(GLO)- Khi phong trào học tiếng Anh ở Gia Lai bắt đầu bão hòa thì cũng là lúc các ngoại ngữ khác như: Nhật, Hàn, Trung được nhiều người chú ý đến. Dù vẫn chưa rầm rộ, song tùy theo nhu cầu, ngày càng nhiều người trẻ ở Phố núi tìm học ngoại ngữ mới bằng nhiều cách khác nhau.
Trào lưu học tiếng Nhật
Hiện nay, con người, văn hóa Nhật Bản đang ngày càng có tầm ảnh hưởng đến một bộ phận người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Các bộ truyện tranh manga, hoạt hình anime, trà đạo, ẩm thực… của đất nước “Mặt trời mọc” càng ngày càng thu hút sự quan tâm, thích thú tìm hiểu của các bạn trẻ. Và cánh cửa ngôn ngữ sẽ mở ra các hướng tiếp cận, giúp phát hiện nhiều điều thú vị khác. Vì thế, dù được đánh giá là một trong 5 ngôn ngữ khó học nhất thế giới, tiếng Nhật vẫn đang trở thành trào lưu ngày càng phổ biến tại Gia Lai.
Chị Minh Viên (trái) , giáo viên tiếng Hàn, trò chuyện cùng học viên trong một giờ học. Ảnh: Đ.T |
Bạn Nguyễn Hoàng Phước (cựu học sinh Trường THPT Pleiku) cho biết, hiện bạn trẻ này khá tự tin với vốn tiếng Nhật của mình sau 2 năm theo học với một gia sư ở TP. Pleiku. Hoàng Phước vui vẻ chia sẻ: “Mình vốn rất yêu thích nền văn hóa của đất nước Nhật Bản, đặc biệt là kiếm đạo. Ước mơ của mình là được du học tại Nhật Bản. Vì thế mình quyết tâm học tiếng Nhật và bắt đầu đầu tư cho ngôn ngữ này từ 2 năm trước. Bây giờ thì điều ước sắp thành hiện thực rồi”. Theo Phước, học tiếng Nhật rất khó bởi ngôn ngữ này thuộc hệ Kanji (Hán tự). Thế nhưng, một khi đã hiểu được thì tiếng Nhật rất thú vị và đáng để học. “Mình cảm thấy quyết định học tiếng Nhật rất đúng đắn. Theo dự báo, những năm tới tiếng Nhật sẽ là ngôn ngữ phổ biến, chỉ xếp sau tiếng Anh”-Phước bày tỏ. Cũng bắt đầu theo học tiếng Nhật được một tuần, bạn Đinh Thị Kiều Trân (lớp 11, Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku) tâm sự: “So với tiếng Anh thì em cảm thấy tiếng Nhật khó hơn rất nhiều nhưng nếu chịu khó chú ý thì cũng dễ tiếp nhận. Em chọn học tiếng Nhật trước mắt là do sở thích muốn tìm hiểu một ngôn ngữ mới, xa hơn nữa là để thực hiện ước muốn một ngày được đến học tập tại đất nước “Hoa anh đào”.
Là một giáo viên tiếng Nhật khá “đắt show” tại TP. Pleiku, anh Hà Quốc Phong (đường Nguyễn Tất Thành) cho biết: Mỗi tuần, anh dạy khoảng 20 lớp tiếng Nhật thuộc mọi cấp độ khác nhau cho các trung tâm tư vấn du học, trung tâm phát triển tài năng cho đến dạy tại gia. Trung bình mỗi lớp có 5-10 học viên. Theo anh Phong, khoảng 3 năm trở lại đây, nhu cầu học tiếng Nhật trên địa bàn TP. Pleiku ngày càng tăng cao dù vẫn chưa nhiều giáo viên và trung tâm mở lớp giảng dạy. Những người tìm đến với tiếng Nhật cũng xuất phát từ các nhu cầu khác nhau như xuất khẩu lao động, yêu thích nền văn hóa, ẩm thực, truyện tranh, phục vụ sở thích đi du lịch hay đơn giản là muốn bổ sung, tìm hiểu một ngoại ngữ mới, làm giàu vốn ngôn ngữ cho bản thân... Dù vậy, anh Phong cũng chia sẻ, có nhiều người tìm đến học tiếng Nhật đã phải bỏ cuộc giữa chừng bởi quá khó. Vì vậy, để có thể thông thạo được ngoại ngữ này, người học phải thật sự chăm chỉ và kiên trì.
