Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2017, Thủ tướng nêu rõ định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết 01 năm 2018, văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính Nhà nước trong năm 2018 và giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất đánh giá tình hình kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực, tăng trưởng đồng đều cả 3 khu vực, nhiều việc triển khai tốt, tiến bộ vượt bậc; nêu rõ, cần tiếp tục phát huy, đồng thời triển khai để kết quả tốt nhất và “đừng thỏa mãn non”.
Phải giữ đúng lời hứa
Nhấn mạnh công tác khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai, Thủ tướng cho rằng, tháng 12/2017 và những tháng đầu năm 2018, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tập trung vào kỷ luật kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính. Nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn nữa, toàn diện hơn nữa so với số liệu ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.
“Tôi lưu ý các đồng chí thành viên Chính phủ cần thực hiện tốt hơn, liên tục lời hứa của mình trước Quốc hội, quốc dân đồng bào, thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội, các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mình nói và làm đi liền với nhau, nhất là trong hành động cụ thể, chứ không phải trước Quốc hội, trong thảo luận ở Quốc hội thì sôi nổi, trách nhiệm, sau đó chúng ta không xem lại những lời hứa của mình, kiến nghị của các cơ quan chức năng đối với Chính phủ”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Tôi mong rằng chúng ta biến lời hứa của mình, cam kết của mình thành hiện thực trong chỉ đạo, điều hành”.
Về định hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết 01 năm 2018, văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính nhà nước trong năm 2018, Thủ tướng nêu rõ không nên quá dài, không đưa ra quá nhiều các nhiệm vụ, giải pháp, trùng với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, trùng lắp với các Nghị quyết khác của Chính phủ.
3 trọng tâm chỉ đạo, điều hành
Thủ tướng nhấn mạnh 3 nội dung trọng tâm chỉ đạo điều hành năm 2018. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thành toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2018 theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Thứ hai, quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.
Thứ ba, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chú trọng hơn nữa phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu mỗi Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ tự đánh giá xem năm 2017 đã làm được gì và năm 2018, công việc của bộ, ngành mình là gì để thực hiện những định hướng quan trọng mà Chính phủ nêu trong phiên họp này.
Các bộ, ngành phải phấn đấu một số công việc có kết quả cụ thể. Ví dụ với ngành GTVT là sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành, đường cao tốc; với ngành công thương thì các chương trình mục tiêu, thương mại điện tử, chống gian lận, buôn lậu… và phải tạo được chuyển biến cả hệ thống chứ không chỉ một bộ phận.
Về cách thức xây dựng Nghị quyết 01, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là phải ngắn gọn, rõ ý, có trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên; không đưa công việc thường xuyên thuộc chức năng của của bộ, ngành mình vào dự thảo Nghị quyết. Những nội dung đưa vào Nghị quyết 19 và các nghị quyết khác thì không đưa vào Nghị quyết này.
Các bộ ngành tập trung rà soát toàn bộ các cơ chế chính sách, pháp luật liên quan, phân tích đánh giá rõ những điểm tồn tại, hạn chế, khó khăn thách thức để khắc phục ngay và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm có giải pháp trung, dài hạn với thời gian cụ thể và thứ tự ưu tiên hợp lý để triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Thủ tướng lưu ý tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.
“Chúng ta có phát triển, chúng ta tự hào về sự phát triển ấy nhưng so với khu vực, toàn cầu thì còn thấp. Chúng ta phải phát triển mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, bền vững hơn, đây là một yêu cầu rất lớn của mọi cấp, mọi ngành, phải được quán triệt trong chỉ đạo, điều hành”, Thủ tướng yêu cầu, “trì trệ là một vấn đề mà chúng ta cần phải lên án”.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15/12 để đưa ra thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng với các địa phương. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại Hội nghị sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình Thủ tướng ký ban hành và triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2018.
Cần báo cáo toàn diện về vấn đề BOT
Bên cạnh việc xây dựng dự thảo Nghị quyết 01, Thủ tướng cũng giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỉ giá hối đoái, thị trường ngoại tệ để có chính sách điều chỉnh kịp thời, không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Cho biết Thường trực Chính phủ đã thảo luận kỹ về việc tăng giá điện, Thủ tướng nói việc tăng giá điện vừa qua chỉ làm tăng CPI 0,08% năm 2017 và 0,1% năm 2018, như vậy rất thấp. Các Bộ: Tài chính, Công Thương, các bộ ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường. Khẩn trương xây dựng, trình ban hành Chỉ thị Tết.
Chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đồng thời, hỗ trợ cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, vật tư để ổn định đời sống và khôi phục sản xuất tại các địa bàn chịu ảnh hưởng thiên tai.
Đề cập đến các dự án BOT, một vấn đề nóng bỏng hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ trưởng Bộ GTVT có báo cáo tổng hợp, trình Thường trực Chính phủ, đặc biệt là công trình BOT Cai Lậy (Tiền Giang) để đánh giá toàn diện. Thủ tướng nêu rõ không để kéo dài tình trạng này.
Thực hiện nghiêm lộ trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó có thoái vốn của Sabeco, Habeco và một số DNNN lớn khác…). Chủ động nắm bắt thông tin, nhất là sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu để có phản ứng, đối sách kịp thời.
Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh. Chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm bớt các điều kinh doanh nhưng lại “mọc giấy phép con”. Tiếp tục triển khai các dịch vụ hành chính điện tử, giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.
Nhấn mạnh nhiệm vụ cơ cấu lại nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, cần tổ chức hội nghị bàn về việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Đây là hướng ra quan trọng của nông nghiệp Việt Nam. Tiếp tục hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng ngắn ngày, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản.
Trong lĩnh vực xã hội, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục lên án hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa, làm tha hóa con người. Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm hành vi bạo hành trẻ em.
Tiếp tục tăng cường bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ động ứng phó, kịp thời xử lý các tình huống, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá. Bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế trên biển, đảo; tăng cường phổ biến pháp luật, hướng dẫn ngư dân không đánh bắt sang vùng biển nước khác.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Đức Tuân/chinhphu.vn