'Tiên ông' chữa bệnh cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng chục năm qua lương y Phạm Thọ Tầng ở Ba Vì, Hà Nội miệt mài với việc cứu giúp nhiều người khỏi bệnh.

Với tôi, ông bao giờ cũng bí ẩn như những khu rừng già của dãy núi Tản Viên, lặng lẽ cùng thiên nhiên Ba Vì từ ngàn năm trước. Người nói ông tên Thọ Tâng, kẻ bảo ông là Thọ Tầng, còn những người được ông trực tiếp chữa bệnh thoát cơn hiểm nghèo thì gọi ông với cái tên đầy kính trọng "Tiên ông bước ra từ cổ tích".

Hơn 30 năm bền bỉ cứu người

Những ai từng sống ở thị xã Sơn Tây từ nhiều năm nay, dường như không quên hình ảnh đúng 5 giờ sáng mỗi ngày, bất kể trời nắng hay mưa, trên con đường quen thuộc, người ta thấy một cụ già, khi thì trên chiếc xe đạp cà tàng, khi thì trên chiếc xe máy đi xuyên hàng chục cây số trong gió mưa rét buốt, bụi đường. Những bước chân của ông đi đến từng nhà để chữa cho những bệnh nhân. Đó là lương y Phạm Thọ Tầng.

Trên chiếc xe ấy, một bên đựng đầy những bệnh án, bên kia đựng sổ bút, dụng cụ y tế và toa thuốc, treo lủng lẳng nơi thân xe là một chút thức ăn nhanh và một chai nước. Đi hết nhà bệnh nhân này, ông lại sang nhà bệnh nhân khác, từng bước từng bước, lặng lẽ thăm khám, mỗi ngày một bệnh nhân, hơn 30 năm.

Người dân Ba Vì và khắp nơi dường như quá quen với vị lương y khả kính, nhiều bệnh nhân còn thuộc lòng giờ giấc làm việc của ông nên có khi chẳng cần gọi điện, họ cũng biết là ông luôn rộng lòng đón tiếp, không có ngày nghỉ.

Dù đã hơn 100 tuổi, cụ Phạm Thọ Tầng vẫn bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Dù đã hơn 100 tuổi, cụ Phạm Thọ Tầng vẫn bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Mỗi ngày một bệnh nhân, 30 năm là bao nhiêu người lành bệnh? Mỗi ngày đi chữa bệnh ở các tỉnh, hàng chục cây số, 30 năm qua, ông đã đi bằng chu vi trái đất rồi? Tôi bước vào căn phòng nhỏ bé nơi ông ngồi làm việc.

Bước sang năm 2024 này, khi đã hơn 100 tuổi, sức khỏe có phần thuyên giảm, không cho phép ông một mình đi chữa bệnh miễn phí cho từng bệnh nhân ở các tỉnh, thành nữa, ông lùi về căn phòng tĩnh lặng và cũng là nơi ông làm việc để tiếp tục cho ra những phương thuốc mới - công trình nghiên cứu mà ông nghĩ nó sẽ giúp ích cho nhiều bệnh nhân nghèo khó trên vùng núi Ba Vì.

Ở đó, có cuốn sổ bệnh án ghi chép tỉ mỉ và chi tiết về tình trạng nặng, nhẹ của mỗi bệnh nhân. Vẫn là những gói thuốc miễn phí - món quà vô giá và chữa lành tổn thương cho người bệnh. Nếu như trước đây, ông đi chữa bệnh miễn phí cho từng người bằng tấm lòng và y đức thì bây giờ, người bệnh tìm đến ông đông hơn, nhiều hơn. Mỗi phút trôi qua trong căn phòng nơi ông làm việc, bệnh nhân xếp hàng dài chờ được thăm khám. Bệnh nhân không cần hỏi xem mình bị bệnh gì hoặc giá thuốc bao nhiêu mà đưa cánh tay về phía vị lương y rồi nhận những phần thuốc miễn phí.

