"Tra tấn" từ những cuộc gọi rác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thấy điện thoại thường xuyên xuất hiện cuộc gọi từ các số lạ, chị Nguyễn Thị Hà (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đã nghĩ ngay đến cuộc gọi rác. Vậy nên, lúc bận công việc, chị bấm im lặng không nghe. Nhưng sau đó, điện thoại lại đổ chuông với những số máy khác.

Chị Hà cho biết, nội dung các cuộc gọi thường là giới thiệu về dự án bất động sản, mời vay tiền mặt, mời tham gia đầu tư tài chính, mua bảo hiểm nhân thọ, giới thiệu việc làm online với tính chất việc nhẹ lương cao hay tiếp thị sản phẩm… “Với những cuộc gọi kiểu này, nếu trả lời là đang bận thì sau đó họ sẽ gọi lại; còn nếu nói luôn là không có nhu cầu thì ngay lập tức, phía bên kia cúp máy cái rụp. Có lần, tôi nhận được cuộc gọi mời dùng thử sản phẩm và làm cộng tác viên bán kem dưỡng trắng da. Cũng nghe thử để biết họ nói gì, nhưng khi thấy yêu cầu của họ không phù hợp nên tôi từ chối, lập tức không chậm một giây nào đầu dây bên kia họ buông lời chửi bới”-chị Hà bức xúc kể.

 Cuộc gọi, tin nhắn rác thường gây phiền phức cho người dùng. Ảnh: Nguyên Võ
Cuộc gọi, tin nhắn rác thường gây phiền phức cho người dùng. Ảnh: Nguyên Võ



Hàng xóm của tôi cũng từng gặp trường hợp oái ăm tương tự. Nhấc máy nghe một số lạ với giọng nói ban đầu cũng khá lịch sự: “Alo, xin lỗi có phải đây là số điện thoại của chị Linh không? Em là nhân viên hỗ trợ kinh doanh online, chị có muốn có công việc làm thêm không ạ, đảm bảo sẽ có thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng”. Khi nghe chị Linh hỏi công việc gì thì đầu bên kia… vào việc luôn: “Bên em kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, chị chỉ cần theo dõi các Fanpage, mỗi lần bên em đăng sản phẩm chị chỉ cần vô like bài, bình luận, chia sẻ về sản phẩm là được. Cứ mỗi lần như vậy bên em sẽ trả chị 10 ngàn đồng, cộng dồn đến cuối tháng bên em sẽ thanh toán chuyển khoản một lần ạ”. “Thế sản phẩm bên em là gì vậy?”-chị Linh hỏi. “Dạ là thuốc trị nấm”. Nghe xong, chị Linh liền từ chối và cúp máy. Một lúc sau, có một số điện thoại khác gọi đến và xả một trận với lời lẽ tục tĩu, đại ý là sao để người ta nói một thôi một hồi mất thời gian mà còn từ chối?!

Sự phiền phức còn đến từ những cuộc gọi rác với nội dung kiểu như “Chúc mừng anh/chị đã trúng thưởng một sản phẩm có giá trị, thậm chí là chiếc xe ga có giá đến 85 triệu đồng… nhưng muốn nhận trước tiên anh chị chụp chứng minh nhân dân, nhắn số tài khoản và sau đó làm thủ tục chuyển tiền vào tài khoản này để bên em xác nhận thông tin khách hàng, tới ngày đó nếu anh chị không đến nhận thưởng được bên em sẽ gửi về tận nơi… Nếu không tỉnh táo, người nhận điện thoại rất dễ rơi vào bẫy của những cuộc gọi này, có khi là bị đánh cắp thông tin cá nhân, mã OTP tài khoản ngân hàng hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Đặc biệt, những số điện thoại này khi bấm gọi lại đều không được, đó là chưa kể có trường hợp người nhận cuộc gọi bị trừ tiền cước.

Theo số liệu được công bố trên các phương tiện truyền thông, trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện hơn 74 triệu cuộc gọi phát sinh từ thuê bao spam call (cuộc gọi rác), tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp viễn thông đã chặn hơn 113 ngàn thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Mặc dù đã tích cực ngăn chặn nhưng tình trạng cuộc gọi rác vẫn chưa được cải thiện, gây bức xúc cho khách hàng. Nhằm xử lý vấn đề này, vừa qua, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cùng với các nhà mạng ký kết thỏa thuận về ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý sim có dấu hiệu tồn kênh. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có tin nhắn đề nghị người dân cùng chung tay, góp sức với doanh nghiệp viễn thông nhằm ngăn chặn cuộc gọi rác. Khi nhận được tin nhắn khảo sát của doanh nghiệp (được gửi tới ngay sau các cuộc gọi có dấu hiệu nghi ngờ là cuộc gọi rác) hãy chủ động phản hồi (chọn phương án trả lời tương ứng với kết quả “Có” hoặc “Không” trên tin khảo sát).

Hy vọng với những giải pháp cụ thể, ngành chức năng sẽ ngăn chặn cuộc gọi rác hiệu quả hơn trong thời gian tới, loại bỏ những phiền phức cũng như những rủi ro không đáng có cho người dân.

 

 VŨ THẢO

 

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).