Cuộc chơi thú cưng - Kỳ 2: Vào đại bản doanh của loài chim hót đấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nuôi chào mào không khó ở việc chăm chút cái “mã” ngoài, mà khó ở việc đào tạo, huấn luyện để chúng hót hay, hót khỏe, thành một “đấu sĩ” thiện chiến. Và hơn cả một thú chơi, đây còn là công cuộc bảo tồn và phát triển nguồn gen của loài chim quý này…

Hiểu chim như người

Từ đường đê sông Hồng rẽ xuống ngõ 41 An Dương Vương, đi qua vài ngõ, ngách nhỏ nữa sẽ tới trại nhân giống chim chào mào đột biến của anh Lê Quang Huy - Chủ tịch CLB Chim Chào mào Tây Hồ. Nếu lần đầu tới, chỉ cần hỏi người dân tại đây trại chim của ông Huy Tây Hồ ở đâu, họ sẽ “à” một tiếng rồi chỉ đường cho bạn.

Một “đấu sĩ” chào mào đột biến có mức giá 9 con số của anh Huy

Một “đấu sĩ” chào mào đột biến có mức giá 9 con số của anh Huy

Trại chim của anh Huy hiện có khoảng 200 cá thể chim chào mào, hầu hết là chào mào đột biến thể bạch tạng được nhập từ Thái Lan. Những con chim non, chưa có danh tiếng có giá khoảng 8-10 triệu đồng. Còn với những con trưởng thành, đã đạt nhiều danh hiệu tại các cuộc thi lớn, vài trăm triệu đồng là giá trung bình. Trên thực tế, giá chim còn phụ thuộc nhiều vào số lượng khách hàng và độ chịu chơi của khách, bởi nhiều người sẵn sàng trả tiền tỷ để sở hữu một con chim quý đang được nhiều người nhắm đến. Mỗi năm, trại chim của anh Huy nhân giống được khoảng 100 - 200 con, mang về doanh thu vài tỷ đồng.

Anh Huy đang cho chim chào mào ăn. Thành phần chính là chuối và sâu quy.

Anh Huy đang cho chim chào mào ăn. Thành phần chính là chuối và sâu quy.

Theo anh Huy, độ quý của chim chào mào không nằm ở vẻ bề ngoài, mà nằm ở tiếng hót và độ thiện chiến. Dấu hiệu nhận biết một con chim “chiến” là thân hình chắc nịch, vòng ngực nở, gióng chân to, dài cùng tiếng hót đanh, sắc và vang, có thể át vía những con chim khác. Bộ gen là yếu tố quyết định tạo nên một con chim chào mào quý. Anh Huy hầu như không bao giờ mua chim giống với giá cao, thường chỉ khoảng 15-20 triệu đồng mỗi cặp. Nhưng sau khi về với anh, giá trị của chúng lại vọt lên hàng trăm triệu đồng. Bởi bằng hiểu biết và kinh nghiệm, anh có thể nhìn ra “ẩn tướng” để nhận biết con chim nào có tiềm năng trở thành nhà vô địch - điều cả người bán cũng khó nhận ra. “Chẳng hạn như con này”, anh chỉ vào một “tài năng trẻ” đang cất tiếng hót lanh lảnh, “mình nhập về chưa đến chục triệu. Nhưng sau khi lọt top ở một số cuộc thi, đã có người trả giá 300 triệu đồng cho nó. Nhưng mình chưa bán vội. Vì mình biết với tiềm năng của nó, sẽ còn có người trả giá cao hơn nữa”.

Giành được hàng chục danh hiệu lớn nhỏ trong các cuộc thi từ Bắc vào Nam, nhưng anh Huy tự hào nhất về danh hiệu “Nghệ nhân nuôi chào mào xuất sắc nhất miền Bắc” (trao cho người có tổng số điểm tại các cuộc thi trong một năm cao nhất) trong năm 2 liên tiếp là 2018 và 2019. Ở miền Bắc hiện nay, anh Huy là người duy nhất có “cú ăn hai” này.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng chim đi thi đấu cũng quan trọng không kém. Mỗi con chim sẽ có một thể trạng, tính cách và sở trường riêng, đòi hỏi người nuôi phải có giáo án về dinh dưỡng, chăm sóc và huấn luyện đặc thù cho từng con một. Bên cạnh đó, chào mào đột biến dễ mắc bệnh hơn chào mào thường. Vào mùa lạnh, chúng dễ bị viêm họng, viêm phổi… Ngoài ra, phải có phương pháp phù hợp để phục hồi sức khoẻ cho chim sau mỗi giải đấu, chuẩn bị cho giải tiếp theo. Vì vậy, theo anh Huy, người chủ phải hiểu chim như hiểu người.

