Tìm lại những anh hùng: 45 năm, mẹ vẫn đợi con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chúng tôi tìm về xã Minh Quân (H.Trấn Yên, Yên Bái) hỏi gia đình anh hùng - liệt sĩ Đỗ Duy Phú, ai cũng lắc đầu: "Ở đây chỉ có Nguyễn Danh Phú". Thì ra, rất nhiều văn bản, tài liệu đều viết nhầm tên liệt sĩ.

1 liệt sĩ - 3 tên họ

Chị Nguyễn Thị Thơm, em gái út của liệt sĩ kể: Trong lệnh tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do Chủ tịch nước ký ngày 20.12.1979, sách Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (xuất bản năm 1996) thì ghi Đỗ Duy Phú; bia mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai) lại ghi Nguyễn Duy Phú, nên đầu năm 2013, khi gia đình lên đưa phần mộ anh Phú về quê, ngành chức năng địa phương kiên quyết không cho di chuyển.

Đưa các loại giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công, chứng nhận anh hùng ghi rành mạch "Nguyễn Danh Phú", họ càng kiên quyết "3 tên khác nhau, biết đâu thật giả" và yêu cầu về báo cáo Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, thực hiện xét nghiệm AND để… "chắc cú".

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Danh Phú

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Danh Phú

"May mà có 1 anh trong dòng họ công tác ở Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai biết chuyện, đứng ra bảo lãnh, nên mới đưa được anh Phú về quê", chị Thơm kể.

Anh hùng Nguyễn Danh Phú sinh đúng ngày 22.12.1958, là con cả và con trai duy nhất trong gia đình có 6 người con: Nguyễn Danh Phú (1958), Nguyễn Thị Thúy (1960), Nguyễn Thị Mai (1966), Nguyễn Thị Hiên (1968), Nguyễn Thị Hà (1971), Nguyễn Thị Thơm (1977). Bố anh là ông Nguyễn Danh Mùi đã mất năm 1987. Bà mẹ Lê Thị Nguyên, năm nay 88 tuổi, vẫn đang sống ở xã Minh Quân.

Tháng 5.1978, Nguyễn Danh Phú nhập ngũ vào Trung đoàn 124, Sư đoàn 345, Quân khu 2. Sau khi huấn luyện tân binh, được đưa về Đại đội 20 làm chiến sĩ trinh sát. Tài liệu lưu trữ ghi "trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2.1979, đồng chí Phú đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, luôn bám sát địch, theo dõi nắm bắt tình hình chính xác và kịp thời báo cáo cấp trên".

Mẹ Lê Thị Nguyên lau bằng Tổ quốc ghi công của con trai, anh hùng Nguyễn Danh Phú

Mẹ Lê Thị Nguyên lau bằng Tổ quốc ghi công của con trai, anh hùng Nguyễn Danh Phú

Ngày 28.2.1979, đài quan sát trên điểm cao 598 (Bảo Thắng, Lào Cai) của Nguyễn Danh Phú bị địch phát hiện, bao vây tấn công. Anh cùng đồng đội vừa nắm tình hình địch, thông báo chính xác tọa độ - phần tử cho pháo binh từ phía sau bắn vào đội hình địch, vừa trực tiếp chiến đấu đánh trả bộ binh đang ào lên. 2 lần bị thương, nhưng Phú vẫn kiên cường đánh địch. Khi hết đạn, anh gọi pháo bắn thẳng vào vị trí mình đang chiến đấu để diệt nhiều địch và hy sinh…

Người mẹ anh hùng

Bà Lê Thị Nguyên (mẹ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Danh Phú), năm nay 88 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, kể: Phú nhập ngũ tháng 5.1978, tranh thủ đi công tác ghé thăm nhà được 2 lần. Do là con cả, anh trai nên rất lo lắng chuyện hậu phương gia đình, tháng nào cũng viết 3 - 4 lá thư gửi về nhà. Sau tháng 2.1979, gia đình không thấy thư về, gửi thư lên thì không có hồi âm, nên chị gái Nguyễn Thị Thúy phải khăn gói tìm đến đơn vị dò hỏi, mới biết anh Phú đã hy sinh.

Cuối năm 1979, giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Danh Phú về đến gia đình, ghi chung chung là "mai táng tại nghĩa trang mặt trận". Bà Lê Thị Nguyên đau đớn đến phát bệnh, phải đưa vào điều trị tại Bệnh viện tâm thần Yên Bái. Sau hơn 1 năm, gia đình nói dối "đã đưa phần mộ anh Phú về quê", bệnh của bà mới đỡ.

