Tiền mất tật mang với "thuốc gia truyền" trên mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mua bán trên mạng giờ đây đã trở nên vô cùng phổ biến trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, thuốc men (thuốc đông y) - một loại hàng hóa đặc biệt, yêu cầu cơ sở kinh doanh phải được cấp phép của Sở Y tế, phải có uy tín, chất lượng được đảm bảo qua chính quyền địa phương - giờ cũng được mua bán chỉ thông qua hình thức quảng cáo trên mạng.
Vì tin vào những lời quảng cáo, tư vấn vô căn cứ, thời gian gần đây có không ít người bệnh tự mua các loại thuốc đông y, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, được gắn mác bài thuốc gia truyền để điều trị bệnh. 
 
Thuốc đông y, thuốc bắc các loại chất đầy trong một căn phòng trọ tại quận 12 (TPHCM)
 Đánh vào tâm lý
Trên mạng xã hội có nhiều trang rao bán thuốc đông y, thuốc bắc gia truyền, đủ các thương hiệu. Ngoài ra, người bệnh còn có thể tiếp cận với các loại thuốc này qua lời giới thiệu của người quen, thông tin trên tờ rơi quảng cáo hoặc qua đội ngũ bán hàng đa cấp. Các “thầy lang” này tư vấn, quảng cáo tác dụng của thuốc nhộn nhịp không khác nào ở bệnh viện, bệnh gì cũng có thuốc điều trị. “Thầy lang” nào cũng cho rằng bài thuốc của mình là bài thuốc gia truyền độc quyền, được làm hoàn toàn từ thảo dược quý hiếm. Các “thầy lang” bán rất nhiều loại thuốc, thượng vàng hạ cám và cam kết thuốc có thể chữa được nhiều loại bệnh mãn tính, dù nặng hay nhẹ, như chữa tiểu đường, gan, thận…, thậm chí là chữa khỏi cả ung thư. Thực tế, chất lượng đến đâu thì không ai biết được!
Tâm lý người bệnh chỉ cần nhìn thấy quảng cáo thuốc gia truyền là cảm thấy tin tưởng, do suy nghĩ thuốc đã được điều trị công hiệu qua nhiều năm và sử dụng dược liệu thiên nhiên an toàn, nếu không khỏi thì cũng tốt cho sức khỏe. Đánh vào tâm lý đó, nhiều người quảng cáo thuốc của mình là thuốc gia truyền, với những lời quảng cáo đầy hứa hẹn: “hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên quý hiếm”; “không độc hại với cơ thể”; “đã có rất nhiều người sử dụng và khỏi bệnh”; “điều trị dứt điểm, nặng đến mấy cũng khỏi; “không hết bệnh hoàn lại 100% tiền”…
Từ địa chỉ rao quảng cáo trên mạng xã hội, phóng viên đã tìm đến cửa hàng bán thuốc đông y ở phường Tân Chánh Hiệp (quận 12, TPHCM). Nói là cửa hàng nhưng thực chất đây chỉ là một căn phòng trọ chật hẹp, nhiều bao bì thuốc chất đống, nằm la liệt.
Nghe chúng tôi ngỏ ý muốn tìm mua thuốc chữa tiểu đường cho người nhà, một phụ nữ đưa ra gói thuốc dạng viên tán trị tiểu đường, với giá 500.000 đồng/gói và giới thiệu: “Loại này chỉ sau 3 tháng uống sẽ khỏi hẳn tiểu đường. Thuốc được bào chế từ nguyên liệu thiên nhiên theo công thức gia truyền nhà chị, nên cứ yên tâm sử dụng”.
 
Thuốc đóng gói, không nhãn mác, không ghi thành phần
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với một chủ tài khoản Facebook tên T.B. đang rao  bán thuốc bắc chữa được nhiều loại bệnh và được người này cho hay: “Có bán thuốc bắc điều trị ung thư gan, ung thư phổi, ung thư đại tràng, được điều chế từ hoa đu đủ đực, giá 800.000 đồng/gói; thuốc điều trị tiểu đường 700.000 đồng/gói; thuốc tăng cân, giảm cân chỉ 300.000 đồng/gói…”.
Ông T.B. còn khoe đã bán thuốc cho nhiều người bệnh trên khắp cả nước, nhưng không tiết lộ địa chỉ cửa hàng. Không cần phải gặp bệnh nhân để khám bệnh, ông T.B. chỉ cần hỏi sơ bệnh tình qua điện thoại là có thể bốc thuốc và giao thuốc qua đường bưu điện cho người bệnh. Các thuốc này đều được đóng gói trong các túi ni lông hoặc trong bình nhựa nhỏ, bên ngoài dán nhãn ghi tên thuốc, kèm theo địa chỉ sơ sài, số điện thoại của người bán mà không ghi thành phần, cách sử dụng hoặc tác dụng phụ của thuốc khi sử dụng.
