là trên hết

Can dự vào sức khỏe của ai đó là điều mà những người có lương tri tối thiểu đều hết sức cân nhắc và thận trọng về trách nhiệm đạo đức cũng như trách nhiệm pháp lý. Vậy cớ sao lại cứ để tình trạng cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không phép và vận hành sai quy định?

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.