(GLO)- Ngoảnh lại mới đó mà đã 38 năm kể từ ngày nước nhà độc lập, thống nhất. Trên đôi cánh thời gian, Gia Lai đã có nhiều đổi thay, chuyển biến. Từ những căn cứ quân sự, đồn bót, hạ tầng hầu như chẳng có gì, kinh tế yếu kém, sau giải phóng, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã mất nhiều thời gian, tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, bảo vệ an ninh chính trị-trật tự xã hội, xây dựng cuộc sống mới.
Trong hành trình đầy thử thách nhưng vẻ vang, dưới ánh sáng các Nghị quyết của Đảng, Gia Lai đã không ngừng lớn mạnh. Theo các nhà chuyên môn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm ở mức khá cao, giai đoạn 1976-1990 bình quân hàng năm tăng 3,5%, giai đoạn từ năm 1991 đến nay bình quân hàng năm tăng trên 11%, quy mô nền kinh tế gấp 35 lần so với năm 1975, GDP bình quân đầu người đến năm 2012 đạt 26,08 triệu đồng/năm, gấp hàng chục lần so với năm 1991, thu ngân sách năm 2012 đạt trên 3.500 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung đầu tư, bộ mặt thành thị và nông thôn đổi thay tích cực.
Đặc biệt làn gió đổi mới đã có tác dụng kích thích các thành phần xã hội tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương. Tuy nhiên phải tới thập niên 90 của thế kỷ trước, sức sản xuất xã hội mới được giải phóng nhiều mặt, bức tranh KT Gia Lai mới sôi động và mới mẻ.
Là tỉnh miền núi nên nông-lâm nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Rừng và đất rừng đã được khai thác và bảo vệ hợp lý, tận dụng tối đa thế mạnh gắn với làm giàu tài nguyên vốn rừng. Trải theo thời gian, Gia Lai đã tiến đến xây dựng và định hình khá vững chắc nền nông nghiệp hàng hóa phát triển dựa trên cơ sở quy hoạch khoa học, hợp lý, cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xác định tập đoàn cây trồng chủ lực cho từng vùng gắn với các cơ sở chế biến và tiêu thụ: phía Đông và Đông Nam tỉnh là cây lúa, mía, bắp, điều, cây thực phẩm và cây ăn quả; phía Tây là cây cao su, cà phê, chè, hồ tiêu...
Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê, cà phê, cao su có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đặc biệt, chính sách đúng đắn dành cho nông nghiệp và nông thôn đã có tác dụng tích cực trong việc kích thích sản xuất, xóa đói gi ảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiềm năng đất đai được khai thác, đầu tư phương tiện sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, nhiều gia đình, nhiều địa phương đã đổi đời đi lên.
Đến cuối năm 2012, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 8.197 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2011, tổng diện tích gieo trồng trên 484.600 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 552.448 tấn. Giờ đây, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tiếp cận với sản xuất cây hàng hóa cho thu nhập cao, góp phần cải thiện cuộc sống.
Chính những chính sách mới mẻ, cách làm hiệu quả mà nhiều vùng quê, vùng biên giới cũng lột xác, không còn phải thường xuyên cứu đói mùa giáp hạt.
Tương tự, ngành công nghiệp-xây dựng (CN-XD) cũng đã tiến xa trên con đường phát triển. Sau năm 1975, ngành CN-XD của tỉnh hầu như chẳng có gì.
Dưới thời bao cấp, một số cơ sở CN-XD ra đời nhưng quy mô, chức năng hoạt động không đáng kể, khả năng tự chủ, linh hoạt và cạnh tranh không được tính đến. Sau 38 năm, từ tỷ trọng 15,6%, ngành CN-XD tỉnh nhà đã chiếm một vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với tỷ trọng 32,12%. Giá trị sản xuất CN trên địa bàn năm 2012 đạt 6.813 tỷ đồng, tăng 16,7%. Từ chỗ không có một cơ sở sản xuất CN tập trung nào đến nay tỉnh đã xây dựng khá đầy đủ bản đồ quy hoạch khu-cụm CN.
Khu CN Trà Đa hiện có 39 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 1.225 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 1.195 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 137 triệu USD, nộp ngân sách 58,5 tỷ đồng, giải quyết 1.617 lao động. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động ở các khu CN, công tác khuyến công hỗ trợ đào tạo nghề, trình diễn kỹ thuật, thi công cơ sở hạ tầng đã có nhiều chuyển biến. Thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, khai thác các nguồn lực từ trong xã hội, nên hoạt động đầu tư phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả.
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh làm ăn gắn bó với địa phương và cả mở rộng ra khu vực. Đến từ các địa phương khác có Vinatex, Co.op Mart, VK Highland, Long Sơn... các nhà đầu tư ở địa phương tiêu biểu có HAGL, ĐLGL, Quang Đức, Quốc Cường...
Toàn tỉnh có 3.895 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 18.521 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đến cuối năm 2012 gần 10.350 tỷ đồng, tăng 11,9%.
Công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị được đẩy mạnh. Từ chỗ nhỏ bé, manh mún sau gần 40 năm, ngành CN-XD của tỉnh đã tiến một bước rất dài. Quy mô và hiệu quả mang lại từ các công trình đã trở thành biểu tượng của đất nước và địa phương như thủy lợi Ayun Hạ, thủy điện Ia Ly, Sê San và hàng trăm, hàng ngàn công trình xây dựng lớn nhỏ khác.
Năm 1976, tỷ trọng kinh tế dịch vụ của tỉnh chỉ ở mức 13%. Hòa cùng công cuộc đổi mới, cùng với cả nước, hoạt động các ngành dịch vụ của tỉnh phát triển vượt bậc, một số ngành “đi tắt đón đầu” và đã thành công ngoài mong đợi như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm. Năm 2012, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 21.151 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Từ chỗ chưa hề diễn ra hoạt động xuất khẩu, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã trở thành một chỉ tiêu quan trọng, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu đạt 380 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực: cà phê, mủ cao su, gỗ tinh chế, mì lát... Việc cung ứng các mặt hàng chính sách được triển khai đúng tiến độ, cấp phát đúng đối tượng... Giao thông vận tải phát triển mạnh, sân bay Pleiku được đầu tư nâng cấp, tần suất 7 chuyến bay/tuần, doanh thu vận tải năm 2012 ước đạt 1.858 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2011.
Rõ ràng sự phát triển và thành quả đạt được sau chặng đường 38 năm sẽ tạo thêm động lực và sức mạnh để nhân dân các dân tộc tỉnh nhà tiếp tục viết thêm trang sử thành công.
Thất Sơn