Nguy hiểm cận kề
Điều đáng nói, nguy cơ về mất an toàn đối với sức khỏe người bệnh đã được các y bác sĩ, cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Nhưng thực tế, hiện nay thị trường thuốc bắc, thuốc đông y không được kiểm soát chặt chẽ, nhiều cá nhân có thể tự do đăng tải thông tin tư vấn, chào mời mua thuốc.
“Có bệnh thì vái tứ phương”, người bệnh tin tưởng vào những lời quảng cáo, tự mua thuốc về điều trị, nhưng rồi nhiều trường hợp bệnh tình chẳng thấy thuyên giảm mà còn bị ngộ độc, biến chứng. Hồi tháng 10-2018, một người đàn ông tên L. (57 tuổi, ở Lạng Sơn) bị tiểu đường nhiều năm, đã mua thuốc “tiểu đường hoàn” trên mạng về uống. Sau đó người này bị ho, sốt cao nghi do ngộ độc, nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Mặc dù đã được điều trị tích cực, kịp thời nhưng sau đó bệnh nhân đã tử vong. 
Gần đây nhất, chị N.T. (24 tuổi, ở quận Gò Vấp, TPHCM) cũng là nạn nhân của một bài thuốc gia truyền rao bán trên mạng. Chị cho biết: “Tôi bị nóng trong người, nổi mụn nhọt và hạch, nghe theo lời giới thiệu của người quen nên tìm mua thuốc bắc trên mạng về để uống. Người bán giới thiệu thuốc làm từ nguyên liệu thiên nhiên là lá cỏ, lá cây giúp bổ gan, tiêu mụn nhọt, nhưng thực tế sau một tuần sử dụng, cơ thể tôi bắt đầu có hiện tượng mụn mọc nhiều hơn và sưng tấy lên khắp mặt, buộc phải đi bệnh viện”.
Nhiều người bệnh khi tự mua thuốc trên mạng để điều trị bệnh thường cẩn thận tham khảo các ý kiến phản hồi của những người đã từng sử dụng thuốc đó, đặt niềm tin vào truyền thông, quảng cáo. Do vậy, một số người bán thuốc dùng chiêu bỏ tiền ra mua lượt tương tác, thuê người viết những đánh giá ảo, comment trên các trang bán hàng khen ngợi công hiệu của thuốc, nhằm tạo độ tin tưởng cho người bệnh. Chính vì lẽ đó, không ít người bệnh đã bị các gian thương lừa dối để trục lợi.
Theo quy định hiện hành, để được chứng nhận là cơ sở đông y gia truyền thì cơ sở đó phải có 3 đời làm nghề đông y, được trạm y tế, chính quyền địa phương xác nhận. Sau đó Sở Y tế cấp phép, cấp giấy chứng nhận lưu hành thì mới đủ điều kiện mở cửa hàng kinh doanh thuốc chữa bệnh. Tình trạng không phải là cơ sở đông y nhưng bán thuốc núp dưới danh nghĩa “bài thuốc gia truyền” như hiện nay đang là mối nguy lớn cho người bệnh.
Chị Nguyễn Quỳnh Anh, chủ một cửa hàng bán thuốc đông y tại quận 5, cho biết: “Đã là thuốc chữa bệnh thì cần thận trọng, không thể tùy tiện sử dụng được. Hiện nay có rất nhiều người bán thuốc đông y, thuốc bắc, vàng thau lẫn lộn, thường là rao bán qua mạng xã hội, không cung cấp địa chỉ cụ thể để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Vì lợi nhuận, nhiều người không có chuyên môn, không biết đặc tính các loại thuốc, cũng tự mở bán thuốc trên Facebook. Nguy hiểm hơn, nhiều thầy lang giả danh còn sử dụng “rác thuốc” rẻ tiền, quảng cáo là thần dược để bán chạy hàng. Một người hành nghề thuốc đông y, đầu tiên phải có tâm với nghề, trải quá trình học hỏi nhiều năm; nguồn thuốc phải được các dược sĩ đông y có bằng cấp, có kinh nghiệm bào chế; cơ sở đông y phải có giấy phép hoạt động. Trước tiên, người bệnh phải được các y bác sĩ khám, chẩn đoán, kê đơn mới sử dụng thuốc được.”
Để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình mình, mọi người không nên tin vào những lời quảng cáo có cánh; khi có bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện để được thăm khám và chữa trị. Các cơ quan chức năng liên quan cần tích cực kiểm tra, ngăn chặn việc quảng cáo và rao bán thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc để bảo đảm sức khỏe và tính mạng người dân.
Bùi Anh Tuấn (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.