Thu nõn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm nào cuối hạ, tôi cũng nghe bọn trẻ nói với nhau lời thật ngây thơ: “Sớm mai lại ra đây bắt cá nhé”, “Đá bóng nhé”, “Trèo cây  nhé”… Chúng đâu có hay, sớm mai trời đã sang mùa. Đời cũng như mùa, biến chuyển vô cùng.
 Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Tôi có người bạn là dân “bụi bặm” (chứ không bụi đời)-anh tự nhận thế. Bàn chân anh in khắp các miền rừng núi, sông nước, hải đảo… Bát cơm, đồng tiền thức nào cũng bụi, cũng lên nước mồ hôi. Anh đi cả bốn mùa bất kể mưa lũ, đại hàn, nắng nôi, như con voi núi đi tìm nguồn nước. Vậy mà bữa nay, nằm trên giường bệnh nhìn hàng cây cổ thụ rớt lá, mắt anh ngân ngấn… Đời đã thu rồi. Thời khắc mới chớm ấy, mấp mé hôm qua và mai sau ấy, là hôm nay, thoáng chốc non tơ, nõn nà như mùa thu vậy.
Tôi ở thành phố dần như chú chim thuần trong lồng với bầu trời hình chóp, tiếng hót sẽ thuần theo tầm bay của đôi cánh, không còn biết giật mình trước tiếng vỗ cánh xa xăm của đồng loại. Giữa những dãy nhà cao, mùa pha loãng vào hai thì mưa nắng mà nuôi những tâm hồn. Mùa thu xa xăm như ký ức ông bà, mỗi khi nhớ ra lại trong veo như vừa được lau rửa với tâm lành của những Vu lan, Trung thu ngày ấy.
Thu là một chiều gió bỗng lặng. Cái sân gạch hầm hập nắng lửa bỗng dưng mát tính mà se lạnh. Chỉ chờ có thế, cái lạnh đầu tiên len vào nếp nhăn người già, vào lọn tóc con trẻ. Cái lạnh chạm đến những sợi tơ ấy trước, đến gốc chuối, nước giếng làng, sau cuối mới là những tấm thân vạm vỡ đang tứa mồ hôi mưu sinh giữa cuộc đời.
Trong những ô cửa sổ nhà cao tầng, người ta lặng lẽ làm thơ giao mùa hay say sưa thức lên những tiếng dương cầm, lảnh lót như những giọt sương. Còn ở nơi thôn dã, chiều đến, người ta í ới gọi nhau về, náu trong tiếng gọi đó niềm hân hoan. Hình như, bữa nay đã thấy quả trong vườn chín ửng, mầm mạ mùa đã xanh lên thì cây lúa, cái nắp vung nồi cơm khấp khởi sùng sục sôi một niềm hạnh phúc. Thu như nàng tố nữ nõn nà thơ ngây bước xuống bến nước trong veo tắm gội. Nàng có đâu hay, chỉ có nước thời gian mới đầy ắp thế, gột rửa tuổi xanh từng ngày một đi không trở lại.
Thu nõn nà mà cũng ắp đầy. Tôi thấy thu trên mặt hồ, trong ngấn nước mắt ai đã bước qua năm tháng tuổi trẻ, thu trong veo đáy mắt trẻ thơ… Và ở đâu đó, từ muôn nẻo xa xăm, thu chơm chớm đấy, tinh khôi đấy. Thế mới hay, những gì mong manh nhất lại được lưu giữ lâu nhất trong hồn ta. Và biết đâu, khi nét mực giờ đây còn tươi rói thì chiều nay thu đã lại về. Chẳng bao giờ những non tơ, nõn nà ấy lại giống nhau như năm trước. Vậy mới là mùa thu.
 BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...