Tôi hỏi: "Làm sao ông có thể biết tình trạng bệnh tật của họ mà bốc thuốc?". Ông vuốt nhẹ chòm râu bạc như cước, cười hiền hậu: "Mấy năm trước, chị ấy bị mắc bệnh hiểm nghèo. Chữa khắp nơi không khỏi". Ông nhìn về phía người bệnh: "Cô bị bệnh này lâu rồi phải không?". Người mẹ trẻ khẽ gật rụt rè. Ông nhìn về phía tôi: "Cô ấy ở xa lắm. Làm nặng nên đau đớn suốt. Uống gì cũng không khỏi được à?". Chị Mùi - một bệnh nhân, nói: "Ông thuộc nằm lòng từng bệnh nhân ấy mà chẳng cần ghi chép. Từ Nam chí Bắc, ai ông cũng nhớ hết".

Tôi hỏi chị Mùi: "Có khi nào chị tìm được nơi chữa bệnh khác?". Chị trả lời: "Còn biết chữa bệnh ở đâu ngoài cụ Tầng nữa? Từ đó đến giờ, tôi chỉ khám và chữa với một phòng bệnh duy nhất, không có nơi nào hơn. Bệnh nhân nào nếu được ông thăm khám một lần, lần sau chẳng đi đâu khác. Chữa khỏi rồi là tôi liền nói với bà con đến chữa bệnh".

Cho đi, không nhận lại

Trước khi ngồi với ông, tôi được một người bạn trẻ ở thị xã Sơn Tây chỉ đường đến nhà ông. Đi suốt một giờ những tưởng lạc lối trên phường Xuân Khanh, tôi mới tìm đến được nhà ông. Từ khoảng sân rộng rãi, một cụ bà nhỏ nhắn và hồ hởi bước ra mở cổng.

Cụ bà Trương Thị Hát, vợ cụ Tầng, nói đầy tự hào về chồng: "Ông tên là Phạm Thọ Tầng, quê gốc ở Đông Hưng, Thái Bình. Từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, rồi về làm Viện trưởng Viện Điều dưỡng (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tôi với ông ấy lấy nhau đã lâu, đẻ mấy mặt con giờ đứa nào cũng khôn lớn trưởng thành, có gia đình riêng, thành đạt cả. Cũng có đứa theo nghề của gia đình, tay nghề cao lắm. Sáng nào tôi cũng dậy sớm làm đủ mọi việc, lại phụ ông chăm sóc cho bệnh nhân, thanh niên bây giờ theo không nổi ông đâu".

Tuổi cao, song cụ Phạm Thọ Tầng vẫn nhớ từng bài thuốc, tên thuốc

Tuổi cao, song cụ Phạm Thọ Tầng vẫn nhớ từng bài thuốc, tên thuốc

Ngồi giữa nếp nhà có vườn thuốc rộng mênh mông, cụ bà nói: "Cả vùng rừng núi Tản Viên này trước đây thâm u, rậm rịt, cây thuốc Nam trải đầy dưới chân vẫn chẳng ai để ý đến. Cậu lại hỏi về xuất xứ của những thứ thuốc hiếm có ấy sao? Chuyện dài lắm, thôi ta đừng ở trong nhà hãy ra vườn thuốc phía sau nhà để tôi tiện giới thiệu cho cậu biết. Hồi mới lấy nhau, cha mẹ hai bên đều nghèo cả, chẳng giúp được gì. Ngày ngày tôi vẫn phải buôn bán chạy chợ để gia đình có cái ăn. Một đêm nọ, ông nói như người đang mơ: "Tôi nghĩ kỹ rồi, bà nó ơi!". Gặng nói mãi nhưng ông cứ im lặng, chỉ thấy một sáng tinh mơ, ông xách dao lên khu rừng phía sau nhà, đi khuất bóng, vừa đi vừa tìm cái gì đó và mang về một vài thứ cây không rõ tên, rồi lặng lẽ trồng phía sau nhà. Vườn thuốc Nam ra đời từ đó. Những thứ thuốc quý đó không phải ông nghĩ ra đâu, mà ngay từ lúc còn là một bác sĩ theo học bên Đông Âu, ông đã để ý cây thuốc Nam và mày mò ra các bài thuốc chữa đại tràng, dạ dày, xương khớp".

