Trẻ mồ côi trong đại dịch Covid-19 - Bài 4: "Siêu nhân Ken" và những cuộc chia tay đẫm nước mắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã có không ít đứa trẻ phải lủi thủi vào bệnh viện một mình vì cả nhà đều mắc Covid-19, bị xé lẻ đi điều trị ở nhiều nơi. Đã có không ít đứa trẻ khi bước chân ra khỏi bệnh viện bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi.

Bé Ken đón sinh nhật 9 tuổi tại Bệnh viện dã chiến số 4. Ảnh: BVCC
Bé Ken đón sinh nhật 9 tuổi tại Bệnh viện dã chiến số 4. Ảnh: BVCC
Vẫn còn đó những chiếc bánh kem mừng sinh nhật và chuyến xe thấm đẫm tình người cho những đứa trẻ thiệt thòi.
"Siêu nhân Ken" và hành trình hơn 30 ngày của bé Tỏi
Nửa tháng trước, trong một đêm mưa tầm tã, Bệnh viện dã chiến số 4 đã tiếp nhận cậu bé F0 9 tuổi tên Ken. Cậu bé khóc nức nở cùng cậu ruột bước vào căn phòng bệnh cũ kỹ lạ lẫm, vắng bóng mẹ cha, nơi được trưng dụng gấp rút từ chung cư cũ. Ít ai biết được rằng, mẹ Ken là giáo viên tại quận 8, vừa mất trước đó một ngày vì mắc Covid-19 chuyển nặng đột ngột. Ba Ken vừa tranh thủ lo hậu sự vừa chăm bà nội mắc Covid nguy kịch, đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Trưng Vương. Hai anh em Ken cùng cậu ruột được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Làm lại các xét nghiệm, Ken dương tính nhưng em của Ken lại âm tính. Ken có kết quả dương tính, không có triệu chứng nặng nên đã được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 4 cùng cậu ruột để tiếp tục điều trị. Em trai Ken có kết quả âm tính được đi về cách ly tại nhà để được chăm sóc tốt hơn.
Nửa tháng ở Bệnh viện dã chiến số 4, Ken dần thích nghi với chỗ ở mới, xét nghiệm đã hai lần âm tính và đang được theo dõi sức khỏe những bước cuối cùng để đạt tiêu chuẩn an toàn xuất viện. Bất ngờ hơn, Ken đã được đón sinh nhật tuổi lên 9 của mình ngay tại Bệnh viện dã chiến số 4.
Các bác sĩ đã chuẩn bị đủ bánh kem, mũ giấy, quà sinh nhật cho bé để Ken không cảm thấy tủi thân khi đón tuổi mới không có ba mẹ, em trai bên cạnh.
Chia sẻ trên trang cá nhân, BS Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Nhiễm – hồi sức tích cực viết: "Khó khăn sẽ không mất đi! Khó khăn luôn luôn có! Và khó khăn sẽ là bài kiểm tra tốt nhất cho chúng ta tương thân tương ái nhau những lúc khốn đốn nhất, sẻ chia nhau những tấm lòng chân thành nhất. Mỗi người góp chút, cảm ơn món quà của sếp, cách chuẩn bị chu toàn của chị Nghi, cách chia sẻ ấm lòng của anh chủ shop bánh, đặc biệt cảm ơn sự nhiệt tình kết nối và cái cách cúi mình trao quà ngang hàng, thân tình cho Ken từ mấy đứa em mình trong khu cách ly: BS Đức Mạnh, điều dưỡng Châu… Tất cả làm cho chuyến đi ship bánh kem của mình trở nên ấm áp và ý nghĩa hơn hẳn vì đằng sau những chiếc mặt nạ ngột ngạt những ngày này, vẫn còn đó những nụ cười, bộ mặt thật tự nhiên chung tay làm những điều tử tế cho đời".
Cũng kiên cường chiến đấu với bệnh tật là hành trình hơn 30 ngày của bé Tỏi (4 tháng tuổi) cùng mẹ Hà tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Chị Hà cho biết, 5 thành viên trong gia đình lần lượt dương tính. Bệnh chuyển biến quá nhanh, mỗi người được điều trị tại một nơi, riêng Tỏi vì còn quá bé nên được điều trị cùng mẹ tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
"Mọi thứ đến quá nhanh, quá khủng khiếp. Cả nhà chưa định hình được chuyện gì đang xảy ra, hàng ngày nghe tin tức mình cũng lo sợ, nhưng không ngờ lại rơi trúng vào nhà mình", người phụ nữ nhớ lại.
Nửa đêm, 2 mẹ con bé Tỏi được đưa đến bệnh viện, được sắp xếp ở biệt lập trong phòng cách ly áp lực âm để theo dõi. Nhìn vẻ mặt có phần hốt hoảng của người mẹ trẻ, vị bác sĩ phụ trách ân cần giải thích về quá trình điều trị, cũng như an ủi hai mẹ con cùng nhau vượt qua giai đoạn cam go này.
10 ngày đầu là giai đoạn khó khăn nhất của 2 mẹ con, khi các triệu chứng của bệnh bắt đầu hoành hành. Sức khỏe mỗi lúc một yếu, nhưng chị luôn tự dặn mình phải vững chãi để chăm sóc cho Tỏi. Một mình chị xoay xở đo chỉ số, dọn vệ sinh, giặt rửa, vừa lo cho bản thân vừa lo cho con nhỏ. May mắn có các y, bác sĩ luôn quan tâm giúp hai mẹ con vơi bớt cô đơn.
Mỗi lần bé Tỏi phải lấy máu xét nghiệm, trái tim người mẹ như thắt lại vì Covid-19 khiến máu bé đông đặc, phải rút nhiều lần, y tá phải bóp để máu của bé chảy ra.
Điều may mắn là Tỏi dương tính nhưng chỉ viêm phổi nhẹ nên được điều trị kháng sinh. Vài ngày sau, chị Hà sốt cao liên tục, nằm mê man và bắt đầu mất khứu giác, vị giác. Trước khi bệnh chuyển biến phức tạp, các bác sĩ dự định chuyển người mẹ đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và nhờ người khác chăm sóc Tỏi.
Nhưng khó một điều là tất cả các thành viên trong gia đình đều đã dương tính và đang được điều trị. Các bác sĩ đành chọn phương án tiếp tục giữ người mẹ ở lại và phối hợp điều trị với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Chị Hà tâm sự: "Lúc đó tôi mới thấy căn bệnh này nó nguy hiểm không chỉ vì nó lây lan rất nhanh, mà còn có những diễn biến bất ngờ, dù tôi và chồng đều khỏe mạnh trước đó".
Ngày thứ 33 ở bệnh viện, bác sĩ thông báo tin vui hai mẹ con đã âm tính. Hơn một tháng trời điều trị, cuối cùng Tỏi và mẹ đã được trở về nhà. Cuộc chiến dũng cảm và kiên trì của hai mẹ con bé Tỏi đã chiến thắng rực rỡ.
Vui cho bản thân mình một, chị Hà vui cho con tận mười: "Hạnh phúc lắm! Cứ như từ cõi chết trở về".

