Tìm giải pháp bảo đảm an toàn cho xe công nông - Kỳ 1: Phương tiện chưa thể thay thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hầu hết xe công nông khi lưu thông trên đường đều không đèn, không đăng ký, không đăng kiểm, người dân cũng không có giấy phép lái xe nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).

Với người dân sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, hình ảnh những chiếc xe công nông, xe độ chế chất đầy nông sản nối đuôi nhau lưu thông trên đường đã trở nên quen thuộc. Mặc dù loại xe này không đảm bảo điều kiện về an toàn khi không đèn, không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển không có giấy phép lái xe, tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra nhưng vì chưa có phương tiện thay thế nên người dân vẫn phải sử dụng để phục vụ mưu sinh.

Xe công nông có công năng vô cùng đặc biệt khi vừa là phương tiện vận chuyển nông sản, vừa có thể độ chế thành máy bơm nước, cày bừa, tưới nước, xay xát, phát điện… Quan trọng hơn là giá thành rẻ, phù hợp với địa hình đồi núi nên xe công nông là phương tiện tối ưu trong đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân Tây Nguyên.

Xe công nông lưu thông vận chuyển nông sản trên quốc lộ 25. Ảnh: Minh Phương

Xe công nông lưu thông vận chuyển nông sản trên quốc lộ 25. Ảnh: Minh Phương

Xe công nông là “đầu cơ nghiệp”

Ngày 19-12-2004, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 46/CT-TTg về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ, trong đó quy định “Đình chỉ việc sản xuất mới các loại xe công nông (trừ xe máy kéo nhỏ). Đối với số xe đã sản xuất hiện chưa có đăng ký, phải thực hiện kiểm tra nghiêm túc nếu đạt yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn hiện hành quy định cho loại xe này thì mới được đăng ký sử dụng. Đối với các xe đã được cấp đăng ký, thời hạn tối đa được tham gia giao thông đến ngày 31-12-2007” và “Cấm xe công nông hoạt động ở khu vực nội thành các đô thị loại III trở lên, trên các đường cao tốc và trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao”.

Đến ngày 29-6-2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP về một số giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, trong đó quy định từ ngày 1-1-2008 đình chỉ lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Tuy nhiên, với một tỉnh miền núi như Gia Lai, xe công nông được xem là phương tiện hữu dụng nhất của người dân để phục vụ sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Kể từ khi có xe công nông, cuộc sống của gia đình ông Rơ Châm Kun (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã khấm khá hơn nhiều. Ông Kun mua xe công nông vào năm 2000 với giá 17 triệu đồng. Ngoài việc sử dụng xe để vận chuyển phân bón, nông sản, ông đã lắp thêm các bộ phận để làm máy bơm nước tưới cà phê. Ngoài ra, ông còn nhận vận chuyển hàng, tưới nước thuê khi người dân trong làng có nhu cầu.

“Khi chưa mua xe công nông, gia đình tôi phải thuê xe của người dân trong làng nên rất bất tiện và tốn kém. Khu vực rẫy của gia đình tôi ở xã Ia Ka, nếu không có xe công nông thì rất khó khăn trong việc vận chuyển phân bón, nông sản. Kể từ khi có chiếc xe này, việc sản xuất của gia đình thuận lợi hơn, các loại chi phí cũng giảm đi nhiều. Với 2 ha cà phê và chở thuê nông sản cho người dân, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”-ông Kun chia sẻ.

Cũng với mong muốn có phương tiện phục vụ sản xuất nên gia đình ông Y Yun (xã Glar, huyện Đak Đoa) đã bán 1 con bò và vay mượn thêm để đóng mới chiếc xe công nông với giá 45 triệu đồng. Chiếc xe được độ chế thêm các bộ phận để bơm nước, cày đất. Ông Y Yun cho hay: “Để vào được khu vực rẫy của gia đình, tôi phải đi qua nhiều đồi cao, toàn là đường đất nên rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Khi chưa có xe, mọi việc cày đất để trồng mì, bắp đều phải làm thủ công nên rất vất vả, năng suất lại không cao. Sau khi mua xe, ngoài việc vận chuyển phân bón, nông sản, tôi còn dùng để cày đất, tưới nước. Ngoài ra, vào vụ thu hoạch, tôi còn chở thuê nông sản hoặc đi cày thuê cho các gia đình khác. Mỗi vụ, chỉ tính việc chở hàng, cày thuê, tôi cũng thu được hơn 30 triệu đồng”.