Theo lời bà kể, thuốc Nam được nhiều người ưa dùng không chỉ vì nó quen thuộc, điều trị bệnh tận gốc mà còn mang lại những hiệu ứng tích cực.

Bà bảo: "Cứ tang tảng sáng ông ấy đã dậy phân loại thuốc, kê đơn, mài thuốc rồi ngồi chờ bệnh nhân từ xa đến. Nhưng có một điều ít người biết về ông. Đó là khi trực tiếp thăm khám miễn phí cho người bệnh, bao giờ ông cũng kiểm tra tình trạng nặng nhẹ của họ trước đó. Có những bệnh nhân ở xa không đến được, ông gửi thuốc về tận nhà. Ông còn dành dụm số tiền ít ỏi có được để xây cả dãy nhà ở để bệnh nhân từ xa đến có nơi ăn ở thuận tiện. Một vài bệnh nhân khó khăn ông không lấy tiền, ông bảo giúp được bệnh nhân lành bệnh là ông vui rồi, tính toán chi cho mệt".

Nghe cụ bà nói thế, tôi lại chợt liên tưởng cụ Tầng cũng như rừng núi Tản Viên này, vừa mênh mông, bao dung nhưng lúc nào cũng tĩnh lặng.

Một người bệnh từ xa đến ngồi bên cạnh tôi, nói với đầy vẻ cảm phục về cụ Tầng, mỗi người đến với cụ là một phần đời được hồi sinh. Trong cách nói chuyện của nhiều bệnh nhân thì cụ Phạm Thọ Tầng, dù đã hơn 100 tuổi vẫn đem lại cho mỗi người một niềm hy vọng thật hiếm gặp ở đời.

Với những đóng góp tích cực của mình, cụ Phạm Thọ Tầng từng được vinh danh trí thức tiêu biểu "Vì sự nghiệp phát triển thủ đô".

Chắt chiu giúp những cảnh đời

Cứ mỗi lần khám xong một bệnh nhân, ông lại ngồi tĩnh lặng như khu rừng già phía trước nhà ấy. Gương mặt ông phảng phất thứ năng lượng hiếm có. Trong tư thế này, ông thật gần gũi từ bộ quần áo được dành riêng cho nghề y, đến cách khám bệnh, cả cái thứ thuốc quý hiếm ông dùng để chữa lành tổn thương nơi cuộc đời mỗi người cũng rất đỗi thân quen.

Ngày ngày cụ Phạm Thọ Tầng vẫn miệt mài với những bài thuốc chữa bệnh cứu người

Ngày ngày cụ Phạm Thọ Tầng vẫn miệt mài với những bài thuốc chữa bệnh cứu người

Ông cẩn trọng bốc từng vị thuốc có mùi hăng hắc, đưa đôi bàn tay gầy guộc đến từng tủ đựng thuốc ngăn nắp rồi lấy mỗi thứ một chút, chia đều thành từng phần, trước khi gửi đến người bệnh.

Những người được thăm khám tại chỗ, ông bắt mạch trực tiếp, cẩn trọng đến mức không bỏ sót một thứ bệnh nào. Khi bước chân người bệnh cuối cùng rời đi, ông bắt đầu ngồi liệt kê tên tuổi bệnh nhân theo thứ tự từng loại bệnh. Tuổi 100 rồi mà trí nhớ ông minh mẫn lắm, chẳng nhầm lẫn bao giờ.

Ông chắt chiu từng số tiền ít ỏi có được cho vào một ngăn riêng, khóa lại, số tiền còn lại, ông gửi đến địa phương để gây quỹ khuyến học cho các cháu thiếu nhi. Tôi nhẩm tính khoảng hai mươi triệu đồng. Vậy là ông đã mãn nguyện, với niềm vui tuổi già vẫn được giúp đời.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.