Tố Hữu "Sống là cho. Chết cũng là cho"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà phê bình Hoài Thanh từng đánh giá: “Thời đại ta đã may mắn có được nhà thơ Tố Hữu”. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì khẳng định: “Tôi chỉ biết ông là nhà thơ có nhiều bạn đọc nhất trong thời đại của ông”. Điểm qua những ý kiến về thơ Tố Hữu ở những thời điểm khác nhau như vậy để thấy rằng, Tố Hữu là một trong những gương mặt thơ thành danh nhất trong giai đoạn thi ca mà ông góp mặt.
Chúng tôi sinh ra trong thời bình, không được sống trong không khí “nhà nhà tìm đọc thơ Tố Hữu, người người thuộc thơ Tố Hữu”, tất cả những gì được biết về ông đều qua sách vở. Vậy nên, không kể đến những cương vị, chức vụ khác nhau mà ông đã từng đảm nhiệm, tôi muốn đơn thuần nhìn ông từ góc nhìn duy nhất: góc nhìn về một người thơ.
Có lẽ trong lịch sử thi ca Việt Nam, thơ Tố Hữu có sức lan tỏa kỳ lạ nhất. Trong trí nhớ non nớt thuở ấu thơ của tôi vẫn còn phảng phất lời ru của bà nội: “Con ong làm mật yêu hoa/Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời/Con người muốn sống con ơi/Phải yêu đồng chí, yêu người anh em”. Suốt những tháng năm thơ ấu, tôi cứ nghĩ lời ru ấy là một bài ca dao nào đó được bà tôi hát lên, giống như những lời ru khác. Cho đến khi đi học, tôi mới biết lời thơ ấy trong bài “Tiếng ru” của Tố Hữu. Sau này, được biết thêm, không phải mình tôi tưởng thế, đã có rất nhiều người nhầm tưởng thơ Tố Hữu với ca dao. Không nhầm sao được, khi những câu thơ cứ dung dị, gần gũi, phảng phất phong vị dân gian như thế này: “Núi cao bởi có đất bồi/Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu?/Muôn dòng sông đổ biển sâu/Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn?” (Tiếng ru). Dẫn ra như vậy để thấy rằng, thơ Tố Hữu đã thực sự thấm đẫm trong đời sống nhân dân ở một thời kỳ dài, trải qua nhiều thế hệ.
Nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Internet
Nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Internet
Thế rồi, tình yêu dành cho thơ ông cứ lớn dần lên qua từng trang sách, theo mỗi bước chân chúng tôi đến trường. Nào là: “O du kích nhỏ giương cao súng/Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu” (O du kích nhỏ) cho đến: “Chú bé loắt choắt/Cái xắc xinh xinh/Cái chân thoăn thoắt/Cái đầu nghênh nghênh” (Lượm). Rồi những là “Khi con tu hú”, “Tâm tư trong tù”, “Việt Bắc”, “Bác ơi”… Có thể nói, với văn học nhà trường, Tố Hữu vẫn chiếm vị trí số 1. Chia sẻ về cảm nhận này với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Đức-một cựu giáo chức ở Pleiku, người đã có gần 40 năm gắn bó với việc giảng dạy văn học-bày tỏ: “Chúng tôi không thể nào quên tình cảm yêu nước cùng lòng khao khát tự do cháy bỏng, muốn thoát khỏi chốn ngục tù để tiếp tục được kề vai sát cánh bên đồng đội, đồng chí đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc được thể hiện trong những bài thơ của Tố Hữu. Chỉ 2 bài thơ là “Lượm” và “Khi con tu hú” đã giúp chúng tôi thấy mảng thơ của Tố Hữu luôn cần có trong chương trình văn học nhà trường nhằm giúp học sinh “ôn cố tri tân”, để thêm yêu quý, trân trọng, biết ơn thế hệ cha ông đi trước”.