Cũng theo ông Yun, với người DTTS nơi đây, xe công nông được xem như 1 “lao động chính” trong gia đình. Vì mỗi lần chở bà con đi làm công, phương tiện này cũng được tính công như 1 người làm.

Tương tự, ông Nay Luin (thị trấn Phú Thiện) cho biết: Gia đình ông có rẫy ở xã Ia Sol nên phải mua xe công nông để chở vật tư, phân bón hay nông sản sau khi thu hoạch. Theo ông Luin, chỉ có phương tiện này mới vượt qua đoạn đường đất lầy lội để vào khu vực sản xuất. Không chỉ vậy, xe của ông được độ chế để có thêm các công năng như bơm nước, cày đất nên rất tiện lợi mà không phương tiện nào có thể thay thế được.

Công an thị trấn Phú Thiện tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho ông Nay Luin (thị trấn Phú Thiện)-Chủ xe công nông. Ảnh: M.P

Công an thị trấn Phú Thiện tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho ông Nay Luin (thị trấn Phú Thiện)-Chủ xe công nông. Ảnh: M.P

Ông Đinh Văn Chinh-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện-cho biết: Thị trấn có 13 tổ dân phố (tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 49%) thì có đến 12 tổ dân phố nằm dọc theo quốc lộ 25. Qua rà soát, toàn thị trấn hiện có 209 xe công nông. Loại phương tiện này được xem là “đầu cơ nghiệp” của người dân khi vừa phục vụ tưới nước, cày bừa và vận chuyển nông sản.

“Các chủ phương tiện đều là người DTTS nên điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Một phần do đặc thù địa hình, tập quán sản xuất của người dân nên hiện xe công nông vẫn là phương tiện khó thay thế ở đây”-ông Chinh nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có hơn 37.700 xe công nông, máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp. Hầu hết các loại phương tiện giao thông này đều không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật nhưng lại phục vụ đắc lực cho sản xuất khi vừa có thể vận chuyển nông sản, vừa có thể độ chế thành máy bơm nước, cày bừa, xay xát…

Quan trọng hơn là giá thành rẻ, phù hợp với địa hình đồi núi nên xe công nông là phương tiện tối ưu trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Do vậy, trên khắp các tuyến đường liên thôn, liên xã, thậm chí trên các tuyến quốc lộ hay tỉnh lộ, những chiếc xe công nông vẫn xuôi ngược lưu thông.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Hầu hết xe công nông khi lưu thông trên đường đều không đèn, không đăng ký, không đăng kiểm, người dân cũng không có giấy phép lái xe nên tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Vì xe tự lắp ráp, các thiết bị không có công bố tiêu chuẩn, không có nguồn gốc xuất xứ nên không thể kiểm định để cấp giấy đăng ký. Cùng với đó, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cũng gặp những khó khăn nhất định.

Dù đã gần 10 năm trôi qua nhưng nhiều người chứng kiến vẫn còn chưa hết ám ảnh về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào lúc 21 giờ 15 phút ngày 27-11-2015 trên quốc lộ 14 (thuộc địa phận thôn Đại An 1, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) giữa xe tải BKS 81M-5781 do tài xế Cao Đại Trọng (SN 1986, trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chở gỗ cao su lưu thông theo hướng từ Gia Lai đi tỉnh Kon Tum đã tông thẳng vào xe công nông do anh Hrung (SN 1986, trú tại làng Brép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) điều khiển chở trên xe 15 người ở làng Tơ Vơng 2 (xã Ia Khươl) đi hái cà phê về. Vụ tai nạn khiến 5 người chết và 9 người bị thương.

