Trong vài thập niên qua, Trung Đông nói chung hay các nước Ả Rập nói riêng đã có những bước chuyển mình đáng kinh ngạc trong việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và đã trở thành một thị trường rất lớn.
Trước hết, khu vực này là thị trường quan trọng của nền công nghiệp Halal vốn gồm những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo quy định của Hồi giáo. Đây chính là cơ hội lớn cho nhiều sản phẩm mà VN có thế mạnh như nông sản, trái cây rau quả, thực phẩm đã qua chế biến...
Điển hình, chỉ riêng Ả Rập Xê Út mỗi năm nhập khoảng 1,7 triệu tấn gạo, trong đó VN mới chỉ xuất khẩu sang nước này 35.000 tấn. Quốc gia này cũng tiêu thụ nhiều loại rau, củ, quả tươi được nhập từ các nước, trong đó có VN. Rồi Ả Rập Xê Út ưa chuộng các loại cà phê, hạt, gia vị, hải sản (như tôm, cá, mực và cá ngừ đóng hộp)... từ thị trường VN. Tất nhiên, các doanh nghiệp Ả Rập Xê Út muốn nhập khẩu trực tiếp từ VN chứ không phải qua trung gian như lâu nay. Hay UAE là thị trường mà VN xuất khẩu nhiều loại sản phẩm từ điện thoại di động, linh kiện điện tử, máy vi tính cho đến giày dép…
Chỉ sơ lược như thế cũng đã thấy Trung Đông hay các nước Ả Rập là một thị trường rộng lớn và còn rất nhiều cơ hội, dư địa để VN khai thác. Với sự phát triển không ngừng của khu vực này, thì tiềm năng sẽ còn lớn hơn nữa.
Quan trọng không kém, cũng trong quá trình đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển không ngừng, khu vực này đang dần trở thành một "hub", trung tâm kết nối quan trọng về công nghệ và dòng vốn toàn cầu trong kỷ nguyên kinh tế số đang bùng nổ. Thời gian qua, đã có rất nhiều dự án khởi nghiệp đạt giá trị hàng tỉ USD, đặc biệt là nhiều dự án về công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã kết nối với Trung Đông.
Theo đó, nhiều quỹ đầu tư lẫn các công ty khởi nghiệp đã tìm đến UAE và Ả Rập Xê Út. Từ khoảng 6 năm trước, chỉ riêng huy động vốn từ Ả Rập Xê Út, Quỹ đầu tư Vision của tỉ phú Masayoshi Son (Nhật Bản) trong thời gian ngắn đã tiếp nhận được khoản đầu tư lên đến 45 tỉ USD. Sau đó, Vision còn tiếp nhận hàng tỉ USD khác đến từ cùng khu vực.
Ở Trung Đông hay các nước Ả Rập còn đang xúc tiến các dự án "khủng" với giá trị hàng chục hay thậm chí hàng trăm tỉ USD, với những điểm nhấn về công nghệ để mở ra cơ hội cho nhiều nước khác tham gia. Mới đây, Ả Rập Xê Út đã khởi động đầu tư đến 40 tỉ USD cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Hay ngược lại, Microsoft vừa qua đã đầu tư khoảng 1,5 tỉ USD vào một công ty chuyên về AI là G42 ở UAE. Cứ thế, dòng vốn lẫn công nghệ đang hội tụ tại các nước như Ả Rập Xê Út, UAE. Trong xu thế đó, nếu VN kết nối hiệu quả với khu vực này, như một trung tâm chuyển tiếp, thì có thể khai phá nhiều cơ hội mới cho định hướng kinh tế số mà chúng ta đang theo đuổi.
Theo Ngô Minh Trí (TNO)