Mẹ Lê Thị Nguyên

Mẹ Lê Thị Nguyên

"Những ngày ấy, chúng tôi liên tục dò hỏi nơi chôn cất anh Phú. Có lần, người ta lẫn lộn giữa Nghĩa trang liệt sĩ Phong Hải thành Duyên Hải (P.Duyên Hải, TP.Lào Cai), mấy bố con lên tìm mà không thấy. Mãi năm 2013, sau 34 năm, mới tìm thấy mộ anh ở Nghĩa trang liệt sĩ Phong Hải", chị Thơm kể.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Danh Phú, không khỏi xót xa trước gia cảnh: Căn nhà cấp 4 cũ kỹ dột nát, tài sản bên trong không có gì đáng giá. Nhà nằm cạnh quốc lộ 32C, phía sau nhà là sông Hồng đang sạt lở, lấn dòng chảy gần vào khu bếp.

Trong căn nhà, ngoài bà mẹ liệt sĩ 88 tuổi, còn 2 người em liệt sĩ đang khốn khó: Chị Nguyễn Thị Hà (53 tuổi) bị tai biến, nói ngọng, không có chồng con; chị Nguyễn Thị Hiên (56 tuổi) bị lừa bán sang khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) từ năm 2023, mới trốn được về nhà đầu tháng 1.2024, không công ăn việc làm, đang sống nhờ họ hàng làng xóm…

Tặng tivi cho mẹ Lê Thị Nguyên

Tặng tivi cho mẹ Lê Thị Nguyên

Chị Nguyễn Thị Thơm (em gái liệt sĩ Phú) kể: Năm 1996, địa phương ưu tiên bán cho mảnh đất hiện tại, giảm 30% giá cho mẹ anh hùng - liệt sĩ. Năm 2006, cấp trên cải tạo mở rộng đường 32C, gia đình sửa nhà nâng nền cao hơn mặt đường, làm đơn xin hỗ trợ nhà tình nghĩa - tình thương nhưng bị từ chối.

Ngày đầu tháng 1.2024 ở nhà anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Danh Phú, chứng kiến cảnh mẹ Lê Thị Nguyên sờ sẫm bật chiếc tivi đời cũ sắm từ 2006, chúng tôi chụp tấm hình đăng lên trang cá nhân.

Ngay lập tức, đại tá Mai Hữu Hiền (nguyên Chủ nhiệm trường bắn, Phòng quân huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân) đang nghỉ hưu ở Hà Nội, gửi tiền nhờ mua chiếc tivi mới tặng mẹ. Nhận quà tặng của Báo Thanh Niên và đại tá Mai Hữu Hiền, mẹ Lê Thị Nguyên cười hớn hở: "Các anh ở đơn vị em Phú đây hả? Chỉ đơn vị cũ mới tình cảm và quan tâm tới tôi như vậy". Nghe mẹ nói, mà buồn mênh mông…

Bị thương 2 lần, cụt 2 chân vẫn không rời trận địa

Đến thôn Xuân Cầu (xã Lạc Long, H.Kinh Môn, Hải Dương) hỏi anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim, được chỉ đến khu nhà xưởng nằm trong ngõ: "Con trai ông ấy đấy. Vừa trồng hành tỏi, vừa nấu rượu, cho thuê máy cày. Khá lắm".

Anh hùng Nguyễn Xuân Kim sinh năm 1952, nhập ngũ tháng 5.1972 vào chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên. Sau ngày thống nhất, anh Kim được bổ sung cho Trung đoàn 192, Bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc Sư đoàn 355, Quân khu 2) làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, địa bàn tỉnh Lào Cai.

Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim

Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim

Sáng 17.2.1979, thượng sĩ Nguyễn Xuân Kim và cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 192) kiên cường giữ chốt Cốc San (Bát Xát, Lào Cai), đánh trả 8 đợt tấn công của quân xâm lược.

Khi các cán bộ đại đội hy sinh, anh Kim được giao quyền đại đội trưởng, chỉ huy lực lượng chặn địch cho nhân dân phía sau sơ tán.

Bị thương 5 lần, cụt cả 2 chân, nhưng thượng sĩ Nguyễn Xuân Kim vẫn bám trụ trận địa, trực tiếp chiến đấu và hy sinh trưa 17.2.1979.

Bà Nguyễn Thị Khách (70 tuổi, vợ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim) kể: Ông bà cưới nhau đầu năm 1972, ở với nhau được 3 tháng thì ông nhập ngũ và cuối 1972, sinh con gái đầu Nguyễn Thị Liên. Năm 1976, anh bộ đội Nguyễn Xuân Kim lần đầu tiên được nghỉ phép sau 4 năm biền biệt trong chiến trường, về nhà, gặp con gái 5 tuổi ngoài đường, nhưng 2 bố con không nhận ra nhau.

Bà Nguyễn Thị Khách bên di ảnh chồng

Bà Nguyễn Thị Khách bên di ảnh chồng

Năm 1977, bà Khách sinh thêm cậu con trai Nguyễn Văn Lân. Nhưng cũng hơn 1 năm sau, ông Kim nhân chuyến công tác về Hà Tây nhận tân binh giữa 1978, tranh thủ ghé qua nhà nhìn mặt con trai, lần đầu tiên và cũng là cuối cùng.

