Tiễn mùa mưa bằng... du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những cơn mưa cuối mùa bắt đầu nhòa, nhường không gian và thời gian cho một mùa mới, mùa khô. Quả là chưa bao giờ, chưa năm nào mưa nhiều như năm nay, liên tục gần 2 tháng trời, cứ như có bao nhiêu nước, trời vắt hết vào mấy tháng này ở Tây Nguyên, bù cho bao nhiêu khô hạn trước đấy, những dằng dặc hạn dằng dặc khô và dằng dặc nứt nẻ.
 Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 sẽ có nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn. (Ảnh internet)
Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 sẽ có nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn. (Ảnh internet)
Và ngay khi đang mưa lút thút ấy, nhiều dự án, kế hoạch du lịch đã được mở ra.
Trước hết là Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 11. Festival lần này chắc chắn sẽ được tổ chức chặt chẽ và vang vọng hơn với tiêu chí cố kết các cộng đồng trên địa bàn. Được biết (và mong thế) kế hoạch và kịch bản đang được hoàn chỉnh để thông qua trên cơ sở tôn trọng không gian, tôn trọng nguồn gốc, giữ cồng chiêng ở nơi chính nó sinh ra, sao cho cồng chiêng đúng là... cồng chiêng. Cồng chiêng là của nhân dân và do nhân dân làm chủ thể, chứ cồng chiêng không phải là phụ họa, lại càng không phải là lễ hội, mà nó là thành tố của lễ hội. Tất nhiên vai trò của các nghệ nhân, của già làng sẽ được phát huy triệt để. Và cũng tất nhiên, vai trò tác động, quản lý, tổ chức của ngành Văn hóa cũng rất quan trọng, nhưng cố gắng để không có những kịch bản làm thay, xa rời thực tế, áp đặt hoặc... chỉ huy nghệ nhân.
Và như thế thì lễ hội dân gian không còn tập trung về TP. Pleiku nữa, mà sẽ tỏa về huyện, về làng. Không tập trung cũng có cái khó, nhiều mặt khó, nhưng cái được là cái hồn, cái cốt của chiêng, của lễ hội, nó tươi tắn và giữ nguyên, nó được gắn với không gian mà nó sinh ra và tồn tại, nó được bền quyện với làng, với suối, với những thảm cỏ xanh mượt, với trời xanh ban ngày trăng sáng ban đêm. Nó là nguyên vẹn cồng chiêng, nguyên vẹn lễ hội...
Làng bấy giờ trở thành trung tâm của lễ hội. Những ngôi làng rờ rỡ trong trăng lạnh mùa khô mà tôi từng nhiều đêm thức cùng nó, nhất là thời kỳ đầu mới lên, cái thời trong veo bỡ ngỡ, giờ nhiều lúc muốn mơ về mà khó. Thế thì tại sao nhân dịp này ta không tổ chức lại những ngôi làng như thế. Mùa khô, gió lồng lộng, chiêng và xoang, những cặp chân díu vào cỏ, những cánh tay trần vươn trong trăng, những nụ cười như muốn xô lệch không gian. Và trên hết, tiếng chiêng lan tỏa trong không gian ấy, như mềm ra, như vút lên, như níu lại, như tan cùng gió, hòa vào trăng miên man cùng thảo nguyên mê hoặc...
Những đêm Tây Nguyên đúng nghĩa như thế.
Trước mắt thì ngay đây có 2 cuộc tổ chức du lịch của 2 huyện, coi như là một sự hưởng ứng Festival Cồng chiêng.
Một là Ngày hội du lịch Kbang 2018 sẽ khai mạc vào ngày 3-8 với các hoạt động chính như “Kbang, điểm đến của di sản văn hóa”, “Kích cầu và xúc tiến du lịch”...
Là địa phương tách ra từ huyện An Khê (cũ) nhưng Kbang lại có nhiều tiềm năng, nhất là văn hóa và lịch sử. Dẫu có vẻ ở xa nhưng nhờ có sự liên kết với thị xã An Khê và các huyện xung quanh, Kbang đang có những tín hiệu tốt về phát triển du lịch. Thế mạnh của Kbang là còn giữ được nhiều giá trị truyền thống, chưa bị phân hóa, chưa bị lai tạp nhiều. Tất nhiên, thế mạnh ấy cũng chính là thế... khó, bởi văn hóa càng được duy trì bảo tồn nguyên bản, đồng nghĩa vùng ấy chưa phát triển. Sự phát triển du lịch cũng chính là con dao 2 lưỡi: một mặt tăng thu nhập cho ngân sách, cho chính người dân, nhưng mặt khác, nếu không khéo cũng sẽ làm hỏng nhiều thứ mà chúng ta đang cố giữ. Với sự phát triển sau, thừa hưởng kinh nghiệm những địa phương đi trước, hy vọng Kbang sẽ là một điểm đến thú vị của du lịch, du khách và tất cả chúng ta. Đến Kbang là đến với một nền văn hóa Bahnar nguyên bản với tầng tầng lớp lớp trầm tích bí ẩn, mê dụ những con người thích khám phá, mê tìm hiểu, yêu vẻ đẹp tự nhiên thuần chất với đầy sự bất ngờ...
Tiếp đó là lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2018 do huyện Chư Pah chủ trì đã lên kế hoạch chi tiết. Theo đó, lễ hội cũng sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay tại làng Ia Gri (xã Chư Đăng Ya). Ngoài việc ngắm hoa dã quỳ nở rộ “chính vụ”, lễ hội sẽ có nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn như phục dựng toàn bộ lễ hội Mừng lúa mới của bà con Jrai Aráp, sẽ có dù lượn trên miệng núi lửa Chư Đăng Ya, thi leo núi, biểu diễn và thi các hoạt động sinh hoạt truyền thống như đan lát, dệt vải, tạc tượng..., tổ chức thi các môn thể thao dân tộc như đi cà kheo, đẩy gậy, thi nấu ăn các món dân tộc, thi ảnh đẹp về hoa dã quỳ và núi lửa Chư Đăng Ya, thi thơ... Đặc biệt, sẽ có nhiều gian hàng ẩm thực Jrai do chính người Jrai bản địa thực hiện phục vụ du khách.
Không phải dự cảm nữa, tôi đang thấy một hiện thực phát triển của du lịch Gia Lai, bắt đầu từ bây giờ, khi sáng sớm vẫn còn những cơn mưa chào ngày mới, chào những ngày sắp tới, ngay trong mùa khô này...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.