Thú cưng - cuộc chơi công phu và đắt đỏ - Kỳ 3: Cuộc phục hưng gà tre đất Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gà tre vốn là giống gà thuần chủng, tuyệt đẹp của miền Bắc nước ta. Tuy nhiên, trong một rừng những thú cưng ngoại nhập, gà tre bị mất giá, lai tạp. Những năm gần đây, thú chơi gà tre được phục hồi, có những con gà tre nặng 5 lạng được định giá bằng cả cây vàng.

Phục hưng giống gà “quý tộc” Việt Nam

Hẹn nhau vài tuần trước nhưng phải đến một ngày nắng đẹp, tôi mới có mặt tại trại gà tre Bắc của anh Tạ Quang Quyết (sinh năm 1998) ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Vì những tuần trước mưa gió liên miên, nên anh Quyết bảo phải vào ngày nắng mới thấy hết được vẻ đẹp của những chú gà tre Bắc mà anh đang nhân giống và nuôi dưỡng. Hôm nay, anh còn mời thêm một số người bạn mang gà tới giao lưu.

Trong giới chơi gà tre Bắc Việt Nam, Tạ Quang Quyết là một tài năng trẻ vì dù còn ít tuổi nhưng đã ở trong hàng ngũ những người đặt nền móng cho thú chơi này. Bên cạnh việc nhân giống và nuôi dưỡng gà, anh Quyết còn làm giám khảo cho nhiều cuộc thi gà tre Bắc khắp cả nước. Anh cho biết, gà tre Bắc được chia ra làm hai dòng chính là Bắc tít và Bắc cộc, đã được người Việt chơi từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, đầu những năm 2000, dịch cúm H5N1 bùng phát làm gà chết hàng loạt, khiến nhiều dân chơi gà tre Bắc bỏ nghề. Khi đại dịch lắng xuống, những giống gà ngoại nhập như gà Serama (Malaysia), gà Onagadori (Nhật Bản) bắt đầu “tấn công” thị trường Việt Nam, làm gà tre Bắc chìm dần vào quên lãng.

Một trong những cá thể gà tre Bắc đẹp nhất tại trại gà của Quyết, với bộ lông đen tuyền ánh tím và lam

Một trong những cá thể gà tre Bắc đẹp nhất tại trại gà của Quyết, với bộ lông đen tuyền ánh tím và lam

Mãi tới đầu năm 2014, một số ít người chơi gà, trong đó có anh Quyết, mới hạ quyết tâm “phục hưng” giống gà này. Họ đi khắp cả nước tìm những cá thể đẹp, quý còn sót lại rồi mang về nhân giống, tạo ra dòng gà tre Bắc nhỏ hơn thời trước để phù hợp nuôi ở cả làng quê lẫn đô thị. Đến nay, gà tre Bắc là một trong những loài gà cảnh phổ biến nhất và có giá trị cao nhất ở Việt Nam. Một con gà đẹp, quý thường có giá khoảng vài chục triệu đồng - tương đương với một cây vàng, thậm chí cả trăm triệu đồng tùy theo độ quý hiếm. Các câu lạc bộ (CLB) gà tre Bắc xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Cá thể gà tre Bắc có bộ lông đẹp, không bị lem màu

Cá thể gà tre Bắc có bộ lông đẹp, không bị lem màu

“Buổi offline đầu tiên của cộng đồng chơi gà tre Bắc vào năm 2014 chỉ có vỏn vẹn 7 người, trong đó có mình. Đến giờ, các cuộc thi cũng xuất hiện ngày một nhiều ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bạc Liêu… với giải thưởng là những chiếc xe máy, ô tô trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Gà tre Bắc cũng là loài được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận và quản lý. Có thể nói công cuộc “phục hưng” gà tre Bắc đã bước đầu thành công”, anh Quyết chia sẻ.

Nhỏ mà “có võ”

Đúng như anh Quyết nói, dưới ánh nắng, ta mới thấy được toàn bộ vẻ đẹp của những chú gà tre Bắc. Phần mào, tai và tích của chúng đỏ chót; lông ánh lên màu vàng kim, màu đỏ hoa phượng hoặc những sắc xanh, tím thoắt ẩn thoắt hiện dưới một màu đen tuyền… Khuôn mặt có nét dữ dằn, phảng phất chút “thần” của gà chọi; cổ thẳng, hơi cong về phía sau, phần ức nở nang, toát lên một vẻ oai vệ, thông minh bất chấp hình dáng nhỏ nhắn.

