2/5 bị cáo trên 60 tuổi kháng cáo xin hưởng án treo và HĐXX vận dụng Luật Người cao tuổi để chấp nhận là sai.
Năm bị cáo xin giảm nhẹ
Theo án sơ thẩm, ông Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu sáu NH yếu kém theo đề án của Chính phủ, trong đó có VNCB. Tháng 8-2012, ông Bình ký tờ trình Chính phủ về phương án tái cơ cấu VNCB và được chấp thuận.
Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại NH yếu kém, cần phải có cơ chế giám sát đặc biệt. Nhưng ông Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ NH, sử dụng NH như một phương tiện phạm tội. Bốn bị cáo còn lại là thành viên tổ giám sát được ông Bình ký quyết định thành lập cũng sai phạm khi để Phạm Công Danh và các đồng phạm rút tiền của VNCB...
TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông bình ba năm tù. Bốn bị cáo khác là Hà Tấn Phước (cựu tổ trưởng tổ giám sát NHNH, phó giám đốc NHNN Chi nhánh Long An) bị phạt hai năm tù; Lê Văn Thanh (cựu chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An) bị hai năm sáu tháng tù. Hai bị cáo Phạm Thế Tuân (cựu phó giám đốc NH Vietcombank Chi nhánh TP.HCM) bị tuyên phạt một năm tù và Ngô Văn Thanh (cựu phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ NH Vietcombank Long An) bị phạt một năm sáu tháng tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, cả năm bị cáo đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại tòa phúc thẩm, ông Bình cho rằng cấp sơ thẩm tuyên phạt ông ba năm tù là quá nặng, không đúng với hành vi của ông. Bị cáo mong HĐXX xem xét nếu không miễn trách nhiệm hình sự thì giảm nhẹ hình phạt và cho ông hưởng án treo. Bốn bị cáo khác thì thừa nhận hành vi phạm tội và đều xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Các bị cáo đang nghe tuyên án. Ảnh: MINH CHUNG
Cho hai bị cáo trên 60 tuổi hưởng án treo
VKS cho rằng cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử năm bị cáo là có cơ sở, đúng người, đúng tội, mức án đã tuyên là hoàn toàn tương xứng với hành vi phạm tội. VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của tất cả bị cáo.
HĐXX nhận định bị cáo Bình có bút phê trái chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bình đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu, không biết rõ năng lực tài chính của nhóm cổ đông mới. Đây chính là nguyên nhân đổ vỡ phương án tái cơ cấu NH, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh biến NH thành công cụ phạm tội...
Quá trình thực hiện nhiệm vụ các bị cáo Phước, Ngô Văn Thanh, Lê Văn Thanh và Tuân đã không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ, thiếu kiểm tra, giám sát để Phạm Công Danh thực hiện phạm tội. Cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo, nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh xảy ra phạm tội. Án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo với các mức án trên là không oan và đã có tính khoan hồng.
Tuy nhiên, bị cáo Ngô Văn Thanh là tổ viên duy nhất trong tổ giám sát bị truy cứu và làm việc theo sự phân công của tổ trưởng. Ý kiến đề xuất của bị cáo phải thông qua tổ trưởng hoặc tổ phó nên vai trò có phần hạn chế hơn các lãnh đạo tổ. Tại tòa bị cáo cung cấp thêm tình tiết có cha là thương binh nên giảm nhẹ một phần hình phạt. Về việc các bị cáo xin hưởng án treo, HĐXX cho rằng hành vi của các bị cáo gây hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng, số tiền thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng nên không thể áp dụng án treo cho tất cả bị cáo.
HĐXX cũng cho rằng với các bị cáo trên 60 tuổi, khi có điều kiện về nhân thân tốt, bị tuyên án mức hình phạt từ ba năm tù trở xuống thì nên vận dụng thêm các quy định trong Luật Người cao tuổi để áp dụng chế định án treo. Trong năm bị cáo thì có bị cáo Tuân (sinh năm 1956) và Bình (sinh năm 1954) trên 60 tuổi nên được HĐXX chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo.
Từ đó, HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo của Phước và Lê Văn Thanh; chấp nhận một phần kháng cáo xin giảm nhẹ phạt Ngô Văn Thanh một năm tù. HĐXX chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của Bình và Tuân, tuyên phạt Bình ba năm tù và Tuân một năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Vận dụng Luật Người cao tuổi là sai Điều 65 BLHS 2015 quy định khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa cho hưởng án treo. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù, được hưởng án treo được hướng dẫn cụ thể tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018 của HĐTP TAND Tối cao. Theo hướng dẫn này thì tình tiết người cao tuổi không phải là cơ sở xem xét cho hưởng án treo. Vì vậy việc HĐXX tách hai bị cáo trên 60 tuổi để cho hưởng án treo là không đúng quy định. Luật Người cao tuổi cũng không có quy định nào nói về việc người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) sẽ được ưu tiên hưởng án treo. Trong khi điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS quy định: Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên và được coi là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo tôi, HĐXX có quyền cho các bị cáo hưởng án treo nhưng phải dựa vào các quy định của BLHS, việc tòa vận dụng thêm Luật Người cao tuổi để cho hưởng án treo là sai. Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam |
Yến Châu (PL)