Tìm nhau từ hai chiến tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc chiến thầm lặng và dai dẳng trong mỗi tâm khảm ấy, dù ở chiến tuyến nào, chỉ có thể kết thúc khi được sẻ chia và thấu hiểu.

Khoảng 3.000 liệt sĩ hy vọng sẽ được tìm thấy sau chuyến khảo sát và trao thông tin của các cựu binh Mỹ và nhóm tìm kiếm hỗn hợp Việt-Mỹ về hơn 20 vị trí khu mộ tập thể tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai. Cuộc trao đổi vừa diễn ra tại TPHCM cuối tháng 6 mới đây, thắp lên hy vọng rất lớn cho thân nhân liệt sĩ thời chống Mỹ của chúng ta, dù lửa đạn đã ngưng lại từ hơn nửa thế kỷ.

Niềm hy vọng là có cơ sở. Bởi trước đó, từ những thông tin của nhóm cựu binh Mỹ này về tọa độ, vị trí, không ảnh, sơ đồ chỉ dẫn các khu mộ tập thể được phía quân đội Hoa Kỳ chôn lấp sau các trận đánh đã giúp chúng ta tìm thấy hơn 80 hài cốt liệt sĩ hy sinh năm 1968 tại sân bay Biên Hòa, và xác định được hố chôn tập thể 213 liệt sĩ tại căn cứ Tống Lê Chân giữa hai tỉnh Bình Phước-Tây Ninh…

Mới hai năm trước, cũng từ thông tin của một nhóm cựu binh Mỹ, Thiếu tá cựu chiến binh Việt Nam 80 tuổi Đặng Hà Thụy cùng Tỉnh Đội Bình Định đã tìm kiếm thành công khu mộ tập thể hơn 60 liệt sĩ của ta hy sinh trong trận đánh lên đồi Xuân Sơn (Hoài Ân, Bình Định) rạng sáng 27/12/1966. Cuộc tìm kiếm này tôi may mắn nhiều lần được cùng ông Thụy và đội tìm kiếm của Tỉnh đội đi về khu vực đồi Xuân Sơn lịch sử, rồi sau đó chứng kiến cảnh vỡ òa ôm lấy nhau của những cựu chiến binh từng chĩa mũi súng vào nhau trên cùng một trận địa khốc liệt ngày ấy.

“Tháng 4 tới, Việt Nam sẽ kỷ niệm ngày kết thúc chiến tranh. Nhưng đối với gia đình tất cả những người mất tích của chúng tôi, chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Chúng tôi cám ơn vì những lời khen ngợi và sự công nhận cho việc làm của chúng tôi trong 7 năm qua khi chúng tôi đi khắp nơi và gặp những người nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy hy vọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh vì gia đình mình”. Đó là câu bình luận của cựu binh Mỹ Bob Connor trên trang facebook của ông Đặng Hà Thụy. Bob Connor cũng chính là thành viên trong nhóm cựu binh Mỹ từng tham chiến trên đồi Xuân Sơn 58 năm trước, giúp tìm kiếm thành công các liệt sĩ của ta. Nhưng biết rằng, đau đáu trong tâm khảm những người như Bob, là nhiều người thân của mình cũng vẫn chưa trở về sau cuộc chiến.

Cũng trên trang cá nhân của mình, ông Bob Connor cho biết, mới đây một cựu chiến binh Việt Nam đã cho ông thông tin về 5 người lính Mỹ mất tích, và lập tức ông đã chuyển thông tin ấy cho cơ quan chức năng của Mỹ. “Những người hưởng lợi duy nhất là tất cả các gia đình, từ cả hai phía…”, ông Bob viết.

Thêm một thông tin đặc biệt, đó là ngày 23/7 mới đây, Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ chính thức ra mắt. Đem lại niềm hy vọng cho gia đình, người thân của gần 200 ngàn liệt sĩ của chúng ta còn chưa tìm thấy hài cốt, và hơn 300 ngàn liệt sĩ đã an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được tên tuổi, quê quán.

Chiến tranh chưa thể kết thúc, khi người lính cuối cùng chưa trở về. Cuộc chiến thầm lặng và dai dẳng trong mỗi tâm khảm ấy, dù ở chiến tuyến nào, chỉ có thể kết thúc khi được sẻ chia và thấu hiểu.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.