Sau trận chiến đấu tháng 2.1979, gia đình rất sốt ruột vì không thấy tin tức anh Kim. Cuối năm 1979, hàng xóm mở đài Tiếng nói Việt Nam nghe gương chiến đấu của anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim, chạy sang báo tin.

Tặng quà của Báo Thanh Niên cho thân nhân anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim

Tặng quà của Báo Thanh Niên cho thân nhân anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim

Đầu năm 1980, tỉnh Hoàng Liên Sơn tổ chức đại hội mừng công. Đơn vị cho xe về đón đại diện gia đình lên dự. Người cán bộ đi đón, khi nghe gia đình hỏi, mới ớ ra ngạc nhiên: "Liệt sĩ Nguyễn Xuân Kim đã được truy tặng danh hiệu anh hùng. Sao vẫn chưa ai báo?" và tháng 6.1981, giấy báo tử mới về đến gia đình.

Sau khi bố hy sinh, chị Nguyễn Thị Liên cố gắng học hết lớp 12 và nhập ngũ vào Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân. Hiện chị đã đeo quân hàm trung tá - quân nhân chuyên nghiệp và mới xin nghỉ hưu cuối 2023.

Riêng cậu con trai Nguyễn Văn Lân, ngoài việc chăm sóc 1 mẫu đất trồng hành tỏi, còn đầu tư dây chuyền nấu rượu và cho thuê máy cày. Đặc biệt, anh Lân rất nhiệt thành tham gia cùng với các chú bác là bạn chiến đấu của bố.

Lấy thân mình bảo vệ Sa Pa

Bà Nguyễn Thị Đáng (70 tuổi, vợ anh hùng - liệt sĩ Phạm Văn Huân) hiện đang ở P.Việt Hòa, TP.Hải Dương: Con gái Phạm Thu Hà sinh tháng 6.1977, con bé được 8 tháng, ông ấy mới về thăm con và lên biên giới chiến đấu ngay.

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Huân

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Huân

Anh hùng Phạm Văn Huân sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 4.1968. Đầu năm 1974, sau 6 năm chiến đấu bên chiến trường Lào, anh Huân được nghỉ phép và cưới cô Nguyễn Thị Đáng, khi ấy vừa tròn 20 tuổi. Ở với nhau chục ngày, anh Huân lại vào miền Nam chiến đấu, trong đội hình Trung đoàn 148, Sư đoàn 316.

Sau ngày thống nhất, thiếu úy Nguyễn Văn Huân và Trung đoàn 148 di chuyển ra Bắc, đóng quân ở Than Uyên (Lai Châu). Chiều 18.2.1979, đơn vị anh Huân được lệnh khẩn cấp hành quân về Lào Cai, chốt giữ điểm cao 608 (Sa Pa), chặn đường tiến công của địch, bảo vệ người dân sơ tán về phía sau.

Bà Nguyễn Thị Đáng và con gái Nguyễn Thị Hà trân trọng những di vật của anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Huân

Bà Nguyễn Thị Đáng và con gái Nguyễn Thị Hà trân trọng những di vật của anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Huân

Trong 7 ngày (từ 22 - 28.2.1979), Đại đội 10 với đại đa số cán bộ, chiến sĩ đã tham gia chiến đấu chống Mỹ, dưới sự chỉ huy của đại đội trưởng Nguyễn Văn Huân đã kiên cường bám trụ đánh trả, khiến 1 sư đoàn quân xâm lược không thể tiến quân.

Khi họ chiếm được nửa điểm cao, Nguyễn Văn Huân dẫn đầu lực lượng xung kích, lao lên đánh giáp lá cà khiến địch hoảng sợ, bỏ chạy. Trong trận đánh cuối cùng này, trung úy Nguyễn Văn Huân đã anh dũng hy sinh.

Chị Nguyễn Thị Hà xem lại bằng khen của người bố - anh hùng Nguyễn Văn Huân

Chị Nguyễn Thị Hà xem lại bằng khen của người bố - anh hùng Nguyễn Văn Huân

Chị Nguyễn Thị Hà (con gái anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Huân) kể: Năm 1997, khi đang học năm thứ 2 Đại học Luật Hà Nội, chị đã lên Sa Pa xin phép đưa hài cốt bố về quê. Thời điểm ấy, chưa có chế độ chính sách như bây giờ, nên gia đình tự cất bốc và đưa hài cốt vào túi, giả làm khách du lịch đi tàu hỏa.

Chị Hà, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, vào công tác tại Cục Trợ giúp pháp lý của Bộ Tư pháp. Cách đây vài năm, chị thôi việc ở Bộ Tư pháp, chuyển về làm việc ở Khu công nghiệp Đại An (TP.Hải Dương) để tiện việc chăm sóc mẹ Nguyễn Thị Đáng và hương khói người bố anh hùng Nguyễn Văn Huân.

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.