(GLO)- Khi biết chúng tôi có ý định về làng Nú, anh Puih Dinh-Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Khai (huyện Ia Grai), sốt sắng: “Đường về làng Nú ô tô chạy vô tư”. Cái sự vô tư trong câu nói của anh như ngầm truyền sang cho tôi thông điệp về sự cởi mở, phấn khởi, pha chút tự hào. Từ trung tâm xã băng qua làng văn hóa Tung Chúc là đến địa phận làng Nú.
Bến sông làng Nú. Ảnh: Duy Danh |
Nhìn từ xa, ngôi làng mướt một màu xanh của những tán điều sum suê. Dưới cái màu xanh êm đềm ấy là những nếp nhà xây mà tường nhà cũng một màu xanh da trời. Hôm nay rỗi việc đồng áng nên Trưởng thôn Rơ Lan Hươn ở nhà xem ti vi. “Thấy mấy anh mang máy ảnh lỉnh kỉnh là mình biết có chuyện liên quan đến A Sanh”-Rơ Lan Hươn đón chúng tôi bằng một câu nói vui. Rơ Lan Hươn cho biết mỗi năm làng Nú đón không dưới chục đoàn khách, phần lớn là nhà báo và văn nghệ sĩ. Hầu hết đều nghe cái tiếng A Sanh mà đến. Làng Nú được nhiều người biết đến là nhờ A Sanh.
Dường như quá quen với công việc của cánh nhà báo, Rơ Lan Hươn với lấy chiếc mũ treo trên tường và bảo: “Mưa, đường ra bến sông hơi khó, đi bộ thôi”. Cái bến sông mà Rơ Lan Hươn nhắc đến vốn trước đây là nơi A Sanh chèo hàng ngàn lượt đò qua lại đưa bộ đội vượt sông Pô Cô đánh Mỹ. Đường từ làng ra bến chỉ khoảng một cây số nhưng rất trơn trượt và uốn lượn qua những vườn điều, mì. Trong câu chuyện lúc nhặt lúc thưa với Rơ Lan Hươn, chúng tôi được biết làng Nú là nơi sinh ra và gắn bó với cuộc đời của A Sanh trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, dân làng đã chế tác ra loại thuyền độc mộc nổi tiếng. Và một trong những người con ưu tú nhất làng không chỉ biết làm thuyền độc mộc mà còn sử dụng nó như một phương tiện giao thông hữu hiệu nhất để đưa bộ đội qua sông. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, theo phong tục của người Jrai, A Sanh không ở làng Nú nữa mà về sống phía bên vợ...
Khu vực bến sông làng Nú hôm nay khá tấp nập. Những chiếc thuyền độc mộc thời A Sanh vắng dần, thay vào đó là thuyền máy bằng gỗ có thể chở một lúc vài chục người. Phụ trách việc đưa đón khách sang sông là một thanh niên người Quảng Bình làm rể làng Nú. Bình quân mỗi ngày có khoảng 50 người qua lại bến đò này, chủ yếu là công nhân trồng cao su bên đất Sa Thầy (Kon Tum). Khu vực trồng cao su là vùng rẻo của tỉnh Kon Tum nên người ta kéo một đường dây điện dã chiến để đưa điện từ làng Nú sang. Từ ngày có dự án trồng cao su bên huyện Sa Thầy, một số thanh niên làng Nú có thêm việc làm và thu nhập.
Trở lại với điều kiện kinh tế-xã hội của làng Nú, Trưởng thôn Rơ Lan Hươn cho biết: Làng có 70 hộ, với 342 khẩu. Trước đây, dân làng định cư trên những khu đất thấp ven sông. Khi chặn dòng thủy điện Sê San 4, làng được bố trí tái định cư tại vị trí hiện nay. Để ổn định cuộc sống cho dân, Ban Quản lý dự án thủy điện Sê San 4 đã đầu tư xây dựng 62 ngôi nhà tái định cư. Mỗi ngôi nhà có diện tích 60 m2, với hệ thống công trình phụ khép kín. Ngoài ra, dự án còn đầu tư xây dựng nhà rông và một số phòng học. Điểm trường làng Nú tổ chức dạy học từ bậc mầm non đến lớp 4. Cuộc sống của dân làng chủ yếu dựa vào việc canh tác cây điều và một ít diện tích mì. “Cả làng còn 10 hộ nghèo và cận nghèo. Chi bộ đưa ra nghị quyết xóa hộ nghèo nhưng xem ra hơi khó thực hiện vì thiếu đất sản xuất. Chúng tôi đang vận động bà con phát triển mô hình chăn nuôi để cải thiện đời sống”-Trưởng thôn Rơ Lan Hươn chia sẻ.
Trao đổi với một số người dân, chúng tôi còn nhận được những lời đề nghị rất thiết thực. Đó là cần xây thêm một số phòng học vì làng vẫn còn lớp ghép. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư xây dựng công trình nước sạch. Hiện tại, dân làng chủ yếu lấy nước sinh hoạt từ các giếng tự đào, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Cùng với đó là cần đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng làm nơi sinh hoạt, hội họp...
Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Khai-Puih Dinh, những kiến nghị của làng Nú rất đáng được quan tâm. Anh khẳng định: “Tuy đời sống còn khó khăn nhưng tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Đặc biệt, người dân xã Ia Khai nói chung, làng Nú nói riêng vẫn luôn tự hào là quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Sanh”.
Duy Danh