Phải khẳng định, đó là mức thu nhập chỉ đủ cho những nhu cầu tối thiểu, không có tích lũy. Nên nhớ, mức tăng của thu nhập chỉ tương đương với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Nghĩa là thu nhập, hay đồng lương vẫn đang đuổi theo giá.
Với thu nhập không có tích lũy ấy, làm sao người lao động có cơ hội mua nhà, kể cả nhà ở xã hội?
Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân Lan Hưng (Bắc Ninh) vắng người mua. Ảnh: Trần Tuấn |
Cũng tại nghị trường, hôm trước các đại biểu tranh luận về điều kiện và đối tượng mua nhà ở xã hội xung quanh Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó đặt vấn đề làm sao để người có thu nhập thấp mua được nhà.
Xin nhắc lại câu chuyện đã diễn ra cách đây tròn 10 năm với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng về hỗ trợ nhà ở xã hội. Một chính sách tốt, từng được kỳ vọng là phao cứu sinh của thị trường bất động sản cũng như giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân thời điểm 2013. Thế nhưng khi đưa vào áp dụng thì chính sách này bế tắc: Gói 30.000 tỉ đồng ế ẩm, ì ạch giải ngân vì vướng quá nhiều thủ tục. Trong đó có việc không thể nào xác định được đối tượng thu nhập thấp.
Khi xây dựng Luật nhà ở 2014, Bộ Xây dựng đưa vào điều kiện bổ sung, người thu nhập thấp “thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật”, điều khoản này vẫn tồn tại khi sửa đổi Luật nhà ở đang trình Quốc hội.
Quy định như vậy và căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành thì người có thu nhập thấp thực tế vẫn khó tiếp cận mua nhà.
Đã có những chính sách rất nhân văn khi đặt vấn đề cho người nghèo nhất, thu nhập khó khăn, trong đó có đông đảo lực lượng người lao động được mua nhà. Song, khi đến ngân hàng thương mại vay vốn thì gần như phải chứng minh ngược lại là phải có điều kiện kinh tế, có tài sản bảo đảm, có nguồn thu ổn định mới đủ điều kiện vay vốn.
Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" cũng như Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng đang được đặt rất nhiều kỳ vọng.
Nhưng người lao động với thu nhập chỉ tạm đủ sống có tiếp cận được nguồn vốn hay xa hơn là giấc mơ có nhà hay không lại là chuyện khác.
Đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, gỡ vướng mắc hành chính, nhanh chóng giải ngân chỉ là một giải pháp. Cùng với đó, cần nhanh chóng xác định đúng đối tượng và tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội kéo giá nhà ở mức thấp nhất có thể.
Bài học từ gói 30.000 tỉ 10 năm trước không được lặp lại, để người lao động, dù mức lương trung bình 7,9 triệu/tháng vẫn có nguyên giấc mơ có nhà.