Hấp dẫn tiếng Hàn, tiếng Trung
Cách đây vài năm, tại Pleiku, trào lưu học tiếng Hàn xuất hiện trước tiếng Nhật và có phần lấn át hơn. Nhưng đối tượng theo học tiếng Hàn phần lớn xuất phát từ nhu cầu xuất khẩu lao động. Bây giờ, khi văn hóa Hàn Quốc ngày càng ồ ạt lan vào Việt Nam thì nhu cầu học tiếng Hàn cũng ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, số lượng giáo viên và lớp dạy môn ngoại ngữ này ở TP. Pleiku vẫn rất hạn chế, chỉ có một vài khóa học ngắn hạn do các Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh hay Công ty Tư vấn Xuất khẩu lao động tổ chức. Vì vậy, nhiều bạn trẻ quyết định tự học tiếng Hàn, trong đó có bạn Nguyễn Trần Hoàng Nhi (Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku) tự học tiếng Hàn được hơn một tháng thông qua kênh Youtube. Ban đầu Hoàng Nhi gặp khá nhiều khó khăn trong việc luyện phát âm, đặc biệt là khi ghép nguyên âm với phụ âm. Hoàng Nhi tâm sự: “Để khắc phục, em đã tự tìm hiểu, thường xuyên xem các bộ phim Hàn Quốc không có vietsub (lời dịch tiếng Việt) để học phát âm theo. Bây giờ em đã có thể phát âm chuẩn các từ khó, viết được những câu cơ bản và tự giới thiệu được bản thân bằng tiếng Hàn rồi. Em muốn mình tự học những điều căn bản trước, sau đó sẽ tìm đến thầy-cô giáo để từng bước nâng cao trình độ hơn nữa”. Hoàng Nhi cũng chia sẻ, em cố gắng tự học tiếng Hàn với mong muốn sau này sẽ được đến Hàn Quốc du học và được làm một công việc thích hợp ở đất nước Kim chi.
Chị Nguyễn Thị Minh Viên (giáo viên tiếng Hàn tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh) cho hay: “Nhu cầu học tiếng Hàn của người dân trên địa bàn Gia Lai ngày càng nhiều, đặc biệt là giới trẻ. Bản thân tôi cũng nhận được nhiều lời đề nghị của các phụ huynh mở lớp dạy kèm thêm tiếng Hàn cho con em của họ. Có nhiều gia đình đã định hướng cho con em du học ở Hàn Quốc nên đầu tư cho con học ngoại ngữ này ngay từ những năm THCS”.
Chưa phổ biến như tiếng Nhật, tiếng Hàn nhưng tiếng Trung vẫn được một vài bạn trẻ tại Gia Lai lựa chọn, dù là hoàn toàn tự học. Bạn Lê Thị Hồng Ngân (999B, Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) khiến mọi người bất ngờ khi có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng Trung sau một thời gian tự mày mò học tiếng Trung qua bạn bè và mạng internet. Ngân chia sẻ: “Em học tiếng Trung với mong muốn được đến Trung Quốc để du lịch. Tuy khá vất vả nhưng em may mắn có người bạn đang học tại Trung Quốc, 2 đứa em vẫn thường xuyên trao đổi, nói chuyện nên bạn ấy giúp đỡ em khá nhiều. Em cũng thường xuyên lên mạng tìm các video dạy tiếng Trung để học và tập luyện. Bây giờ dù chưa được đi du lịch, nhưng với vốn tiếng Trung sẵn có, em đã có thể làm hướng dẫn viên kiêm phiên dịch cho một vài vị khách Trung Quốc đến Gia Lai du lịch và cảm thấy rất thú vị”.
Phương Linh