Anh Quyết lấy một số cá thể điển hình rồi thuyết minh về các tiêu chí đánh giá gà đẹp. Theo anh, gà tre Bắc càng nhỏ càng quý nên cân nặng chuẩn là từ 5 lạng trở xuống. Chúng phải có mào vua - tức mào chia làm ba khía rõ ràng, hướng về phía trước như một chiếc vương miện. Mặt tròn, mỏ ngắn, phần tai và tích phải đỏ hoàn toàn, không bị lem màu trắng. Màu lông ở các phần bờm, ngực, cánh, đuôi cũng phải biệt lập, không được lem vào nhau, riêng lông đuôi phải chia rõ thành nhiều phần như lông đỡ, lông phủ… Gióng chân phải tròn, vảy chân phải mỏng. Tiếng gáy phải sắc, đanh và ngắn. Cuối cùng là nguồn gen phải tốt để tăng xác suất “đúc” (phối) ra những hậu duệ đẹp và quý.

“Gà tre Bắc không chỉ là một thú chơi tao nhã, mà còn tượng trưng cho niềm tự hào dân tộc của người chơi. Chúng tôi muốn chứng minh rằng Việt Nam cũng có một giống gà bản địa vừa đẹp vừa quý do chính người Việt nhân giống và chăm sóc. Vậy nên chúng tôi sẽ tiếp tục đi trên hành trình tìm cái đẹp của gà tre Bắc”. anh Nguyễn Xuân Huy

Không chỉ vậy, gà tre Bắc còn thu hút người chơi ở sự thông minh và độ thiện chiến. “Ví dụ như con Cộc Vàng này. Mỗi khi thấy mình về, nó sẽ gáy to rồi chạy đến bên mình. Mỗi lần cho ăn, mình chỉ cần búng tay một cái là nó sẽ bay lên, đậu vào mu bàn tay”, anh Nguyễn Xuân Huy, một người chơi tới trại anh Quyết giao lưu cho biết, “Nhưng lúc cần chiến đấu thì nó không ngại “va” với bất cứ con gà nào, kể cả to gấp nhiều lần”.

Cộc Vàng - một trong những cá thể gà tre Bắc cộc đẹp nhất mà anh Nguyễn Xuân Huy đang sở hữu. Có người đã trả giá 220 triệu đồng nhưng anh vẫn không bán

Cộc Vàng - một trong những cá thể gà tre Bắc cộc đẹp nhất mà anh Nguyễn Xuân Huy đang sở hữu. Có người đã trả giá 220 triệu đồng nhưng anh vẫn không bán

Việc nuôi dưỡng gà tre Bắc không hề đơn giản. Theo anh Huy, trong một tháng từ khi mới nở, gà cần phải được tiêm nhiều loại vắc-xin phòng các bệnh như gà rù, đậu gà, cúm, cầu trùng… Thức ăn của gà chủ yếu là cám trộn với một số loại hạt ngũ cốc, ngày cho ăn hai bữa vào sáng và chiều. Sau khi cho ăn cần lấy ngón tay ấn nhẹ vào diều của gà để kiểm tra xem có tiêu hóa tốt thức ăn không. Một ngày phải cho gà tắm nắng ít nhất nửa tiếng để giữ cho bộ lông mượt mà, có màu sắc đẹp, nếu không lông gà sẽ bị xỉn màu và xù lên…

Tiếp tục đi tìm cái đẹp

Câu chuyện về gà tre Bắc tiếp tục bên ấm trà nóng Quyết mới rót. Quyết nói, gà tre Bắc hiện vẫn chưa phải là giống gà thuần chủng. Nhiều người chơi vẫn vì lợi nhuận trước mắt mà phối gà tre Bắc với những loài gà khác, làm nguồn gen của gà tre Bắc bị lai tạp. Vì vậy, xác suất để các cá thể đời sau giống hệt đời trước là rất thấp, chỉ từ một phần trăm đến một phần ngàn. Đó là lý do khiến những cá thể gà tre Bắc đẹp, quý có giá cao, vì chúng gần như độc nhất cả về bề ngoài lẫn nguồn gen. Tuy nhiên, nếu xét về sự phát triển chung của giống gà này, thì đó là một thiếu sót lớn.

“Việc đúc gà thủ công giống như đãi cát tìm vàng. Thường phải đúc hàng trăm lần mới có được một con gà ưng ý. Từ nguồn gen đó ta lại đúc hàng ngàn, hàng vạn lần nữa mới ra một dòng họ gà có một số đặc điểm chung. Và phải có hàng trăm dòng họ như vậy mới tạo nên được giống gà tre Bắc thuần chủng. Quá trình này phải diễn ra trong hàng chục, thậm chí hàng trăm năm với sự góp sức của rất nhiều người nuôi”, Quyết cho biết.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.