Trăm năm chợ Đồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hơn 100 năm hiện diện trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, hiếm có ngôi chợ nào thân phận lại nổi nênh tựa phận người như chợ Đồn (thị xã An Khê). Trăm năm ấy cũng chứng kiến biết bao thăng trầm của con người và vùng đất võ nơi thượng nguồn sông Ba. Bởi vậy, cái tên chợ Đồn còn như một di sản trong lòng người dân An Khê.

Phận nghèo kẻ chợ

Ngồi uống trà dưới mái hiên ngôi nhà cổ trăm tuổi số 1806 Quang Trung (thị xã An Khê), ông Nguyễn Tấn Lợi cho biết, cách đây 2 căn nhà là khu vực chợ Đồn trước kia chứ không phải ở vị trí như hiện nay. Sau nhiều lần dời vị trí, từ năm 2003, chợ mới chính thức được xây dựng khang trang sát đình An Cư (phường An Bình, thị xã An Khê). Nếu xuôi theo quốc lộ 19 về hướng đèo An Khê, chợ nằm bên tay trái ngay đầu thị xã.

Chợ Đồn. Ảnh: H.N

Chợ Đồn. Ảnh: H.N

Ông Lợi kể: “Căn nhà này đã trên 100 năm tuổi, nhưng chợ Đồn hình thành trước khi ông nội tôi dựng nhà, nghĩa là “có tuổi” hơn cả ngôi nhà cổ này. Tôi nghe ông nội kể lại rằng, chợ cách đồn lính xưa không xa, xung quanh người dân dựng ki ốt bán các hàng hóa, cảnh mua bán tấp nập. Trước năm 1975, mẹ tôi cũng có 1 ki ốt cạnh chợ chuyên bán thuốc lá Salem và nước giải khát Cocacola. Cảnh ngoài là vậy, còn bên trong chợ Đồn lại trái ngược. Chợ Đồn là chợ của dân nghèo, hàng hóa chủ yếu chỉ có rau dưa, mắm muối”.

Những bậc cao niên ở phường An Bình vẫn giữ những ký ức khó mờ phai về chốn kẻ chợ. Ông Dương Văn Ưng (SN 1939, thường gọi là ông Hai Tiết) hồi nhớ: “Tôi từ Bình Định lên An Khê năm 1960 theo chính sách di dân. Khi đó, chợ Đồn nằm sát ngôi nhà cổ của dòng họ Nguyễn bên quốc lộ 19. Chợ của dân nghèo nên hàng hóa cũng nghèo, chủ yếu bán buôn rau, củ, quả do người dân làm ra chứ không có của ngon vật lạ gì. Người Bahnar các làng ở sâu trong núi, thỉnh thoảng mang ra chợ củi đốt, lá trầu không, rễ cây (ăn trầu)… để trao đổi hàng hóa với người Kinh. Cũng có khi họ mang sản vật như mật ong, măng le, không mấy khi thấy sừng hươu nai, ngà voi. Lính Mỹ có khi lân la đến hỏi mua hoặc đặt làm ống điếu từ tre già dài đến mấy mét để hút cần sa”.

Nhớ lại cảnh chợ xưa, ông Hai Tiết cũng không quên hình ảnh những chiếc xe lam, xe ngựa đợi khách trước khu vực chợ Đồn. Hồi đó, chỉ gia đình nào khá giả, muốn có bữa ăn “tươi”, hoặc khi giỗ chạp mới phải xuôi xuống chợ An Khê cách đó 4-5 km. Bởi lúc đó giá 1 cuốc xe lam là 3 đồng, xe ngựa rẻ hơn cũng mất 1 đồng rưỡi. “1 đồng rưỡi thời ấy mua được 2 ký gạo nên dân nghèo không mấy ai đi xe trừ khi có việc cần”-ông nói.

Bà Tám Thu có nhiều năm bán hàng mã ở chợ Đồn. Ảnh: H.N

Bà Tám Thu có nhiều năm bán hàng mã ở chợ Đồn. Ảnh: H.N

Trong ký ức của chị Trương Thị Lành (SN 1976), chợ Đồn thu nhỏ trong hình ảnh người mẹ nghèo-bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến. Lúc 6-7 tuổi, chị đã theo mẹ ra chợ và lớn lên cùng gánh hàng rau. Hồi đó, chợ Đồn nhóm họp trên bãi đất trống ngay trước đình Tân An. Mẹ chị có gánh hàng bán rau heo. Mẹ là người nhanh nhẹn, tháo vát, nhưng quanh năm buôn bán mà cái khó khổ vẫn đeo bám. Hồi đó, đi buôn nhưng không có lấy một đồng vốn. Sáng ra, mẹ chị lấy rau của người ta, bán hết đến cuối ngày mới trả tiền, có đồng lời nào dành mua mắm muối nuôi con. Không hiểu hết nỗi khổ của người mẹ nghèo, nhiều lần bị mẹ cáu bẳn, chị không khỏi tủi thân. “Ba tôi mất khi má đang mang bầu đứa em trai. Một mình má với gánh rau heo ở chợ nuôi bầy con thật không dễ dàng gì. Từ nhỏ, tôi đã ra chợ phụ má bán buôn, còn thường bị má la nên rất tủi thân, không khỏi than trách phận nghèo. Sau này, khi tự lập bán buôn, lập gia đình, làm mẹ của 2 đứa con, tôi mới hiểu hết nỗi vất vả, lo toan của má”-chị Lành rưng rưng kể.