Công an huyện Đak Đoa nhắc nhở chủ xe công nông chở hàng cồng kềnh, che khuất tầm nhìn. Ảnh: Lê Anh

Công an huyện Đak Đoa nhắc nhở chủ xe công nông chở hàng cồng kềnh, che khuất tầm nhìn. Ảnh: Lê Anh

Hay mới đây, vào khoảng 21 giờ 20 phút ngày 29-4-2024, tại tuyến đường liên huyện Đak Đoa-Chư Sê (đoạn thuộc thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa), anh Kpa Sinh (SN 2006, trú tại xã Ia Băng) điều khiển xe máy BKS 81B3-256.01 chở theo sau em Kpa Huân (SN 2012, trú tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) đã tông vào đuôi xe công nông do anh Jưk (SN 1994, trú tại xã Ia Băng) điều khiển. Vụ tai nạn làm anh Kpa Sinh bị thương nặng rồi tử vong trên đường đi cấp cứu.

Những năm qua, tình hình TNGT liên quan đến xe công nông xảy ra trên địa bàn tỉnh khá phức tạp. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2023, toàn tỉnh xảy ra 110 vụ TNGT liên quan đến xe công nông, làm 89 người chết, 58 người bị thương. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ TNGT liên quan đến xe công nông, làm 13 người chết, 2 người bị thương.

Trao đổi với P.V, ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh-nhận định: Trên thực tế, trong tổng số các vụ TNGT xảy ra hàng năm thì số vụ liên quan đến xe công nông chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn thì hậu quả rất nghiêm trọng. “Một loại phương tiện nhiều “điểm không” lưu thông trên đường giao thông hỗn hợp lại còn chở người thì quá nguy hiểm cho tính mạng người lái xe, người ngồi trên xe và cả người đi đường.

Muốn quản lý loại phương tiện này thì cần có sự quan tâm phối hợp triển khai đồng bộ của các ngành chức năng. Trước hết phải tiếp tục tổ chức đăng ký, cấp biển số theo quy định; phải kiểm tra về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện. Mặt khác, các địa phương có điều kiện cần đẩy nhanh việc xây dựng đường gom, đường dân sinh song song với quốc lộ, tỉnh lộ để tách phương tiện ra khỏi thành phần dòng xe, ngăn ngừa TNGT”-ông Hiếu nêu giải pháp.

Còn ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thì cho biết: Thời gian qua, một số cơ quan chức năng chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý sai phạm liên quan đến xe công nông, máy kéo nhỏ dẫn đến các phương tiện này vẫn tham gia lưu thông và xảy ra nhiều vụ TNGT. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm theo quy định gặp trở ngại vì mức phạt cao, trong khi phần lớn người điều khiển là đồng bào DTTS có thu nhập thấp, trình độ nhận thức chưa cao. Nếu thực hiện xử phạt phải bắt buộc tạm giữ phương tiện thì người dân không có công cụ phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc xử lý các xe vi phạm rất ít. Thông thường, các lực lượng kiểm tra chỉ nhắc nhở, tuyên truyền và yêu cầu ký cam kết là chủ yếu nên việc chấp hành pháp luật về giao thông còn hạn chế.

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Pháo đài Đồng Đăng - kỳ 5: Sức sống thị trấn miền biên viễn

Tự hào là mảnh đất “phên dậu” của đất nước, nơi có các di tích lịch sử oai hùng như: Pháo đài Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị cùng các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) trỗi mình sau cuộc chiến biên giới 1979, trở thành điểm đến của du khách muôn phương.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

Người 'dò đường' cho lính 'mũ nồi xanh'

…Từ Nam Sudan, đất nước vẫn còn non trẻ và đầy rẫy bất ổn này, chúng tôi thấy những gam màu ảm đạm: màu vàng của sa mạc, màu nâu của bùn đất, màu đen của những khẩu súng và đặc biệt là hình ảnh vô cùng đáng thương của những đứa trẻ chăn bò.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.

Người gieo ánh sáng yêu thương

Người gieo ánh sáng yêu thương

Bị khiếm thị từ nhỏ, song Lã Minh Trường, sinh năm 2001, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật TP Hà Nội, đã vươn lên trong học tập, thi đấu thể thao và tích cực hoạt động công tác xã hội trong 5 năm qua.