Bé gái không nỡ xa ông ngoại tại Bệnh viện dã chiến số 4. Ảnh: BVCC
Bé gái không nỡ xa ông ngoại tại Bệnh viện dã chiến số 4. Ảnh: BVCC
Những cuộc chia tay đẫm nước mắt
Các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 4 không thể quên hình ảnh bé gái 7 tuổi vẫy tay mãi vẫn không nỡ xa ông ngoại. Mẹ bé mất do đột quỵ, bé ở với ông bà ngoại từ nhỏ, không biết mặt ba.
Ông bà bé bị dương tính. Bà mất sau vài ngày nhập viện. Hai ông cháu triệu chứng nhẹ hơn, được chuyển qua cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 4. Ông ngoại vẫn còn dương tính nhưng bé đã đủ tiêu chuẩn xuất viện.
Do ông bà ở trọ ở quận 8, nay ông còn tiếp tục điều trị ở bệnh viện dã chiến nên đành gửi bé về nhà người quen ở Long An. Trong buổi chiều được xuất viện, hai ông cháu đứng từ xa nhìn nhau, vẫy tay chào nhau mãi mà không ai chịu đi.
2 chị em L.N.K.N (13 tuổi học lớp 6) và L.Đ.H (5 tuổi) sống với ông nội và ba mẹ tại một căn hộ chung cư thuê tại quận 10 để ba mẹ tiện làm việc gần được 1 năm nay. Thảm cảnh sau khi vô tình cả nhà thành F0. Ba, mẹ hai bé liên tục trở nặng và mất cách nhau 1 ngày. Ba ngày sau ông nội mất, bà nội hai em đã mất từ lâu, chỉ còn 2 chị em lẻ loi được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 4.
Trước hoàn cảnh thương tâm của hai chị em bỗng chốc trở thành mồ côi, các y bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 4 đã liên hệ với bà ngoại hai bé ở Đồng Nai, hỏi thăm hoàn cảnh, an ủi và động viên bà ngoại đón 2 bé về sau chuỗi ngày điều trị ổn định và xét nghiệm PCR âm tính. Ông bà ngoại 2 bé tuy không dư dả nhưng vẫn dốc lòng đón cháu về chăm sóc, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.

Các y bác sĩ lo chu đáo cho hai chị em L.N.K.N trong ngày xuất viện. Ảnh: BVCC
Các y bác sĩ lo chu đáo cho hai chị em L.N.K.N trong ngày xuất viện. Ảnh: BVCC
Ngày hai bé ra viện, BS Ánh Dương cẩn thận kiểm tra từng bọc đồ, hướng dẫn bà ngoại cách chăm sóc các cháu và giữ an toàn cho người nhà. Các y bác sĩ không chỉ vận động từ các nhà hảo tâm đồ dùng, vật dụng cho hai bé mà còn liên hệ địa phương để được hỗ trợ.
"Đại dịch khiến các em có thể sẽ không nhớ mặt cha mẹ đã mất vì còn quá nhỏ khi Covid-19 xảy ra. Hay đau đớn hơn nữa khi vẫn đang nắm chặt những gì còn lại, một chiếc gối hoặc một bức ảnh, trong hành trình thích nghi với cuộc sống mới ở đó có dì, chú và anh chị em họ bước vào để lấp đầy khoảng trống. Mất mát quá lớn, quá sớm, nhưng may mắn hai chị em trở về vẹn toàn trong vòng tay thân yêu, rộng mở và bao dung hơn của những người thân còn sót lại", BS Ánh Dương tâm sự.
"Phải chứng kiến liên tục những nụ cười xộc xệch ngày ra viện, vì đằng sau đó là những băn khoăn bơ vơ khó gỡ còn vương vấn khắp mọi nơi, chúng tôi vẫn chưa an lòng dù đang từng giờ cố gắng hết sức, vì khắp nơi vẫn tồn tại hàng ngàn tiếng còi hụ da diết vang vọng, hàng vạn cuộc gọi kêu cứu mỗi ngày...", BS Vũ chia sẻ.
Theo Bạch Dương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.