(GLO)- Bác sĩ Võ Đình Hiệp-Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần kinh Gia Lai cho biết: Bệnh lý tâm thần do rượu trước đây rất hiếm nhưng những năm gần đây, tình trạng loạn thần do rượu xuất hiện ngày càng nhiều và có chiều hướng gia tăng. Tại bệnh viện, tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị loạn thần do rượu chiếm khoảng 50% trong số các bệnh nhân, chủ yếu là nam. Nhiều bệnh nhân nhập viện điều trị khỏi nhưng sau đó về nhà lại tiếp tục uống rượu nên không hiếm trường hợp phải tái điều trị nhiều lần.
Khổ vì rượu
Tôi gặp chị Hoàng Thị Quê (thôn Đức Hưng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) tại Bệnh viện Tâm Thần kinh Gia Lai. Đối với tôi thì đây là lần đầu tôi gặp chị nhưng các y-bác sĩ nơi đây thì đã quen với cảnh chị đưa chồng vào đây để trị bệnh rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu.
Bác sĩ Thanh dặn dò bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: N.N |
Chị kể: “Đây là lần thứ 5, tui đưa chồng lên tỉnh để điều trị bệnh rối loạn tâm thần do sử dụng rượu. Kinh tế gia đình khó khăn, chồng nghiện rượu nên tôi là lao động chính trong gia đình. 25 năm chung sống thì hết 20 năm ông chìm trong men rượu. Trung bình một ngày ổng uống khoảng 1 lít rượu, một tháng tốn khoảng 600.000 đồng tiền rượu. Uống rượu nhiều khiến sinh bệnh vì rượu và lần nào điều trị khỏi bệnh ổng cũng hứa là sẽ bỏ rượu nhưng chỉ được một thời gian là lại tái nghiện. Chỉ tội khi say rượu chồng tôi lành tính, không đánh đập vợ con nên tui cũng cố gắng giúp ông cai rượu. Hy vọng lần này là lần cuối cùng, mong ông thương vợ con mà từ bỏ rượu…”.
Ngồi bên cạnh nghe lời tâm sự của vợ, bệnh nhân Phan Văn Vỹ-đang điều trị tại Khoa Điều trị Nam-Bệnh viện Tâm Thần kinh Gia Lai cúi đầu tỏ vẻ hối lỗi. Nói về việc mình uống rượu, ông Vỹ cho biết: Ban đầu chỉ vài ly nhưng rồi nghiện lúc nào không hay. Lần nào đi viện điều trị bệnh về tôi cũng quyết tâm từ bỏ rượu nhưng lần bỏ lâu nhất chỉ được 3 tháng rồi lại bị bạn bè lôi kéo và lại tái nghiện… Uống rượu nhiều nên nhiều lúc loạn thần tôi thấy ma tà tới bắt bớ mình rồi thấy cảnh đâm chém máu me rất kinh khủng khiến tôi hoảng loạn…
Và những lần như vậy, chị Quê lại phải bỏ bê việc gia đình, 2 con trai tự bảo ban chăm sóc nhau để mẹ đưa bố vào viện điều trị. Sáng 10-5, bệnh nhân Phan Văn Vỹ được cho xuất viện về nhà. Cũng như mọi lần, ông Vỹ hứa sẽ từ bỏ rượu nhưng liệu ông có thực hiện lời hứa của mình không thì ngay cả bác sĩ điều trị cho ông Vỹ cũng không dám chắc.
Cũng khổ ải vì lấy phải ông chồng nghiện rượu, chị Nguyễn Thị Hương (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) chịu đời không thấu phải dắt con bỏ xứ lên Gia Lai làm thuê cho một tiệm cơm tại TP. Pleiku. Chị buồn bã khi nhắc về người chồng “ma men”: “Ban đầu chỉ là vài ly lai rai cho đỡ buồn cùng bạn bè nhưng riết rồi ổng nghiện rượu lúc nào không hay. Không có bạn nhậu, ổng tự mua rượu về uống. Rượu vào là ổng lè nhè, cáu kỉnh rồi đánh đập vợ con, phá làng phá xóm. Gần 10 năm chung sống, thực tình hạnh phúc vợ chồng chỉ được 3 năm đầu còn lại là những tháng ngày tủi hổ tui phải gánh chịu vì gặp phải ông chồng “ma men”. Có lần ổng đánh tui phải nhập viện điều trị cả nửa tháng trời tại bệnh viện. Khuyên răn mãi không được tui đành dắt con bỏ xứ mà đi”.
Loạn thần do rượu ngày càng gia tăng
Bác sĩ Đồng Vĩnh Thanh-Trưởng khoa Điều trị Nam, Bệnh viện Tâm Thần kinh Gia Lai cho biết: Đối với người nghiện rượu thì sử dụng rượu thường xuyên, phụ thuộc vào rượu, không kiểm soát được liều lượng và khi không có rượu thì cũng giống như người nghiện các chất gây nghiện khác lên cơn. Biểu hiện lúc lên cơn là kích động, lo lắng, chân tay run rẩy, xuất hiện ảo giác hoang tưởng… Hầu hết những người nhập viện điều trị cai nghiện đều đã ở trong tình trạng sức khỏe bị suy yếu do tác hại của rượu. Thậm chí nhiều người nghiện rượu vào viện trong tình trạng cấp cứu bởi hội chứng cai rượu.
Theo bác sĩ Thanh, gần 2 năm thành lập Bệnh viện Tâm Thần kinh thì 50% bệnh nhân nhập viện điều trị do rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu. Tất cả đều là nam và độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Bệnh nhân nghiện rượu đa số ở vùng sâu, vùng xa và phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số. Số bệnh nhân nữ nghiện rượu cũng có. Trong khoảng 25 năm công tác trong ngành, bác sĩ Thanh cũng đã chữa trị cho 10 ca nghiện rượu là nữ. Nhiều ca điều trị thành công về nhà lại tái nghiện rượu và tái phát bệnh phải tái điều trị lại…
Lạm dụng rượu, đặc biệt là nghiện rượu sẽ gây tác hại xấu đến cơ thể và sức khỏe của người nghiện khiến suy giảm khả năng lao động, suy đồi đạo đức và gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chưa kể khi lên cơn say rượu có thể khiến người nghiện rượu trở nên hung dữ, giảm kiềm chế cảm xúc, dẫn đến hung hăng, đập phá tấn công, gây nguy hiểm cho người khác… “Đối với rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu cần phải được điều trị chuyên khoa. Để chống tái nghiện rượu, người nghiện rượu sau cai tại bệnh viện cần thực hiện việc uống thuốc chữa trị, liệu pháp tâm lý đúng với hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, gia đình cần có sự động viên giúp người nghiện rượu cai rượu thành công”-bác sĩ Thanh khuyến cáo.
Như Nguyện