Một chuồng nuôi tại trại nhân giống chim chào mào đột biến của anh Huy

Một chuồng nuôi tại trại nhân giống chim chào mào đột biến của anh Huy

“Giai đoạn chuẩn bị chiếm tới 90% sự thành công. Trong những giải đấu lớn, hàng trăm con chim chào mào sẽ đấu hót với nhau liên tục 3-5 tiếng để chọn ra nhà vô địch. Rất khắc nghiệt. Vậy nên sự chuẩn bị tốt nhất sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất”, anh Huy nói. Rồi anh mang 4 chiếc lồng chim chứa 4 “đấu sĩ” chào mào ưng ý nhất của mình, đặt lên bàn, để chúng “đấu tập” với nhau. “Tiêu chí chấm điểm là sức bền và độ thiện chiến của chim. Con nào hót bền, hót khoẻ, mặt luôn hướng về phía đối thủ, có những động tác như liên tục xù lông, đập cánh và chuyền qua lại trong lồng, sẽ được đánh giá là thiện chiến và giành nhiều điểm cộng. Ngược lại, con nào bị “át vía” sẽ chỉ đứng nguyên một chỗ, quay lưng lại phía đối thủ, ít hót và không xù lông, đập cánh. Đó là dấu hiệu của sự đầu hàng, quy phục”.

Hai “đấu sĩ” mà anh Huy ưng ý nhất sau hơn chục năm nhân giống và huấn luyện chim chào mào có tên là S500 và Xoáy. Chúng đã chiến thắng rất nhiều cuộc thi lớn và mang về cho anh gần ba chục chiếc xe máy lẫn xe đạp điện. Sau này, khi anh bán lại cho một người bạn trong Đà Nẵng, chúng lại mang về cho chủ mới thêm 2 chiếc ô tô nữa vào năm 2020. Thời điểm ấy, có người đã ra giá hơn 1 tỷ đồng cho cặp “song sát” này.

Chơi để bảo tồn và phát triển

Anh Huy tâm sự, ban đầu, anh chơi và nhân giống chim chủ yếu vì sở thích cá nhân. Nhưng sau khi đã đạt nhiều danh hiệu lớn nhỏ, mục tiêu của anh giờ đã thay đổi. Đầu tiên là vì quyết tâm chứng tỏ năng lực của những nhà nhân giống Việt Nam với bạn bè quốc tế.

“Một số nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… đã đi trước Việt Nam khá xa về việc chơi và nhân giống chim chào mào, nên họ không đánh giá cao chim được nhân giống, nuôi dưỡng ở Việt Nam. Chẳng hạn như ở Thái Lan, hàng năm đều có hội thi chào mào toàn quốc do Nhà vua Thái Lan tổ chức. Bên cạnh đó, họ có điều kiện chăm sóc và nguồn dinh dưỡng cho chim rất tốt nên chim non không bị chết nhiều. Còn về nhân giống, họ đã áp dụng công nghệ xét nghiệm sàng lọc gen từ lâu, nên có thể nhân giống hàng loạt chim chào mào cả thường lẫn đột biến với tỷ lệ đời sau giống đời trước gần như 100%”, anh Huy nói.

Theo anh, những nhà nhân giống Việt mới chỉ đang làm quen với công nghệ xét nghiệm sàng lọc gen. Trước kia, họ nhân giống hoàn toàn thủ công, giống như mò kim đáy bể, nên tỷ lệ con non giống bố hoặc mẹ rất thấp. Hiện nay, chim chào mào được nhân giống tại Việt Nam đã được xuất khẩu sang nước ngoài, nhưng số lượng còn khiêm tốn. Theo anh Huy, đây là một sự khởi đầu suôn sẻ, nhưng cộng đồng nhân giống Việt Nam còn phải cố gắng rất nhiều trong tương lai. “Bên cạnh việc xuất khẩu chim, chúng tôi còn phải xuất khẩu thêm thức ăn cho chim để chứng minh người Việt không chỉ biết nhân giống mà còn biết chăm sóc, nuôi dưỡng chim đúng cách”, anh Huy nói.

Ngoài ra, anh Huy còn muốn lan toả một cách chơi chim văn minh theo hướng bảo tồn và phát triển. Trước đây, chào mào chủ yếu bị người ta bắt từ rừng về, vừa gây ảnh hưởng xấu tới số lượng chim trong tự nhiên, vừa vi phạm pháp luật. Hiện chào mào chưa nằm trong danh mục các loài nguy cấp, nhưng điều này rất có thể xảy ra trong tương lai nếu việc đánh bắt không dừng lại. Theo anh, việc bắt chim hoang dã về nuôi đang trở nên lỗi thời vì pháp luật đang ngày càng chặt chẽ hơn. Anh cùng nhiều đồng nghiệp đang phối hợp với Hội Sinh vật cảnh Việt Nam để phát triển công tác nhân giống, bảo tồn chim chào mào…

(còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.