Di sản ký ức

Chị Trương Thị Lành cũng là thế hệ tiếp nối ở ngôi chợ có lịch sử trăm năm này. Năm 2023 là dấu mốc chẵn 20 năm chợ Đồn được xây mới khang trang, có khu nhà lồng với đủ mặt hàng chứ không còn là một chợ nghèo thuở trước. Từ quốc lộ 19 nhìn vào chợ là những sạp trái cây, hoa tươi bày biện với đủ màu sắc bắt mắt. Chị Lành cho hay: “Trước đây, tôi bán nước mía, các loại chè đậu truyền thống ngay trước cổng chợ. Bán chè nhìn qua tưởng nhàn nhã, vậy nhưng lại rất cực. Sáng phải dậy lúc 3-4 giờ để hầm đậu trên bếp củi thì mới bở bùi, thơm ngon hơn so với hầm nồi áp suất. Sau đó, tôi chuyển qua sạp trái cây, hoa tươi, vừa bán buôn, vừa công quả cho đình An Cư ngay cạnh chợ và một số đình, chùa khác”. Ở tuổi 47, chị Lành vẫn giữ được nét duyên dáng từ sắc vóc đến lối nói chuyện dịu dàng, nhỏ nhẹ. Sạp trái cây, hoa tươi như một bức tranh đa màu sắc, cùng hình ảnh giản dị, gần gụi của những tiểu thương như chị Lành trở thành điểm nhấn của chợ Đồn ngay khi khách bước vào. Từ sạp hàng này, chị Lành nuôi 2 con học đại học. Con gái lớn của chị đã ra trường và đang làm việc cho một cửa hàng trang sức, đá quý tại TP. Hồ Chí Minh; còn con trai đang học năm thứ 2 đại học ngành Quản trị kinh doanh.

Chị Trương Thị Lành là thế hệ nối tiếp bán buôn ở chợ Đồn với sạp trái cây, hoa tươi ngay đầu chợ. Ảnh: Hoàng Ngọc

Chị Trương Thị Lành là thế hệ nối tiếp bán buôn ở chợ Đồn với sạp trái cây, hoa tươi ngay đầu chợ. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phạm Dực: “Hồi nhỏ, mẹ thường đặt tôi lên một bên quang gánh, còn một bên là hàng xén gánh ra chợ. Ký ức chợ quê in đậm trong tâm hồn tôi. Sau này, tôi thường đi chợ quê là vậy, không phải để bán mua mà để tìm lại những cảm xúc, ký ức thân quen. Đi chợ để nghe những lời chào mời, thăm hỏi, lắng nghe thanh âm cuộc sống rất đời ở chợ”.

Đi sâu vào bên trong, chợ Đồn không khác nhiều với những ngôi chợ truyền thống. Thế nhưng, nếu dành thời gian để tìm hiểu, ta sẽ nhìn thấy rõ lịch sử, văn hóa của vùng đất giàu trầm tích An Khê trong từng sạp hàng ở đây. Ví như sạp hàng mã đầy màu sắc của bà Tám Thu. Người phụ nữ ở tuổi 77 và trải qua không ít lần bạo bệnh này đã gắn bó với sạp hàng mã nhiều chục năm rồi. Vậy nên, bà Tám Thu thuộc lòng những nghi lễ mà người dân vùng đất Tây Sơn Thượng đạo duy trì. Mỗi dịp có lễ lạt truyền thống cũng là lúc sạp hàng mã của bà “đắt như tôm tươi”.

Bà Tám Thu cho rằng, hiếm có vùng đất nào mà hệ thống đình làng, chùa, miếu dày đặc như vùng đất này. Cùng với đó là hệ thống nghi lễ, cúng tế gắn với tín ngưỡng dân gian vẫn được người dân duy trì từ hàng trăm năm qua, chưa kể ngày rằm, cúng Thanh minh… Bà Tám Thu chia sẻ: “Dịp cuối năm, nhất là tháng 11, 12 âm lịch là thời điểm buôn bán đắt nhất. Tui xếp giấy, vàng mã, đồ tế lễ… thành bộ hầu như từ sáng đến tối, nhiều khi mỏi nhừ đôi tay. Người Việt vùng An Khê vẫn giữ khá nhiều nghi lễ gắn với tín ngưỡng thờ cúng dân gian, là nét văn hóa riêng. Khi nào văn hóa ấy còn thì sạp hàng mã của tui còn”. Bà Tám Thu cho biết thêm, bán hàng mã còn có cái vui ngoài kế mưu sinh. Mỗi lần xếp giấy, xếp đồ lễ cho người ta, bà không chỉ hiểu về đời sống tinh thần của người dân mà như được kết nối với truyền thống, với nguồn cội vậy.

Một số bậc cao niên hay ngay cả người bán buôn trong chợ Đồn cũng không hiểu rõ gốc gác của ngôi chợ có lịch sử trăm năm. Ông Hai Tiết cho rằng, người Việt tới đâu sẽ hình thành chợ ở đó. Nhưng hiếm có ngôi chợ nào dời vị trí nhiều lần nhưng vẫn giữ tên gọi và “hồn cốt” như chợ Đồn. Và, đối với lớp người như ông Hai Tiết, bà Tám Thu hay cả thế hệ sau này, chợ Đồn là một di sản, không chỉ của ký ức. Nhắc tới chợ Đồn là nhắc đến lớp dân nghèo nói riêng, cùng bao câu chuyện về đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên vùng đất thượng nguồn sông Ba suốt nhiều thập kỷ.

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).