Đọc và tìm hiểu thơ Tố Hữu, ai cũng có thể nhận ra sự nhất quán tuyệt đối giữa đời sống, sự nghiệp cách mạng và đời thơ. Hành trình sống của ông trùng khít với cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, nhiệt thành, say mê, cống hiến hết mình cho lý tưởng của lớp thanh niên trí thức thời ấy và cũng hòa trộn vô cùng vào hành trình sáng tạo thơ ca mê đắm, hiến dâng. Có lẽ, chẳng ai yêu đương mà cũng mang tính “chính trị” như Tố Hữu thế này: “Trái tim anh đó/Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/Phần cho thơ và phần để em yêu”. Rồi những tên đất, tên người, từ Á sang Âu, từ Nam chí Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, từ xa lạ đến gụi gần… cứ tự nhiên bước vào thơ ông, rồi thơ quay trở lại sống cùng đời sống của nhân dân, tự nhiên, chân thật, mê đắm, như chính con người và cuộc đời ông vậy.
Sinh thời, Tố Hữu từng tâm sự: “Bây giờ có người bảo thơ tôi chỉ là “thơ thời sự”, tôi đồng ý ngay vì khi làm thơ, tôi đâu có mơ nó tồn tại thiên thu. Lại có người nói thơ tôi là loại “thơ phải đạo”. Tôi bảo họ, anh nói không sai vì cổ nhân nói “văn dĩ tải đạo” (văn là để chở đạo lý), vậy tôi cũng chỉ làm thơ theo lời dạy của cổ nhân thôi. Xét cho cùng, riêng cho tôi thì chẳng có gì đáng nói, nhưng tôi không biết lớp trẻ bây giờ có hiểu sai lạc thời kỳ đẹp nhất của văn nghệ nước ta?” (theo Wikipedia). Lời giãi bày của ông giúp cho lớp hậu sinh như tôi hiểu và cảm nhận thêm về cái “thời kỳ đẹp nhất” ấy, để có cái nhìn toàn diện, đa chiều hơn về thơ ông. Đằng sau một Tố Hữu với những khẩu hiệu muôn năm, những tiếng hoan hô, vỗ tay, chào xuân là một Tố Hữu đời thường. Đúng như cảm nhận của nhà thơ Văn Công Hùng, người đã từng gặp, chuyện trò, nghe ông đọc thơ ngay tại Huế, quê hương của Tố Hữu, trong một đêm xứ Huế mưa rưng rưng: “Không cô đơn rất khó làm thơ, và nếu làm rất khó hay (…). Và mới nhận ra rằng, đến giờ, cái người ta nhớ nhiều về thơ ông, chính là ở cái phần hết sức cá nhân của ông, hết sức cô đơn, có phần yếu đuối nữa. Riêng tôi, nếu chọn 2 câu hay nhất của ông, tôi không ngần ngại chọn 2 câu này: “Gì sâu bằng những trưa thương nhớ/Hiu quạnh bên trong một tiếng hò”. Chỉ khi nào cô đơn nhất, buồn nhất, sống tận cùng với mình nhất, thì thơ sẽ hay. 2 câu trên ở vào hoàn cảnh ấy nên nó xoáy vào lòng bạn đọc, ít nhất là tôi...”. 
Trước khi qua đời, Tố Hữu để lại mấy dòng thơ: “Tạm biệt đời ta yêu quý nhất/Còn mấy dòng thơ, một nắm tro/Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất/Sống là cho. Chết cũng là cho”. Ông đã sống trọn vẹn đời người, đời cách mạng, đời thơ không hoài phí một phút giây nào. Những gì ông cho đi, lớp hậu sinh như tôi trân trọng, nâng niu, biết ơn, bằng tất cả lòng thành kính!
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Mây biên giới

Thơ Đào An Duyên: Mây biên giới

(GLO)- “Mây biên giới” của tác giả Đào An Duyên là bài thơ giàu cảm xúc về vẻ đẹp thanh bình nơi biên cương Tổ quốc. Tác giả khắc họa hình ảnh cột mốc trong nắng dịu, mây trời không lằn ranh, rừng khộp lặng im... như một bản hòa ca của thiên nhiên và lịch sử...

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.